Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Thursday, December 20, 2018

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2018

"Mùa Noel đó, chúng ta quen bên Giáo đường..., mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu...". 
Trong tâm tình đón mừng  Ngôi Hai Thiên Chúa xuống đời, Anthony Dương Nguyễn Vie
     Kính chúc:
      Quý độc giả
      Quý thầy, cô giáo
      Quý anh, chị, em Công giáo
      Quý ân, thân nhân
Một mùa Giáng sinh An lành- Thánh đức- Tràn đầy hồng ân Chúa Hài Đồng!




Wednesday, December 19, 2018

TRUYỀN TIN CHO DA-CA-RI-A, ĐIỀU KHÔNG TƯỞNG NHƯNG CÓ THƯỞNG  (Anthony Dương Nguyễn Vie)

TRUYỀN TIN CHO DA-CA-RI-A
ĐIỀU KHÔNG TƯỞNG NHƯNG CÓ THƯỞNG

Anthony Dương Văn Hạnh, SDD Noviciate 

   Bối cảnh tin mừng được đặt trong những ngày chờ mong Chúa Giê-su ngự đến qua biến cố Nhập Thể.

   Trích tin mừng hôm nay, Sứ thần truyền tin cho ông Da-ca-ri-a để cho ông biết rằng: vợ ông là bà Ê-li-sa-bét sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, tên người sẽ là "Gioan"- Người sẽ nên cao trọng nhất trong các người nam sau này. Người ấy sẽ là Đấng Tiền Hô, dọn đường cho Chúa ngự đến.

   Trước hết, ta phải thừa nhận vợ chồng ông Da-ca-ri-a là người công chính. Dẫu đã lúc tuổi đà xế bóng, "da mồi tóc bạc" không còn khả năng sinh con nữa. Nhưng sự liên lỉ cầu nguyện của hai ông bà, sự kiên trì muốn xin có một đứa con nhằm "cất nỗi hổ nhục trước mặt người đời" (Lc 1, 25)  đã được Chúa nhận lời và hứa ban cho ông bà một đứa con qua biến cố truyền tin cho Da-ca-ri-a hôm nay.
   Thứ đến, ta phải tự hỏi, tại sao ông Da-ca-ri-a xin rồi mà  khi được sứ thần truyền tin thì lại sợ hãi và không tin lời truyền, còn nghi  ngờ vặn hỏi. Chính sự nghi ngờ ấy của ông mà Chúa đã khiến ông bị câm cho tới lúc Gio-an, con của hai ông bà chào đời. Như thế, ta có thể nhận thấy được, một khi Chúa đã ban ơn cho ai, thì không ai ngăn cản được, ngay cả đối tượng được nhận ơn có phần nghi ngờ, không cộng tác, thể hiện qua chi tiết: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” Lc 1, 18).  Thật sự ông Da-ca-ri-a đã bị câm , không nói được từ khi bước ra khỏi đền thờ cho tới lúc Gio-an chào đời. Chúa đã khiến ông bi câm không phải vì để ra tay trừng phạt , nhưng vì quá thuơng xót,  ngài khiến ông bị câm bởi ông là một tư tế lúc bấy giờ, ông đã nói nhiều, Ngài đã để cho ông có dịp nhìn lại để suy ngẫm về tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho hai vợ chồng ông. Thật là một tình yêu vô bờ bến Chúa đổ trên gia đình "son sẻ" này ! 
   Quay ngược vấn đề, ta tự hỏi: Tại sao biến cố truyền tin cho 3 người là Maria, Giuse, và Da-ca-ri-a lại khác nhau về cách thức? Maria và Da-ca-ri-a được sứ thần hiện ra trực tiếp để nói cho biết ý định của Thiên Chúa sẽ được thực hiện  nơi họ như thế nào; còn Giuse thì Thiên Chúa sai Sứ Thần đến với ông trong giấc mơ để nói?  Tại sao với hai người kia thì lại truyền tin trực tiếp, còn với Giuse lại là một cách gián tiếp? Nếu là bạn, khi được Chúa nói trong giấc mơ, bạn có làm ngay khi tỉnh dậy như Giuse hay không? Và nếu là Da-ca-ri-a hay Maria, khi được Chúa nói không phải mặt đối mặt mà chỉ qua giấc mơ, thì liệu ý Chúa có được thực hiện nơi họ không?
Như thế, ta có thể thấy rằng: vì Thiên Chúa biết rõ từng người, từng điểm yếu, điểm mạnh; nên Ngài sẽ có cách thức, có sự chuẩn bị riêng cho từng người, để giúp họ đón nhận ơn Chúa một cách tốt hơn. ( Với Maria hay Da-ca-ri-a mà không trực tiếp nói thì thật sự họ không tin và thực hiện đâu, bởi họ sợ hãi vv; còn với Giuse, người quá tin và luôn nghe tiếng Chúa mà thi hành, thì cách Chúa chọn là gián tiếp qua giấc mơ như vậy.. ) Điều quan trọng là mỗi người chúng ta có để cho Chúa sắp đặt, hướng dẫn, chèo lái chúng ta theo ý của Chúa hay không?
   Truyền tin cho Da-ca-ri-a hôm nay là điều không tưởng, bởi ông bà đã già, đã quá tuổi sinh con; mọi người vẫn khinh dẻ hai ông bà lấy nhau, ăn ở với nhau mà không có con. Có lẽ như sự bất hạnh cho hai người đang là câu chuyện cho người đời miệt thị lúc bấy giờ. Thế nhưng lại là điều bất ngờ “có thưởng” vì Thiên Chúa đã làm nơi hai ông bà, cho hai người sinh ra một người con trai kháu khỉnh, Đấng lại nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, được quyền đến để dọn đường cho Chúa Cứu Thế ngự đến trần gian. Thật là vi diệu!
Quả thế, bài học mà bạn và tôi có được khi đọc Tin Mừng hôm nay là gì?
Chúng ta cần tập tành nhân đức, sống công chính như hai vợ chồng Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét, vì nhờ sự công chính trước mặt Thiên Chúa mà dù đã già,  không ai ngờ tới, “ Chúa đã cất nỗi khổ nhục” của họ “trước mặt người đời” .
Chúng ta cần học bài học về sự vững tin và phó thác trọn vẹn vào Chúa, không để cho một chút nghi ngờ chen lấn vào tương quan giữa ta và Thiên Chúa, kẻo vì sự nghi ngờ một chút  thì Chúa sẽ phạt ta như ông Da-ca-ri-a hôm nay.
   Chúng ta cần nhận ra rằng: Thiên Chúa quyền năng và Ngài biết rõ mọi khả năng, điểm mạnh , điểm yếu, sự gan dạ hay nhút nhát,  cũng như lòng tin nơi từng người chúng ta. Vì thế, hãy để cho Chúa điểu khiển cuộc đời; để cho Ngài dẫn ta đi qua từng biến cố trong cuộc sống, bởi Ngài đang huấn luyện ta, đang thử thách ta, và đang làm tất cả vì ta. Ngõ hầu giúp cá nhân mỗi người đón nhận trọn vẹn ơn Chúa trao ban như cách mà Ngài chọn để nói trực tiếp với Maria, Da-ca-ri-a hay cách gián tiếp với Giuse vậy.
   Ước mong rằng, bạn và tôi nhận ra dấu chỉ và tiếng Chúa nói trong biến cố truyền tin hôm nay, giúp ta đổi mới đời sống, chuẩn bị tâm hồn sốt sắng đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa ngự xuống trần gian. Amen.

Saturday, November 17, 2018

BẢN TÌNH CA TRI ÂN CHÚA-Anthony Dương Nguyễn VIE


     Với tâm tình cảm tạ hồng ân lớn lao Chúa đã dành cho tôi cách riêng, và cho những người đang sống đời Thánh hiến nới chung. Xin gửi đến quý vị qua những lời ca mộc mạc sau đây, bạn có thể xem và tải về.




