Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Sunday, September 10, 2017

Dòng đời, dòng thời gian (sưu tầm)

DÒNG ĐỜI & DÒNG THỜI GIAN

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
Qua lời bài hát “Cát bụi” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tôi chợt nghĩ về “ thời gian” và “ đời người”. Hai cụm từ này luôn song hành với mỗi người chúng ta dù anh giàu hay nghèo, già hay trẻ, là ông lớn, bà nọ hay chỉ là một anh nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ai là người sinh ra chỉ để hưởng thụ, vừa mở mắt miệng đã ngậm cục vàng. Ai là người sinh ra để mưu sinh vất vả trên đường đời.
"Vì bạn mỗi ngày đang sống” là câu tựa của một bài viết mà tôi đã đọc qua ở đâu đó. Khiến tôi phải dừng lại trong một khoảnh khắc trên cái tư tưởng bấy lâu để suy nghĩ, nghĩ xem mình đang ở đoạn nào của đường đời, đang làm gì, đã làm được gì và đã sống thế nào. ...v.v. Có lẽ những phát hiện đó chính là ý nghĩa của cuộc sống. Hãy sống hết mình, hãy làm những việc mình muốn sao cho không hổ thẹn lương tâm, hãy trao yêu thương cho ai xứng đáng . Bởi dòng thời gian như một dòng sông chỉ chảy theo một hướng. Nó cuốn đi cả niềm vui, nỗi buồn, bao lao công vất vả...vv.Là những thứ mà ai cũng đã, đang và sẽ trải qua trên chặng đường sinh tử. Thời gian là một thứ vô tri, không đợi tôi hay đợi bạn, nó chỉ biết lẳng lặng trôi đi. Ngày mai hay một hôm nào đó chính tôi hay chính bạn sẽ không còn cơ hội để làm những điều mình muốn. Thế đấy dòng thời gian là một cách nhìn muôn màu về sự lặng lẽ, cứ trôi đi theo một chiều mặc ai kêu ca hay hối hận. Nó ích kỷ chỉ biết đi qua mỗi người mà đa số khi qua được một đoạn dài trên con đường đời thì người ta mới chợt nhận ra “ à, mới đó mà đã .....năm rồi”. Tự xét lại, nghĩ về con đường ngoằn nghèo mà mình đã đi qua. Lúc đó người ta hay nghĩ đến hai từ “giá như” . Nhưng thời gian nó đâu biết vậy, chỉ đi và đi không ngừng nghỉ. Nếu ai cũng biết trước được những việc mình sẽ trải qua, sẽ làm trong tương lai để rồi thảnh thơi ngồi chờ thì cuộc sống còn gì là ý nghĩa, đâu còn sự tò mò, nhiệt huyết phấn đấu rèn luyện, đâu còn những trải nghiệm, những bài học sương gió đắt giá từ những cú ngả đau điếng để rồi tự mình vực dậy và quyết tâm với một tinh thần thép mới. Những thứ tôi muốn mua thì nhiều mà không bao giờ có người bán. Vốn kinh nghiệm sống là một trong số đó. Nó là món quà vô giá mà dòng thời gian ban cho mỗi người, dù bạn có nhiều hay rất nhiều tiền cũng không thể mua được.
Tôi đã học được một phần cái gọi là cuộc đời. Nhưng có lẽ chỉ là một nhận định, một cách nhìn ít chiều từ một số góc độ nhỏ hẹp mà tôi đã rút ra từ những trải nghiệm của chính mình. Có nhiều người đã tự lập ra công thức về cuộc đời. Bạn cũng hãy tự lập cho mình. Với tôi, nói đơn giản “Cuộc đời = cách nghĩ + hành động + nhiệt huyết + năng lực”. Đó là yếu tố quyết định bạn sẽ ra sao, sẽ thế nào. Cách nghĩ, tư tưởng làm biến đổi thái độ nhìn nhận sự việc, thái độ thay đổi sẽ tương tác đến hành động, hành đông có thêm nhiệt huyết, năng lực sẽ đi theo hứng tích cực, hành động thay đổi dẫn tới thói quen từ từ thay đổi, dần đi vào quỹ đạo do chính bạn làm chủ. Từ đó cuộc đời sẽ biến đổi kết hợp hài hoà với thời gian. Cuộc đời ta, tư tưởng, suy nghĩ bấy lâu có thể bị thay đổi tại một khoảnh khắc bởi một người nào đó hay bởi một sự đánh động khiến mình bất giác được tỉnh thức tại một khoảnh khắc trên đồng hồ thời gian. Mỗi người có một cuộc sống, đừng bao giờ coi những khó khăn trước mắt là bức tường cản trở ta. Hãy coi chúng là những bài học mà dòng thời gian mang lại để ta ngày càng hoàn thiện, trưởng thành hơn. Hãy coi chúng như những dấu câu câu. Phải biết vượt qua dấu lặng của cuộc đời. Nếu mới gặp dấu “,” mà đã nản lòng thì liệu gặp dấu “.” là những biến cố lớn hơn bạn sẽ ra sao? Tôi và bạn chúng ta đang cầm tuổi trẻ trên tay, dồi dào sinh lực, trí tuệ...v.v. cảm thấy như một triệu phú. Chúng ta giàu, hãy sử dụng sự giàu có đó một cách không ngoan, đúng đắn. Đừng
mất phương hướng, đừng để nội lực tràn trề của tuổi trẻ bị hao phí vô nghĩa.