Friday, November 2, 2018

THÁNG 11_GỢI NGUỒN SỰ SỐNG ĐỜI SAU (Anthony Dương Hạnh)
 THÁNG 11-GỢI NGUỒN SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Anthony Dương Hạnh, SDD Putulant

   Đến hẹn lại lên, hằng năm cứ độ tháng 11 về, Giáo hội mời gọi mỗi người Ki-tô hữu nhớ về các Đẳng Linh hồn- những người đã ra đi trước chúng ta. Vì thế, Hội thánh đã mở ra những ngày đặc biệt cho phép viếng nhà thờ, đất thánh, nhà phục sinh vv để hưởng ơn đại xá, nhằm cầu xin cho các linh hồn nơi luyện tội được sớm về hưởng nhan thánh Chúa.
   Trong tâm tình đó, hôm nay tôi lại có dịp để đến thăm viếng các nhà thờ, đất thánh trong địa bàn Tổng Giáo phận Sài Sòn như: Nghĩa trang các linh mục Giáo phận, nhà thờ Chí Hòa, nhà thờ Bắc Đoàn (Củ Chi)... Không phải là một sự lựa chọn, nhưng là sự ngẫu nhiên mà Chúa muốn tôi đi về những nơi như thế.
   Những nơi tôi đến đều gợi trong lòng tôi nhiều cảm xúc khác nhau.
 Nhà thờ Chí Hòa và nhà thờ Bắc Đoàn được trang trí những hoa văn bằng vải màu trắng-tím; bàn thờ luôn có sự hiện diện của Mặt nhật, Thánh Thể Chúa ngự đó để cho mọi con cái về viếng Chúa. Tôi cảm thấy ấm cúng; chính sự trang trí bên ngoài và màu sắc gợi lên trong tôi niềm hy vọng về sự sống mai hậu. 
   Nghĩa trang giáo phận Sài gòn nhìn từ ngoài vào thật sạch sẽ, được trang trí như một thiên đường an nghỉ cho các vị đã ra đi trước. Bước vào khu đất thánh với đầy mùi hương thơm, khói bay nghi ngút; phía trên cùng là linh đài, gọi lại trung tâm của đất thánh, nơi đặt một thánh giá cao  để dành cho các Mục tử dâng thánh lễ khi cần. Tôi thầm nghĩ, các ngài đã nằm xuống, đã ra đi về với lòng đất; thế nhưng khi nhìn vào nghĩa trang gọn gàng,sạch sẽ, ngăn nắp với ngàn ngôi mộ thì vẫn còn đó bao người qua lại thắp nhan, cắm hoa, tô vôi cho mộ.
Tôi thấy ấm áp và hạnh phúc làm sao! Bởi dù đã chết, nhưng vẫn còn được những người dương thế ghé thăm, đọc kinh, cầu nguyện và trang trí cho từng ngôi mộ, dẫu cho : 
"Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp…  Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu, vì khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.” (Tv 49, 7-13.17-29).
   Tại sao thế?Tôi tự hỏi rồi cũng tự trả lời trong lòng. Con người ai cũng phải chết. Dù sớm hay muộn, già hay trẻ thì cũng phải chết một lần.
" Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,
Kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi."
(Tv  90, 9-10)
Phải chăng chết là hết? Phải chăng các ngài vẫn còn sống ở một nơi bên kia?(nơi mà tôi chỉ có thể cảm nhận và tin mà thôi). Không phải chứ! Vẫn còn đó một sự sống mà bạn hay tôi đều tin là có cơ mà! Tại sao bên ngoài chúng ta phải đọc kinh, cầu nguyện cho những người đã khuất được sớm "siêu thoát"(1)? Sao phải trang hoàng mộ phần, thắp nén nhan cho các ngài để tỏ lòng tôn kính? Vâng, có gì đó mà bạn và tôi tin là "vẫn còn"-sự sống đời sau.
Vậy thì không cớ gì mà chúng ta không lo chuẩn bị cho đời sống ấy cả! Ngay đời này, ngay trong từng giây phút còn được sống hiện tại, bạn và tôi hãy làm những việc lành phúc đức, ăn ở ngay lành, công bằng, bác ái, yêu thương người xung quanh hay những người bất hạnh, tha thứ cho kẻ làm hại ta..vv.. Như thế là ta đang chuẩn bị tốt để bước vào ngưỡng cửa của cái chết, vì không biết giờ nào ta được Chúa gọi cả.
   Tháng 11 về, không phải là dịp để tôi lo trang hoàng những thứ bên ngoài cho những người đã khuất, hay làm lộng lẫy lên phần mộ của người thân mình; nhưng là dịp để nhắc nhở tôi hãy biết luôn luôn cầu nguyện cho các linh hồn; bởi các ngài đang còn phải chịu thanh luyện và rất cần đến những thánh lễ, những lời kinh nguyện và việc làm của ta. Ngõ hầu được Chúa thứ tha mọi tội lỗi và đưa về hưởng hạnh phúc nước trời. Đây cũng là dịp mời gọi tôi phải lo lắng chuẩn bị cho phần rỗi đời đời, vì tôi không biết giờ nào thân xác tôi phải trở về cát bụi trong lòng đất; cho nên việc luôn phải tỉnh thức, ăn ở ngay lành, tránh xa mọi dịp tội, sống bác ái với mọi người, công bằng với người khác... Nhờ đó, dù Chúa cất tôi đi bất cứ lúc nào thì tôi vẫn hiên ngang vâng  nghe theo Chúa ra đi bình an trong bàn tay của Ngài.

Thursday, October 18, 2018

CA KHÚC: "CA MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM" (Sáng tác: Anthony Dương Nguyễn Vie)
   Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tôn phong Hiển Thánh cho 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. 

  Với cảm hứng và ước muốn đóng góp một bài hát vào kho tàng Thánh Ca Việt Nam nhằm tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Anthony Dương Nguyễn,Vie mạo muội gửi đến quý vị những cảm xúc đơn sơ và mộc mạc của mình qua sáng tác mang tên "Ca mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam". Mặc dù bài hát chưa được hòa âm - phối khí, nhưng hy vọng quý độc giả cảm nhận được thì xuất bản bài hát này đến mọi người. 
Lưu ý: Nhạc phẩm không dùng trong Phụng vụ
Trân trọng!





Wednesday, October 10, 2018

Cắt tỉa  (Anthony Dương Hạnh)
Tán lá càng rộng thì cây không bao giờ vươn cao được. Bởi những chất dinh dưỡng hút được từ đất chỉ dôn về các tán cây dưới thấp.
Cây muốn  cao lớn,  muốn cây phát triển thì nó cần được Cắt tỉa để vươn lên đón nắng, gió, mặt trời.....
Mây, hãy để gió cuốn
Đời như hạt cát, như đống tro tàn
Càng cố nắm chặt càng bị rời đi.
Hãy để mọi sự hờ hờ. Cái gì của mình thì sẽ là của mình.
(ngẫu hứng)

Thursday, September 13, 2018

Thư của ĐTC Phanxicô liên quan đến vấn đề giáo sĩ trị

Thư của ĐTC Phanxicô liên quan đến vấn đề giáo sĩ trị

Trong "Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi dân Chúa" ngày 20 tháng 8 năm 2018 [1], ngài có chỉ rõ một trong những nguyên nhân gây ra nạn lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là hình thái giáo sĩ trị trong Giáo hội: "Hình thái giáo sĩ trị, dù được dung dưỡng bởi chính các linh mục hay bởi những người giáo dân, đều gây ra sự chia tách trong thân thể Giáo hội; sự chia tách này vừa khuyến khích vừa giúp duy trì nhiều sự ác mà ngày nay chúng ta tố giác. Nói không với những lạm dụng là dứt khoát nói không với mọi hình thái giáo sĩ trị". Cũng trong thư này, ngài đã trích dẫn từ một thư khác của ngài gởi Đức Hồng Y Marc Ouellet ngày 19 tháng 3 năm 2016, vốn bàn sâu rộng hơn về vấn đề giáo sĩ trị. Để hiểu sâu sắc hơn suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề này, xin giới thiệu đến quý độc giả bản dịch lá thư vừa nêu.




Thư của ĐTC Phanxicô liên quan đến vấn đề giáo sĩ trị
                                          
THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ GỞI ĐỨC HỒNG Y MARC OUELLET,
CHỦ TỊCH UỶ BAN GIÁO HOÀNG VỀ CHÂU MỸ LA TINH

Gởi Đức Hồng y Marc Armand Ouellet, p.s.s.
Chủ tịch Uỷ ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh

Kính Đức Hồng y,

Vào cuối cuộc họp mặt của Uỷ ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê, tôi đã có dịp gặp gỡ tất cả tham dự viên tại cuộc họp mặt, ở đó, những ý tưởng và những ấn tượng về việc tham gia cộng đồng của người giáo dân vào đời sống của các dân tộc chúng ta đã được bàn thảo.

Tôi muốn nhắc lại điều đã được chia sẻ tại cuộc họp mặt này và tiếp tục ở đây dòng suy tư đã được trải nghiệm suốt những ngày gặp gỡ ấy, để tinh thần phân định và suy tư "không bị mất đi"; để những suy tư ấy trợ giúp chúng ta và tiếp tục khuyến khích chúng ta phục vụ dân thánh Chúa cách tốt hơn.

Chính từ hình ảnh này mà tôi thích bắt đầu suy tư của chúng ta về hoạt động cộng đồng của người giáo dân trong bối cảnh Mỹ-La Tinh của chúng ta. Nhắc đến dân thánh trung tín của Thiên Chúa là nhắc đến chân trời mà chúng ta được mời gọi hướng đến, và suy tư khởi từ chân trời ấy. Vì với tư cách là mục tử, chúng ta được mời gọi quan tâm, bảo vệ, đồng hành, trợ giúp và phục vụ dân thánh Chúa. Một người cha không thể trở thành cha nếu không có những đứa con. Anh ta có thể là một nhà chuyên môn tuyệt vời, một người chồng, một người bạn, nhưng điều làm cho anh ta trở thành cha lại mang một khuôn mặt rõ ràng: đó là những đứa con của anh ta. Cũng vậy đối với chúng ta là những mục tử. Một mục tử không thể trở thành mục tử nếu không có đoàn chiên mà vị mục tử được gọi đến phục vụ. Mục tử là mục tử của một dân và phục vụ giữa lòng cộng đoàn dân này. Nhiều khi mục tử phải đi trước để mở đường; khi khác mục tử phải quay bước trở lại để không bỏ rơi ai phía sau; và thường thì mục tử phải tiến bước giữa cộng đoàn dân Chúa để cảm nhận rõ mạch đập của họ.

Quan tâm đến dân thánh trung tín của Thiên Chúa và cảm nhận rằng chúng ta thật sự là thành phần của dân này sẽ định vị chúng ta cách khác đi trong cuộc sống, và bởi đó, trong những chủ đề làm chúng ta bận tâm. Điều đó giúp chúng ta không bị chìm đắm trong những suy nghĩ vốn tự nó có thể rất tốt, nhưng rốt cuộc lại chỉ áp đặt chuẩn mực cho đời sống của người dân và lý thuyết hoá đời sống của họ, đến nỗi lối suy diễn ấy cuối cùng giết chết hành động. Luôn quan tâm đến dân Chúa sẽ cứu chúng ta khỏi một số tuyên ngôn duy danh (những khẩu hiệu) vốn là những câu văn rất đẹp, nhưng chẳng thể trợ lực cho đời sống của các cộng đoàn của chúng ta. Chẳng hạn tôi nhớ đến câu nổi tiếng này: "Bây giờ đến thời của giáo dân", nhưng hình như đồng hồ đã bị cho dừng lại.

Quan tâm đến dân Chúa có nghĩa là tự nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều bước vào Giáo hội như những giáo dân. Bí tích đầu tiên là bí tích Rửa Tội, bí tích ghi khắc mãi mãi căn tính của chúng ta và chúng ta phải luôn hãnh diện về bí tích này. Nhờ bí tích Rửa Tội và với việc xức dầu Thánh Thần, các tín hữu "được thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh" (Lumen gentium, 10). Ơn thánh hoá đầu tiên và nền tảng của chúng ta bắt nguồn trong bí tích Rửa Tội. Chẳng ai được rửa tội trong tư cách linh mục hay giám mục. Tất cả chúng ta đều được rửa tội trong tư cách giáo dân, và đó là ấn tín không ai có thể tẩy xoá được. Thật là điều tốt lành khi chúng ta nhớ rõ rằng Giáo hội không phải là đặc quyền của các linh mục, của những người sống đời thánh hiến, của các giám mục, nhưng tất cả chúng ta [giáo dân, linh mục, người sống đời thánh hiến, giám mục] cấu thành dân trung tín và thánh thiện của Thiên Chúa. Quên đi điều đó sẽ dẫn đến những nguy cơ và những lệch lạc trong kinh nghiệm về thừa tác vụ mà Giáo hội trao phó cho chúng ta, cả bình diện cá nhân lẫn cộng đoàn. Như Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh, chúng ta là dân Thiên Chúa, và căn tính của dân Chúa là "phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ" (Lumen gentium, 9). Dân thánh trung tín của Thiên Chúa được xức dầu bởi ơn Chúa Thánh Thần. Vì thế, khi ngẫm nghĩ, suy tư, lượng giá và phân định, chúng ta phải hết sức chú ý đến việc xức dầu này.

Đồng thời, tôi phải nói thêm một yếu tố mà tôi cho là hậu quả của một lối sống sai lạc, xa rời Giáo hội học được Công Đồng Vaticanô II đề nghị. Chúng ta không thể suy tư về chủ đề giáo dân mà lại không ý thức một trong những lệch lạc trầm trọng nhất mà Châu Mỹ La Tinh phải đối diện - và tôi yêu cầu Đức Hồng Y cần chú ý đặc biệt đến lệch lạc này - đó là hình thái giáo sĩ trị (cléricalisme). Thái độ giáo sĩ trị không chỉ huỷ đi cá tính của người Kitô hữu, nhưng còn dẫn đến việc giảm thiểu và hạ thấp ơn bí tích Rửa Tội mà Chúa Thánh Thần đã đặt vào con tim của người tín hữu. Giáo sĩ trị dẫn đến việc áp đặt chuẩn mực cho giới giáo dân, bằng cách cư xử với họ như "kẻ thừa hành". Giáo sĩ trị hạn chế những cố gắng và sáng kiến phong phú, và nếu tôi dám nói, những táo bạo cần thiết để mang Tin Mừng vào những lãnh vực khác nhau của hoạt động xã hội và nhất là hoạt động chính trị. Giáo sĩ trị, còn lâu mới tạo ra xung lực cho những đóng góp và sáng kiến khác nhau, đồng thời dập tắt dần ngọn lửa tiên tri mà Giáo hội toàn thể được mời gọi làm chứng tá trong tim người tín hữu. Giáo sĩ trị quên rằng tính hữu hình và tính bí tích của Giáo hội thuộc về toàn thể dân Chúa (x. Lumen gentium, 9-14), chứ không chỉ thuộc về những người được tuyển chọn và những người thông thái.