nguồn: Augustino Phong Nha (sưu tầm)
Triết học Công giáo của thánh Augustino (sưu tầm)
(nguồn: http://catechesis.net/index.php/triet-hoc/triet-tay/tu-tuong-triet-hoc/878-triet-hoc-kito-giao-cua-thanh-augustine)
I. VẤN NẠN CHÍNH YẾU

Từ thời trẻ, thánh Augustine đã trãi nghiệm sự xáo trộn nội tâm sâu xa khiến thánh nhân dấn cả cuộc đời đi tìm sự khôn ngoan đích thực và sự bình an nội tâm. Vì thế, câu hỏi nền tảng luôn lập đi lập lại đối với thánh nhân bấy giờ là
- Làm sao có được sự khôn ngoan đích thực và sự bình an nội tâm.
- Tại sao cái ác luôn luôn tồn tại trên thế gian này?
Trên hành trình tìm kiếm này, thánh nhân thấy rằng những tư tưởng Kitô giáo và những kiến thức giáo lý mà ông học từ nhỏ không làm ông thỏa mãn. Vì thế, ông đến với giáo phái Manichaeans vì ngỡ tưởng rằng nơi đây thánh nhân sẽ tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc của mình. Nhưng giáo phái này chỉ làm cho thánh nhân thất vọng. Sau đó ông quay sang các nhà triết học hoài nghi, nhưng một lần nữa thánh nhân lại thất vọng bởi họ cho rằng con người không hoàn toàn sở hữu được chân lý.
Rồi tình cờ, thánh nhân đọc được tác phẩm “Enneads” của Plotinus. Chính thuyết Plato mới này có những điều gây ấn tượng mạnh đối với ông và đã cung cấp cho ông những điều ông tìm kiếm. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức của ông vẫn chưa được giải quyết bởi ông quan niệm rằng sức mạnh đạo đức phải cân xứng với sự hiểu biết tri thức. Vì thế, ông tiếp tục hành trình tìm kiếm. Và sau cùng, ông đã tìm ra được lời giải đáp cho vấn đề đó nhờ những bài giảng của thánh Ambrose.
Trải qua hành trình dài tìm kiếm chân lý, ông kết luận rằng thế giới vật chất hay thay đổi không thể cung cấp cho con nguời tri thức đích thực hay an bình nội tâm, thánh nhân khẳng định rằng chỉ có Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực và là chân lý vĩnh cửu. Như thế, có thể nói rằng vấn nạn chính yếu của thánh nhân là làm thế nào để trí khôn con người vươn tới Thiên Chúa?
Để trả lời cho vấn nạn này, thánh nhân đã gạn đục khơi trong những tư tưởng của các triết gia thời trước ngài như Plato, Aristotle, Plotinus ; đồng thời kết hợp những tư tưởng đó với Đức tin (chân lý mạc khải của kinh thánh).
Đầu tiên ngài cho rằng hành trình truy tìm chân lý vĩnh hằng là sự lần mò, trong đó có nhiều ký hiệu để hướng dẫn về với Thiên Chúa. Và để thấy những ký hiệu đó thì cần có ánh sáng để soi dẫn giống như việc chúng ta không thể thấy được sự vật nếu sự vật ấy không chìm ngập trong ánh sáng. Vì vậy, ngài kết luận rằng trí khôn con người cần có sự soi sáng để có thể “thấy” những ký hiệu đó. Điều kiện để phân biệt được đâu là ký hiệu đúng đâu là ký hiệu sai là chúng ta tin vào Mạc khải. Chính Mạc khải giúp chúng ta vươn lên trên lý trí, giúp ta tin vào ký hiệu (Kinh Thánh) và thẩm quyền của đối tượng vĩnh cửu là Thiên Chúa. Sau khi đã chấp nhận những ký hiệu, chúng ta hãy đi giải mã những ký hiệu đó với chìa khóa “yêu”.  Và theo thánh nhân tình yêu này phải có trật tự: Trước hết là Thiên Chúa, thứ đến là chính mình – tha nhân, sau cùng là sự vật.