Có một hiện tượng rất lý thú đã diễn ra tại Châu Mỹ La Tinh, và tôi muốn kể ra đây điều mà tôi tin là một trong những không gian hiếm hoi trong đó dân Chúa đã thoát khỏi ảnh hưởng của hình thái giáo sĩ trị: tôi muốn nói đến mục vụ bình dân. Đó là một trong những không gian duy nhất nơi đó dân Chúa (bao gồm cả các mục tử) và Chúa Thánh Thần đã có thể gặp nhau mà không bị hình thái giáo sĩ trị kiểm soát và kiềm hãm việc xức dầu của Thiên Chúa trên con cái của Ngài. Chúng ta biết rằng mục vụ bình dân, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong tông huấn Evangelii nuntiandi, "chắc chắn có những giới hạn của nó. Mục vụ này thường mở đường cho nhiều thứ lệch lạc tôn giáo thâm nhập", nhưng ngài viết tiếp, "nếu được hướng dẫn tốt, nhất là nhờ một lối sư phạm loan báo Tin Mừng, mục vụ bình dân mang nhiều giá trị. Mục vụ này thể hiện niềm khao khát Thiên Chúa mà chỉ có những người đơn sơ và những người nghèo mới biết được. Khi biểu lộ rõ nét đức tin, mục vụ này có thể giúp tín hữu nên quảng đại và hy sinh, đến cả nhân đức anh hùng. Mục vụ này cưu mang ý nghĩa sâu sắc về những thuộc tính sâu thẳm của Thiên Chúa, như tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương và kiên trì. Mục vụ này sinh ra những thái độ nội tâm hiếm thấy cùng mức độ như thế ở nơi khác, như lòng kiên nhẫn, ý nghĩa của thập giá trong đời sống thường ngày, sự từ bỏ, cởi mở với tha nhân, lòng sùng kính. Vì những khía cạnh này, chúng ta gọi mục vụ này là "lòng đạo bình dân", nghĩa là tôn giáo của dân chúng, hơn là tình cảm tôn giáo. Được hướng dẫn tốt, tình cảm tôn giáo bình dân ấy dần dần có thể trở nên cuộc gặp gỡ đích thật với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô" (số 48). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dùng lối diễn tả mà tôi cho là nền tảng, đức tin của dân chúng ta: những khuynh hướng, những kiếm tìm, những khát vọng, những nhu cầu của họ, khi được lắng nghe và hướng dẫn, sẽ trở thành nơi biểu lộ sự hiện diện đích thật của Thần Khí. Chúng ta tin tưởng vào dân của chúng ta, vào ký ức của họ và vào "khứu giác" của họ; chúng ta tin tưởng việc Chúa Thánh Thần hành động trong dân và với dân; chúng ta tin rằng Thần Khí không chỉ là "sở hữu" của hàng giáo phẩm.

Tôi đã dùng mẫu mục vụ bình dân này như chìa khoá giải thích, có thể giúp chúng ta hiểu hơn hành động nẩy sinh khi dân thánh trung tín của Thiên Chúa cầu nguyện và hoạt động. Một hành động không chỉ liên kết với lãnh vực nội tâm của con người, nhưng ngược lại biến đổi thành văn hoá [lối sống]; "một văn hoá bình dân được Tin Mừng hoá cưu mang những giá trị của đức tin và của tình liên đới, có sức khơi dậy sự phát triển của một xã hội công bằng hơn và tín ngưỡng hơn, và chứa đựng một sự khôn ngoan đặc thù mà chúng ta phải biết nhìn nhận với cái nhìn đầy lòng biết ơn" (Evangelii gaudium, 68).

Từ đó chúng ta có thể tự hỏi: việc những người giáo dân hoạt động trong đời sống cộng đồng có ý nghĩa gì?

Ngày nay, có nhiều thành phố đã trở thành những nơi đấu tranh sinh tồn thực sự. Những nơi nào nền văn hoá vứt bỏ đã thống lĩnh thì dường như không còn chỗ cho niềm hy vọng. Chúng ta gặp thấy ở đó những người anh chị em của chúng ta, cùng với gia đình của họ, bị đẩy sâu vào những cuộc đấu tranh không chỉ nhằm cố gắng mưu sinh, nhưng còn để tìm kiếm Chúa và ước mong làm chứng cho Ngài, giữa những nghịch cảnh và bất công. Việc những người giáo dân hoạt động trong đời sống cộng đồng có ý nghĩa gì đối với chúng ta là những mục tử? Việc đó có ý nghĩa là [chúng ta cần] tìm kiếm cách thức để có thể khuyến khích, đồng hành và thúc đẩy mọi thử nghiệm và cố gắng vốn đã được thực hiện ngày nay, để duy trì sống động niềm hy vọng và niềm tin, đặc biệt cho những người cùng khốn và với những người cùng khốn, trong một thế giới đầy nghịch cảnh. Việc đó có nghĩa là, với tư cách mục tử, chúng ta phải dấn thân vào giữa dân của chúng ta, và với dân của chúng ta, nâng đỡ đức tin và niềm hy vọng của họ. Bằng cách mở ra những cánh cửa, hoạt động với dân, ước mơ với dân, suy nghĩ với dân và nhất là cầu nguyện với dân. "Chúng ta cần nhìn thành phố" - và bởi đó mọi không gian nơi diễn ra đời sống của dân - "bằng cái nhìn chiêm niệm, nghĩa là cái nhìn của đức tin có khả năng khám phá ra Thiên Chúa đang hiện diện trong những ngôi nhà, trên các đường phố, ở các công trường... Ngài sống giữa các đô thị đang cổ võ sự liên đới, tình huynh đệ, khát khao điều thiện, sự thật và công lý. Sự hiện diện này không phải do con người tạo ra, nhưng do Thiên Chúa tỏ hiện. Thiên Chúa không ẩn mình với những ai thành tâm tìm kiếm Ngài" (Evangelii gaudium, 71). Vị mục tử đừng bao giờ phán với người giáo dân điều gì họ phải làm hoặc phải nói, người giáo dân biết rõ điều đó hơn chúng ta. Vị mục tử đừng bao giờ áp đặt cho các tín hữu điều họ phải bày tỏ trong những môi trường khác biệt. Với tư cách là mục tử, hiệp nhất với dân của mình, thật tốt khi chúng ta tự hỏi làm thế nào để chúng ta khuyến khích và cổ võ đức ái và tình huynh đệ, khát khao điều thiện, sự thật và công lý. Chúng ta phải làm thế nào để cho sự băng hoại (corruption) không còn ẩn náu trong tim của chúng ta.

Thông thường, chúng ta bị rơi vào cám dỗ nghĩ rằng người giáo dân dấn thân là người hoạt động trong các công việc của Giáo hội và / hoặc trong những công việc của giáo xứ hay của giáo phận. Và chúng ta ít suy tư về cách thức đồng hành với một người đã được rửa tội trong đời sống cộng đồng và thường nhật của họ. Chúng ta cũng ít suy tư về cách thức giúp họ dấn thân vào đời sống cộng đồng với tư cách là Kitô hữu, trong hoạt động thường nhật của họ, với những trách nhiệm dành riêng cho họ. Không màng lưu tâm đến điều đó, chúng ta đã sản sinh ra một hạng giáo dân ưu tuyển khi cho rằng chỉ những giáo dân nào làm việc "giúp linh mục" mới là giáo dân dấn thân, và chúng ta đã bỏ rơi những tín hữu hằng nung nấu niềm hy vọng của họ trong cuộc đấu tranh thường nhật để sống đức tin, bằng cách rẻ rúng họ.

Đó là những hoàn cảnh mà hình thái giáo sĩ trị không thể nhìn thấy, vì hình thái ấy bận tâm về việc chiếm hữu các không gian hơn là tạo ra những tiến trình. Bởi đó chúng ta cần nhận thức rằng, bởi thực tại của họ, bởi căn tính của họ, vì họ được dìm sâu vào giữa lòng đời sống xã hội, cộng đồng và chính trị, vì họ thuộc về những hình thái văn hoá xuất hiện không ngừng, người giáo dân cần những hình thức tổ chức và cử hành đức tin mới mẻ. Những nhịp sống hiện nay khác xa (tôi không nói tốt hay xấu) so với nhịp sống ba mươi năm trước của chúng ta. "Điều đó đòi buộc chúng ta phải nghĩ tưởng ra những không gian cầu nguyện và hiệp thông với những đặc tính canh tân, có ý nghĩa và thu hút hơn đối với dân chúng thị thành" (Evangelii gaudium, 73).

Thật vô lý, thậm chí không thể tưởng rằng, với tư cách là mục tử, chúng ta muốn có độc quyền quyết định trước vô vàn thách thức mà cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta cần hiện diện giữa dân mình, bằng cách đồng hành với họ trong những kiếm tìm của họ, và bằng cách thúc đẩy sức sáng kiến của họ, một sức sáng kiến vốn có thể giải quyết được những vấn nạn hiện tại. Và chúng ta thực hiện điều đó bằng cách phân định cùng với dân của chúng ta, nhưng không bao giờ phân định thay cho dân của chúng ta hoặc phân định mà không có dân của chúng ta. Như điều thánh Inhaxiô đã nói: "theo những nhu cầu của nơi chốn, thời đại và con người". Nói cách khác, không nên đồng bộ hoá.

Chúng ta không thể đưa ra những hướng dẫn chung để tổ chức dân Chúa giữa lòng đời sống cộng đồng của họ. Hội nhập văn hoá là một tiến trình mà chúng ta, những mục tử, được gọi để cổ võ, bằng cách khuyến khích người dân sống niềm tin của họ ngay nơi họ hiện diện và với những người họ gặp gỡ. Hội nhập văn hoá nghĩa là học biết làm thế nào để một phần dân Chúa cụ thể ngày nay, ở đây và giờ phút này của lịch sử, có thể sống, cử hành và loan truyền đức tin của họ; với một căn tính đặc biệt và trên nền tảng những vấn đề mà họ phải đối diện, cùng với mọi lý lẽ mang lại cho họ niềm vui sống. Hội nhập văn hoá là một việc thủ công mỹ nghệ, chứ không phải là một nhà máy sản xuất hàng loạt tiến trình được sử dụng cho việc "chế tạo ra các giới Kitô giáo hay vùng miền Kitô giáo".

Ở giữa dân của chúng ta, chúng ta được đòi hỏi phải gìn giữ hai loại ký ức: ký ức về Đức Giêsu Kitô và ký ức về tổ tiên chúng ta. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta đã lãnh nhận đức tin như quà tặng từ tay những người mẹ và những người bà của chúng ta. Chính họ đã là ký ức sống động về Đức Giêsu Kitô giữa lòng gia đình chúng ta. Chính trong sự âm thầm của đời sống gia đình mà đa số chúng ta đã học biết cầu nguyện, yêu thương và sống đức tin. Chính ngay giữa lòng đời sống gia đình, rồi mở rộng ra với gia đình giáo xứ, gia đình trường học và gia đình cộng đoàn, mà đức tin đã đi vào đời sống chúng ta và đã mặc lấy thân xác chúng ta. Chính đức tin đơn sơ này đã bao lần đồng hành với chúng ta trong những nỗi thăng trầm khác nhau của đường đời chúng ta. Mất ký ức có nghĩa là tự đánh mất nguồn cội, nơi chúng ta xuất phát, và như thế chúng ta cũng chẳng biết rồi sẽ đi về đâu.

Đây là điều nền tảng. Khi chúng ta bứng một người giáo dân ra khỏi nguồn gốc đức tin của họ, khỏi đức tin của tổ tiên họ; khi chúng ta bứng một người giáo dân ra khỏi dân thánh trung tín của Thiên Chúa, chúng ta bứng họ ra khỏi căn tính bí tích Rửa Tội của họ và như thế tước đi khỏi họ ơn Chúa Thánh Thần. Cũng xảy ra điều tương tự với chúng ta là những mục tử: khi tự bứng mình ra khỏi dân của chúng ta, chúng ta sẽ hư mất. Vai trò của chúng ta, niềm vui của chúng ta, niềm vui của người mục tử, đích thực hệ tại ở việc trợ giúp và khuyến khích, như nhiều người đã làm điều đó trước chúng ta, những người mẹ, những người bà, nhưng người cha, những người chủ chốt đích thực của lịch sử.

Không phải nhờ sự nhượng bộ do thiện chí của chúng ta, nhưng bởi quyền và cương vị riêng: những người giáo dân là thành phần của dân thánh trung tín của Thiên Chúa và bởi đó, họ là những người chủ chốt của Giáo hội và của thế giới; chúng ta được gọi để phục vụ họ, chứ không phải để được họ phục vụ.

Suốt chuyến công du vừa qua của tôi tới đất Mêxicô, tôi đã có dịp ở lại một mình với Mẹ [Maria], và để Mẹ nhìn tôi. Trong thời gian cầu nguyện này, tôi cũng đã có thể dâng lên Mẹ trái tim con thảo của tôi. Vào lúc ấy, Đức Hồng Y cũng hiện diện ở đấy cùng với các cộng đoàn của ngài. Trong suốt thời gian cầu nguyện này, tôi đã khấn xin Đức Maria đừng ngưng trợ lực cho niềm tin của dân chúng ta, như Mẹ đã làm điều đó với cộng đoàn đầu tiên. Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh luôn cầu bầu, gìn giữ và đồng hành cùng Đức Hồng Y.

Từ Vatican, ngày 19 tháng 3 năm 2016
PHANXICÔ
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang
Nguồn : http://baoconggiao.net

Thursday, September 6, 2018

Sunday, August 19, 2018

HỘI NGỘ DI DÂN VINH TẠI SÀI GÒN, MỪNG LỄ MẸ MARIA LÊN TRỜI_QUAN THẦY GIÁO PHẬN VINH
  HỘI NGỘ DI DÂN VINH TẠI SÀI GÒN MỪNG LỄ MẸ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI
QUAN THẦY GIÁO PHẬN VINH
Ngày 19/08/2018
Chủ đề: Tin mừng cho gia đình, niềm vui cho thế giới
   Hôm nay, không khí Sài thành bỗng nhiên khác lạ; cái lạ thường ở đây là tiết trời như muốn đổ ào một trận mưa tầm tã vì đang trong những ngày ảnh hưởng của cơn bão số 4. Thế nhưng, có gì đó  như chặn lại, bầu trời như tức tối vì ứ đầy nước mà không thể rơi xuống. Dường như Mẹ đang giữ lại không khí dịu mát, không mưa cũng không nắng để cho đoàn con Giáo phận Vinh xa quê đón mừng lễ của Mẹ.
Từng đoàn người nô nức, tấp nập xe cộ đổ về trụ sở Vinh (Số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đakao, quận 1, Tp.HCM); những nam thanh nữ tú, những cô chú trung niên... Mọi người như toát lên vẻ hân hoan, vui sướng trên khuôn mặt, trên từng nụ cười vì được quây quần với nhau mừng lễ quan thầy của những người con Giáo phận Vinh xa quê.
8h30, thời điểm  khai mạc bắt đầu với những màn trình diễn văn nghệ đầy sôi động. Đức Giám mục Phao-lô, vị chủ chăn của Giáo phận đã khai mạc buổi hội ngộ đầy ắp tình quê hương này.
   Tiếp đó là bài huấn từ của Cha Giuse Phạm Quốc Văn, OP với câu nói rất hay: "Xin được tiếp thêm lời của ĐGM Giáo phận rằng: 'xa quê không phải để tha hương cầu thực, nhưng xa quê còn để khởi nghiệp, để lập nghiệp và hơn hết là để loan báo Tin mừng."
Nữ ca viên xinh đẹp hát bài ca Manificat tuyệt hay
   Trong bài giảng của Đức Cha Phao-lô, ngài có gợi lại một vài điểm:
(Tin mừng  Lc 1, 12-56)

  •  Maria vội vã lên đường
- Xa quê không fải để tha huơng cầu thực 
Nhưng để lập nghiệp, khởi nghiệp loan bao tin mừng
- Người đã thành công thì hãy mở đường cho những người mới ra đi
- Chỉ có những gia đình trẻ mới giúp cho những gia đình trẻ khác loan báo tin mừng, vì họ đã kinh qua đau khổ  cảm dỗ. 
Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp trong bài giảng

  • Maria, người nữ trẻ 18 tuổi hát bài Manificat...=> trong những vui buồn, ta không nên quên nguồn gốc  quê huơng. 
Manificat là bài ca cách mạng khi mẹ nói lên : 
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Cách mạng luân lí
Cách mạng mang tính xã hội:
     Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng...
     Chúa hạ bệ những ai quyền quý... 