Và khi đã giải mã đuợc những ký hiệu đó, con người sẽ vươn lên tới Chúa là nguồn của hiện hữu và chân lý và là thực tại vĩnh cửu duy nhất.
II. CÁC SUY DIỄN TỪ TIỀN ĐỀ ĐẾN KẾT LUẬN
1. Tiền đề của triết học Augustines
Plato cho rằng thế giới là kết quả của việc Thượng Đế phối hợp các hình thức và các khoảng chứa vốn tồn tại độc lập. Còn Plotínus cho thế giới là sự mở rộng của chính Thiên Chúa, nhưng Augustine khẳng định: Thế giới được tạo dựng bởi Thiên Chúa từ hư vô, đây là nguồn chân lý vĩnh cửu, tất yếu và con người có thể nhận thức được nguồn chân lý tối cao này, Augustines không đồng ý với cách thức nhận thức là sự nhớ lại của hồn của như triết học của Plato, hay nhân thức mô thể và các nguyên nhân như Aristotle, ông cho là con người có thể nhận thức từ Thiên Chúa, mà chân lý này trước tiên phải được mạc khải từ chính Thiên Chúa vĩnh cửu.
2. Cách suy diễn của Thánh Augustines
a. Thiên Chúa là thực tại tối cao, tạo ra thế giới khả giác.
Thiên Chúa tạo ra thế giới, nên Thiên Chúa là nguôn chân lý cao nhất tất yếu và vĩnh cửu, nhưng Thiên Chúa không đồng nhất với thế giới mà siêu việt, vượt ra ngoài thế giới.
Augustine không mấy quan tâm tới những suy nghĩ tư biện về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông quan tâm tới bản chất và cách hiện hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân Lý nên phần nào Thiên Chúa ở trong con người. Nhưng vì Thiên Chúa là vĩnh cửu nên nên người cũng siêu vượt con người. Vũ trụ chúng ta là phản ánh cái hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa. Tất cả sự hiện hữu của sự vật đều đến từ Chúa vì Ngài là nguồn mạch mọi sự hiện hữu. Thiên Chúa không ở trong không gian và thời gian, là cái hiện hữu thuần túy cao nhất, là chân lý tuyệt đối và thực tại vĩnh cửu. Bản chất của Thiên Chúa là tồn tại, mà tồn tại là hành động và hành động là tư duy, còn hiện hữu vĩnh cửu là toàn tri.
b. Con người có khả năng nhận thức được Thiên Chúa, thực tại vĩnh cửu.
Thiên Chúa là Chân Lý nên phần nào Thiên Chúa ở trong con người. Nhưng vì Thiên Chúa là vĩnh cửu nên nên người cũng siêu vượt con người. Vậy phải có cách để con người nhận thức Thiên Chúa. Augustine đã đi từ những tư tưởng của các triết gia trước ngài như Plato, Aristotle, Plotinus… rồi kết hợp những tư tưởng đó với Đức tin (chân lý mạc khải của Kinh Thánh). Đầu tiên ngài cho rằng hành trình truy tìm chân lý vĩnh hằng là sự lần mò, trong đó có nhiều ký hiệu để hướng dẫn về với Thiên Chúa. Và để thấy những ký hiệu đó thì cần có ánh sáng để soi dẫn giống như việc chúng ta không thể thấy được sự vật nếu sự vật ấy không chìm ngập trong ánh sáng. Vì vậy, Ngài kết luận rằng trí khôn con người cần có sự soi sáng để có thể “thấy” những ký hiệu đó nơi các tạo vật. Điều kiện để phân biệt được đâu là ký hiệu đúng chúng ta phải tin vào Mạc khải. Chính Mạc khải giúp chúng ta vươn lên trên lý trí, giúp ta tin vào những dấu hiệu (Kinh Thánh) và tin vào thẩm quyền của đối tượng vĩnh cửu là Thiên Chúa.
c. Sự dữ là sự vắng mặt của hữu thề.
Giải thích tại sao có sự dữ.
1/ Bản chất của sự dữ:
- Tất cả mọi sự được tạo thành nguyên thủy là tốt đẹp, tất cả do Thiên Chúa tạo ra mới có, do sự dữ không phải là tốt lành nên sự dữ không đựơc tạo thành.
- Tốt lành là có hữu thể, vì sự dữ không được Thiên Chúa tạo ra nên không có hữu thể, tự nó không có hữu thể hay nói cách khác sự dữ là sự vắng mặt hay khuyến khuyết của  hữu thể, nó chỉ là ký sinh trùng ăn bám vào những thứ khác của hữu thể.
2/ Sự dữ xuất hiện như thế nào?
- Sự dữ xuất hiện từ sự lạm dụng tự do của con người (lạm dụng tự do mà Chúa ban cho).
3/ Sự dữ diễn ra hoặc bày tỏ như thế nào?