"Chúa xót thương những ai kính sợ người "
Chúng ta phải là người bạn phát lòng thương xót....  Trước hết phải là người biết xót thương (vợ, chồng, gia đình, anh em...)  hơn hết là xót thương chính bản thân mình (thức khuya, nhậu nhẹt,  vũ trường vv..dẫn đến đột tử. 
Ví dụ :Làm được phải dành giụm để có vốn cho tương lai... 
+ Đức Cha nhắn nhủ :
Ra về tâm hồn vui vẻ  phấn khởi, nhường chỗ cho người khác đi trc,  nở nụ cười với người già xưng quanh. Như Mẹ vội vã lên đường khi biết Isave mang thai sắp hạ sinh. 
+ Thương xót quê huơng ta, nơi mình đang sống. (ôi quê huơng giây tơ tình mỏng, trói hình hài trong mảnh đất thân thương) 
Đức Cha tặng hoa cho một số ban ngành tiêu biểu sau thánh lễ

Anthony Dương Nguyễn Vie

Monday, August 13, 2018

MỪNG LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI 15/08
BỘ LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI


Anthony Dương Nguyễn Vie 
(Chọn lọc  và xin gửi đến các bạn ca trưởng)

Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành Thông điệp "Munificentissimus Deus", long trọng định tín Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời là một tín điều buộc mọi người phải tin.
Mừng kính lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, Anthony Dương Nguyễn Vie kính chúc các bà, các mẹ, các chị nhận bổn mạng Maria 15.08. Nguyện xin thánh Quan thầy tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác xuống trên quý vị!

NHẬP LỄ

ĐÁP CA


DÂNG LỄ

Hoặc


HIỆP LỄ

Hoặc:

KẾT LỄ

Monday, August 6, 2018

Yêu là hy sinh.Pdf - Bài Thánh ca ý nghĩa và hay nhất
Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta sẽ luôn luôn gặp gỡ những người xung quanh với các mối quan hệ khác nhau. Đã là con người, khi sống với nhau sẽ không tránh khỏi những va chạm, xích mích làm phiền lòng nhau. Nhiều khi còn là ta đau đớn nội tâm. Do đó, ta cần biết nhìn lên Thập giá Chúa Giê-su, để cảm thông, bao dung, tha thứ và hy sinh cho nhau thì mới có thể bình an trong tâm hồn được. Với tâm tình đó, Linh mục nhạc sĩ Huy Hoàng đã sáng tác bài hát "Yêu là hy sinh". Tôi xin phép được chia sẻ đến quý độc giả.

Tuesday, July 24, 2018

Suy niệm Tin mừng Mát-thêu (Mt 12, 46-50) -Anthony Dương Hạnh

SỰ QUAN TÂM LẪN NHAU
&
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

( Nhân đọc Mt 12, 46-50)

Anthony Dương Văn Hạnh 

Trong đời sống con người, sự gặp gỡ và giao tiếp thường nhật làm cho ta cần phải thiết lập mối tương quan  với nhau giữa anh chị em đồng loại; giữa bạn bè, đồng nghiệp; tương quan giữa anh chị em ruột thịt với nhau, cha mẹ-con cái, cô dì-chú-bác…

Cũng thế, hôm nay Thánh sử Mát-thêu đã đưa ta về với bối cảnh của cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Chúa Giê-su, đám đông dân chúng và gia đình của Ngài. Tôi xin có vài điểm chia sẻ cùng anh chị em:
Thứ nhất, tương quan giữa con người với nhau là điều thiết yếu cần có, nhưng tương quan dành cho Chúa vẫn trên hết. Khi Đức Giê-su đang nói chuyện với dân chúng,  “thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người” (Mt 12, 46). Thông thường, với tư cách là một người con (em) trong gia đình, Đức Giê-su sẽ gọi gia đình Ngài vào; nhưng trở trêu thay khi có kẻ thưa Ngài rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”, Ngài liền nói một câu rất lạ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi” (Mt 12, 48). Có lẽ rằng, với cương vị là một người làm cha, làm mẹ khi nghe được câu nói đó của con mình, một sự phủ nhận thật phủ phàng về tình mẹ con, tình gia đình trước mọi người như thế thì thật đau lòng. Thế nhưng, trong cái nhìn đức tin, Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, đang thi hành sứ vụ rao giảng của Chúa Cha, Ngài muốn dạy mọi người mở rộng mối quan hệ với nhau, không chỉ bó bọc trong gia đình, mà còn đi ra bên ngoài nữa. Theo đó, dù là Giám đốc, hay Chủ tịch nước cũng phải liên đới hết với mọi người dân; dù là Linh mục, Giám mục cũng phải liên hệ và tương quan với mọi thành phần dân Chúa trong mọi công việc, chứ không chỉ lo trong phận vụ thiêng liêng (dâng lễ, cử hành bí tích) mà thôi. Do đó, thiết lập mối tương quan giữa con người với nhau là điều cần thiết. Trở lại bối cảnh của bài Tin mừng, dù Đức Giê-su nói trước mọi người như thế nhưng ta vẫn hiểu được rằng: Ngài luôn trân quý Mẹ Ngài và anh em trong họ hàng với Ngài. Cụ thể, dưới chân Thập giá, Đức Giê-su đã trối lại Mẹ Ngài cho Gio-an chăm sóc (“này Bà, đây là con Bà… này Gioan, đây là Mẹ của anh”); trong mọi bước chân của Đức Giê-su từ nhỏ đến hết chặng đường rao giảng thì luôn luôn có bóng dáng Mẹ Ngài và anh em Ngài dõi theo. Như vậy, dù Đức Giê-su là Con Thiên Chúa khi thi hành tác vụ của Ngài với những lời giáo huấn, nhiều khi Ngài có những câu nói phủ phàng theo cách hiểu con người, nhưng không vì thế mà Ngài thờ ơ với gia đình, với Mẹ và anh em họ hàng của Ngài –nơi đã cưu mang Ngài Nhập thể làm người như chúng ta. Trái lại, Ngài vẫn luôn trân trọng mối quan hệ ruột thịt đó là luôn giữ tương quan với hết tất cả mọi người, không chỉ nơi gia đình mà còn rộng ra mọi người, mọi tầng lớp xung quanh.
Mặt khác, câu nói của một kẻ trong đám đông dân chúng: “Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang chờ Thầy” cũng cho thấy một sự quan tâm của mọi người dành cho nhau. Giữa một khu vực đông người như thế, mà mọi người sẽ xì xào và ồ lên “kìa! Mẹ Thầy kìa, anh em họ hàng của Thầy kìa!..vv.. Đó không phải là sự hiếu kỳ hay lời soi mói, xầm xì đơn thuần, nhưng cho thấy sự quan tâm giữa mọi người với nhau; nơi đám đông vẫn quan sát đủ nhu cầu của mọi người, vẫn nhận ra gia đình Chúa đang hiện diện bên ngoài và chờ Chúa. Đó là một dữ kiện dạy ta nên học hỏi để có con mắt tinh nhạy, quan tâm đến người khác một cách tích cực hơn.
Thứ hai, lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành đủ để ta gần Chúa hơn. Một câu nói của một người trong đám đông dân chúng hôm nay:  "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12, 48) không chỉ là một câu cửa miệng lúc ấy, nhưng là một lời cầu nguyện đơn sơ và thực tế nhất trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đó là lời khẩn cầu cũng là lời nhắc nhớ Chúa Giê-su lưu tâm hơn một chút vì đang có mẹ và anh em đứng bên ngoài, họ không vào được vì đám đông chen chúc, nhưng họ đang muốn nói chuyện với Ngài. Chắc hẳn, không cần nhắc nhở thì Chúa cũng thừa biết có họ ở bên ngoài, nhưng Ngài lại coi việc của Chúa hơn, coi cái đại chúng hơn; vẫn còn đó tình cảm thân thương gia đình, nhưng bản tính Thiên Chúa và sứ vụ đòi buộc Ngài nói như thế trong bối cảnh lúc đó. Như thế, lời cầu nguyện tuy đơn sơ, nhưng lại chân thật và thực lòng hơn là phải suy nghĩ, đắn đo… để thốt ra. Trên hết tất cả vẫn là đời sống cầu nguyện, giữ tương quan mật thiết với Thiên Chúa, dành lưu tâm đến Chúa hơn.
Tóm lại, Chúa Giê-su dạy ta cần phải thiết lập mối tương quan giữa con người với nhau, không chỉ bó buộc trong gia đình mà còn đi ra khắp mọi người trong cộng đồng nhân loại, thuộc mọi tầng lớp, giai cấp khác nhau. Đặc biệt, dù là tương quan nào đi nữa thì tương quan mật thiết dành cho Thiên Chúa vẫn là điều trước nhất. Sau nữa, Ngài dạy ta luôn giữ đời sống cầu nguyện, lời cầu nguyện chân thành, đơn sơ xuất phát từ cõi lòng vẫn hơn là những lời có cánh, nghĩ suy. Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, chỉ cần thật lòng và năng cầu nguyện thì Ngài luôn ban cho ta những điều cần thiết.
Lạy Chúa, xin dạy con biết cầu nguyện và giữ tương quan mật thiết với Chúa. Xin cho con trái tim mở rộng, để con biết sống cho gia đình, cho anh em và cho đồng loại. Vì tất cả mọi người đều là hình ảnh của Chúa. Amen.



Wednesday, June 6, 2018

Ai cho tôi tình yêu (Duơng Hạnh)
AI CHO TÔI TÌNH YÊU 
Anthony Dương Hạnh

Ai cho tôi tình yêu,
Tình yêu của kiếp người...
Ai cho tôi tình yêu [....]
Tình yêu thời xưa ấy
Không giống ngày hôm nay
Tình yêu xưa đâu rồi
Giờ chỉ là trụi cây
Ai cho tôi tình yêu
Tình yêu chờ nở rộ
Như lá của mùa xuân... 

Tuesday, June 5, 2018

Thế gian, sự đời || Dương Hạnh
THẾ GIAN, SỰ ĐỜI 

Dương Hạnh 

Ta lênh đênh giữa biển khơi
Sống trọn nghĩa tình ai ơi khốn cùng
Núi đồi non nước điệp trùng
Đời người một thoáng bần cùng thế thôi
Sướng vui đau khổ định rồi
Ý Thiên, ý địa sẵn hồi thụ thai
Bản nhạc đời ai kết lại
Lúc trầm bổng, lúc khoan thai nhẹ nhàng
Lỡ lầm một thoáng lang thang
Tìm về bến đậu "quá giang"™ ai chờ.....
______________
™ Ở đây được hiểu là đi nhờ xe xe cộ người khác giữa đường một cách miễn phí 

Friday, June 1, 2018

Những mẫu chuyện đáng suy ngẫm


1.Chuột sa hũ gạo

Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo. 
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.

Lời khuyên nhỏ:
Cuộc đời của chúng ta xem như rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy nguy cơ, cần phải giữ cho mình quan niệm sống ổn định, từ đó mà biết cân nhắc đến an nguy.

2. Con thỏ câu cá bằng cà rốt

Ngày đầu tiên, chú thỏ con đi câu cá, không thu hoạch được gì cả.
Ngày thứ hai, nó lại đi câu cá, kết quả vẫn không đổi.
Ngày thứ ba, nó vừa đến nơi, một con cá lớn từ trong hồ nhảy lên, lớn tiếng quát: “Nếu như ngươi còn dám dùng cà rốt để làm đồ ăn cho cá, ta sẽ làm thịt ngươi”.

Lời khuyên nhỏ:
Những gì bạn cho đi đều là những gì bạn muốn cho, chứ nó không nhất định là những gì mà đối phương muốn; thế nên điều bạn cho đi ấy trong con mắt người ta căn bản vốn không có giá trị gì cả. Hãy biết cân nhắc đến người khác để giá trị cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa.

3. Bệnh nhân ung thư “tưởng rằng” cuộc phẫu thuật đã thành công

Bác sĩ không còn cách nào khác, đành phải để ông xuất viện. Tôi có một người bạn là bác sĩ. Một lần anh làm phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư, sau khi mổ ra mới phát hiện chỗ bị viêm cắt bỏ không được, anh đành phải may lại, rồi đi giải thích tình huống với bệnh nhân. Bệnh nhân đó đến từ vùng quê, nghe không hiểu thuật ngữ y khoa, thế nên nghe xong thì vững tin rằng phẫu thuật xong rồi thì bệnh sẽ khỏi.
Một năm sau tái khám, bệnh quả nhiên đã khỏi hẳn, các tế bào ung thư đã hoàn toàn biến mất.

Lời khuyên nhỏ:
Tâm thái vui vẻ lạc quan chính là phương thức phẫu thuật tốt nhất vậy.

4. Nhân duyên vợ chồng

Năm đó, anh đang ngồi đợi bạn trong quán cà phê. Một người con gái bước đến hỏi: “Anh có phải là người mà dì Vương giới thiệu đến để xem mắt hay không?”
Anh ngẩng đầu lên nhìn cô một cái, bất chợt phát hiện đây chính là mẫu người mình thích, lòng nghĩ thầm sao không “lỡ nhầm rồi đã nhầm cho trót luôn”, thế là vội vàng đáp: “Đúng vậy, mời ngồi”.
Ngày kết hôn, anh liền đem sự thật này nói với vợ, người vợ cười cười một cái, nói: “Em cũng không phải là đến xem mắt, chỉ là mượn cớ để bắt chuyện với anh thôi…”

Lời khuyên nhỏ:
Khi cơ duyên đã đến rồi, thì đừng nên do dự mà hãy nắm chặt lấy nó.

Wednesday, May 9, 2018

VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (Anthony Dương Hạnh)

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN


Anthony Dương Hạnh

Sống trong xã hội hay trong một tổ chức nào đi nữa thì đòi hỏi ta gia nhập và hội nhập theo cộng đồng người nơi đó. Dù bạn ở công ty, xí nghiệp, cơ quan nhà nước, hay ngân hàng, trường học… thì cũng là tập hợp của cộng đồng người trong đó. Khi nói đến đời tu sĩ sống đời thánh hiến, thì yếu tố tiên quyết để đề cập là đời sống cộng đoàn và việc tuân giữ các Lời khuyên Phúc âm. Trong phạm vi luận đề này, tôi xin có một vài suy nghĩ, cảm nghiệm về đời sống cộng đoàn tu trì- cộng đoàn sống đời thánh hiến.

            Đời sống cộng đoàn tu trì là đời sống huynh đệ, tỷ muội; nơi đó, anh em, chị em từ khắp mọi miền, mọi dân tộc tụ họp về dưới một mái nhà để cùng sống, làm việc và theo đuổi một lý tưởng, một ước mơ- sống đời dâng hiến, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
            Cộng đoàn là tập hợp mọi cá thể người đến từ nhiều vùng miền, nhiều nền văn hóa khác nhau. Cho nên ở đó sẽ có sự đa dạng, phong phú về tính cách, cách sống, tập tục vv.
            Thứ nhất, đời sống cộng đoàn đòi buộc ta từ bỏ cái tôi cá nhân để hòa nhập với mọi người trong cộng đoàn. Những cái tôi ích kỷ, bảo thủ, thích hưởng thụ; cái tôi lười biếng, trốn tránh công việc, bổn phận; những sự bè phái, phe nhóm; nói hành, nói xấu vv… những cái tôi ấy cần phải được cắt tỉa, gọt giũa, không nên tồn tại trong đời sống cộng đoàn tu trì. Thật vậy, cái tôi thêm dấu nặng sẽ thành “tội”; cái tôi thêm dấu sắc trở thành “tối” tăm; cái tôi mà thêm dấu huyền sẽ là “tồi”. Do đó cần gạt bỏ cái tôi của cá nhân mình ra khỏi đời sống cộng đoàn.
             Giá sử, bạn hay tôi chỉ giữ cái tôi cho cá nhân mình thì liệu cộng đoàn sẽ đi về đâu?...
            Thứ hai, đời sống cộng đoàn đòi buộc mọi cá nhân cần góp sức vào để xây dựng chứ không phải là đồng sức phá hoại.
            Ngay từ cộng đoàn tiên khởi, thời các Tông đồ, các ngài tụ họp nhau chuyên cần cầu nguyện, lấy mọi sự làm của chung và phân phát cho những người thiếu thốn hơn mình (Cv 4, 32-35). Như thế, đời sống cộng đoàn ngày nay cũng đòi buộc tôi bước theo các Tông đồ xưa, để cùng cởi mở, tích cực xây dựng cộng đoàn phát triển, bằng cách: Đối thoại, lấy lời lành mà khuyên bảo nhau; hỗ trợ, yêu thương nhau; đoàn kết để có tiếng nói chung; lấy tình huynh đệ mà sửa dạy nhau…
            Những kẻ phá hoại cộng đoàn là những cá thể luôn gây chia rẽ, nói xấu, làm mất tình huynh đệ, tình anh em; luôn tích góp cho mình; sống ích kỷ, biến thủ của chung làm của riêng; không cần bảo ban ai theo kiểu “sống chết mặc bay”. Những con người sống thiếu thật thà, sống hai mặt; làm việc gì cũng chỉ để mưu cầu danh-lợi-tiếng tốt cho bản thân; hoặc là luôn rình chờ để cướp công anh em dù hay trốn tránh và lười biếng trong công việc; việc gì thích là tự ý làm…vv… Những người như thế, những hành động như thế đang làm cho đời sống cộng đoàn đi xuống, đang phá hoại cộng đoàn.
          Trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, ĐGH Phaxicô cũng nhấn mạnh các yếu tố của đời sống huynh đệ cộng đoàn: “Những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tỳ hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ trong nhà của anh chị em”.  Thay vào đó, cần “đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, chia sẻ tài nguyên vật chất và tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng những người yếu đuối…” (Mục II, số 3 Tông huấn ĐSTH). Quả thế, đó cũng là những phương cách đang giúp góp phần xây dựng đời sống cộng đoàn tu trì.
          Thứ ba, đời sống cộng đoàn cũng đòi buộc bạn và tôi luôn kiến tạo và xây dựng niềm vui. Bởi người tu sĩ không có niềm vui thì không thể mang niềm vui đến cho người khác được. Nếu “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc theo Chúa cũng thật đáng buồn” (Tông thư Los Caminios Del Evangelio, gửi tu sĩ nam nữ Mỹ Châu La tinh dịp 5 năm truyền giảng Tin mừng tại thế giới mới ‘29/6/1990’).
Thật thế, khi nhìn vào khuôn mặt tu sĩ toát lên một niềm vui, một sự thánh thiêng, bình an thì ai cũng muốn gần gũi và Lời Chúa dễ dàng được gieo vào lòng họ qua vị tu sĩ đó. Còn nếu nhìn khuôn mặt tu sĩ mà lúc nào cũng buồn rầu, cứ như muốn “ăn tươi, nuốt sống” người khác hay khuôn mặt kênh kiệu, hách dịch thì ai mà dám lại gần nếu không phải là thấy mặt thì tránh cho xa. Điều này tôi bắt gặp nơi một vài tu sĩ trẻ trong cộng đoàn tôi đang sống. Như vậy, đời sống cộng đoàn tu trì đòi buộc tôi luôn luôn phải vui tươi, biết tạo niềm vui để có thể bình an sống đời dâng hiến; đồng thời có thể trao ban niềm vui và bình an tôi có cho anh chị em xung quanh được. Chả có ai muốn sống dưới một mái nhà đầy tăm tối hay u ám, không có tiếng cười cả! Cũng như chẳng có ai muốn sống trong cộng đoàn tu trì khi không có niềm vui gì cho bản thân mình. Vì thế, niềm vui là điều cần có trên khuôn mặt của người sống đời sống cộng đoàn tu trì.
Thứ tư, đời sống cộng đoàn góp phần giúp cho cá nhân bạn và tôi trưởng thành hơn về nhân cách. Thật vậy, "về mặt tích cực, cộng đoàn giúp chúng ta sống trưởng thành. Điều này không sai, mỗi cá nhân khi gia nhập tìm hiểu ơn gọi (giai đoạn đệ tử). Thứ mà họ nhìn thấy cũng như thường được nhắc nhở đó là: tinh thần kỷ luật, ý thức tự giác, có trách nhiệm với những bổn phận của cá nhân cũng như của chung. Cho dù khi ở nhà, họ có thể là những cậu ấm, cô chiêu, được bố mẹ cưng chiều không phải làm gì. Nhưng khi vào cộng đoàn, họ phải tập từ bỏ thói quen được ưu ái, những sở thích cá nhân để làm quen với môi trường đồng bộ, mọi người được đối xử như nhau. Chính khi chấp nhận được như vậy và biết tập để sống mối tương quan tương tác tốt đẹp với các thành viên khác trong cộng đoàn. Cá nhân đó sẽ đạt được một thái độ trưởng thành và một nhân cách hoàn chỉnh trong môi trường tu trì. Từ đó, họ sẽ yêu thích đời sống cộng đoàn trong sự tự do nội tâm mà không hề sợ hãi hay tự vệ"(1).
Nói tóm lại, đời sống cộng đoàn không phải dễ sống, nhưng ai sống được thì đó cũng là dấu chỉ ơn gọi cộng đoàn trong đời tu. Tuy nhiên vẫn còn đó bao sự tham-sân-si của từng cá nhân trong cộng đoàn; còn đó những bất cập, những điều đáng buồn cần phải gọt giũa để làm cho cộng đoàn phong phú theo chiều hướng tốt đẹp, phát triển hơn. Cần phát huy những mặt tốt, noi gương những anh em tốt đi trước; phá tan đi những ích kỷ, những tự kiêu, những thói hách dịch, lạm quyền trong một vài cá thể của cộng đoàn; xóa bỏ đi những lời nói hành nói xấu nhau, thay vào đó là lời đoàn kết yêu thương, lòng vị tha, tình bác ái huynh đệ, đối toại để có một tiếng nói chung. Cần trau dồi kiến thức đạo-đời để có óc phán đoán, phân định vấn đề tốt và khách quan, chính xác hơn. Biết khiêm nhường, hạ mình vì có kẻ còn giỏi hơn mình gấp trăm lần; đừng phô trương, tỏ vẻ, lạm quyền hay thiếu sự tôn trọng người khác cấp dưới, biết đâu trường đời của bạn chẳng bằng một phần của họ. Các thành viên trong cộng đoàn tu trì đừng làm “con sâu” để gây gương mù, gương xấu cho người khác, khiến các ứng sinh đến tìm hiểu mà không muốn gia nhập cộng đoàn vì “vỡ mộng”.
Nếu được như thế thì đời sống cộng đoàn mới có thể ngày một khởi sắc và dồi dào, phong phú hơn. Ước mong rằng, bạn và tôi sống vui và tích cực xây dựng cộng đoàn tu trì “đẹp”, theo đúng nghĩa khởi nguyên của nó. Để ai đến, ai nhìn vào cũng thấy được tình yêu và các chi thể của Đức Ki-tô sống động, hiện tại hóa nơi đời sống cộng đoàn.

--------------------------------------------------
(1) "Đời sống cộng đoàn trong đời tu" của Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu, post trên
 http://caunguyenbangtraitim.com/doi-song-cong-doan-trong-doi-tu/

Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé:


XIN HÃY SAI CON