- Sự dữ diễn ra theo hai cách:
+ Tội lỗi (do con người sinh ra): đó là tội luân lý. Do con người lạm dụng tự do.
+ Sự dữ tự nhiên (do tự nhiên hay thiên nhiên). Xuất phát do mức độ hoàn hảo khác nhau trong vũ trụ.
3. Kết luận của Thánh Augustines
Thiên Chúa là đấng tạo dựng thế giới và là thực tại tối cao con người cần hướng đến. Chỉ một mình Thiên Chúa là hằng hữu. Mọi vật là sản phẩm của hành vi tự do của Thiên Chúa. Mỗi tạo vật thể hiện một nét đẹp riêng của Thiên Chúa, vì vậy trong mỗi sự vật đều ẩn tàng sự hiện diện của Chúa, đó là những dấu chỉ, là những ký hiệu để con người nhận biết Thiên Chúa. Con người có thể nhận thức được nguồn chân lý vĩnh cửu này thông qua sự mạc khải, nguồn ánh sáng của Thiên Chúa, đây là sự soi sáng phán đoán của chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhận ra rắng những ý niệm nào chứa đựng chân lý tất yếu và vĩnh cửu.
III. KẾT LUẬN CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẠO ĐỨC CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI
A. Đạo đức học của Augustino đối với cá nhân
Đạo đức học của Augustino là tìm tiêu chuẩn để sống tốt.
Hạnh phúc của Augustino là gì? Nếu như Aristotle cho rằng người ta được hạnh phúc khi họ hoàn thành chức năng của mình bằng sự trung dung, thì Agustine cho rằng hạnh phúc đòi người ta vượt lên khỏi tự nhiên để đạt tới siêu nhiên. Agustine viết: “lạy Chúa, Chúa đã dựng chúng con nên cho Chúa, vì thế tâm hồn chúng con sẽ không được nghỉ ngơi cho tới khi nó tìm được sự nghỉ ngơi trong Ngài”. Như vậy Thiên Chúa là nguồi chân lý vĩnh cửu, nguồi thực tại tối cao tạo dựng nên con người với mục đích lôi cuốn con  người trở về với nguồn hạnh phúc vĩnh cửu, đó chính là Thiên Chúa.
1. Tiêu chuẩn sống tốt là tình yêu có trật tự
- Thiên Chúa
- Con người – tha nhân
- Sự vật
Như vậy, tội bị gây ra bởi sự lẫn lộn giữa các trật tự này, chẳng hạn chúng ta đặt cái tôi lên trên Thiên Chúa thì đó là tội kiêu ngạo, còn đặt tha nhân cao nhất là tội thần thánh hóa, còn đặt sự vật lên trên Thiên Chúa là tội thờ ngẫu tượng.
2. Tiêu chuẩn sống tốt đặt ra với điều kiện là con người được tạo dựng có tự do
Qua lăng kính của Thiên Chúa:

Như vậy thưởng hoặc phạt không thuộc về Thiên Chúa mà thuộc về sự tự do của ta và có giá trị cao hơn không tự do. Do nó ảnh hưởng đến vận mệnh của con người cả đời này và đời sau. Vậy Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do tốt hơn không là không có tự do.
B. Đạo đức học của Augustino đối với chính trị và xã hội
Ông đặt ra vấn đề con người sống trong xã hội lẫn lộn giữa những người tin và không tin, vì thế quan điểm đạo đức học chia xã hội loài người thành hai thành đô:
Thành đô Thiên Chúa và thành đô trần thế.
Thành đô Thiên ChúaThành đô trần thế
- Sống theo ý chí Thiên Chúa
- Những người mộ đạo, nhân từ, để cao tình yêu lý chí và sức mạnh tinh thần.
- Yêu kính Chúa, quên thân mình.
- Sống hôm nay, kỳ vọng vào ngày mai.
- Sự đồng cảm giữa các thành viên
- Sống theo chuẩn mực con người.
- Những kẻ ích kỷ, đề cao tiện nghi và lạc thú vật chất.
- Yêu bản thân quên cả Chúa.
- Sống hôm nay biết hôm nay.
- Thù địch và đối kỵ giữa các thành viên.
Chính vì có hai loại thành đô mà có hai loại công dân:
- Những người sống theo tình yêu có trật tự
- Những người không sống theo tình yêu có trật tự
---> Như vậy không thể phán đoán họ dựa vào hình thức bên ngoài
Ưu điểm của đạo đức chính trị của Augustino là không độc đoán như Platon, chúng ta phải học cả từ nơi người tốt và người xấu. Đạo đức học Augustino thì kiên nhẫn, bao dung hơn đạo đức học của Platon. Phán đoán con người bằng tâm chứ không phải bằng hoạt động bên ngoài.
1. Ảnh hưởng đạo đức của Augustino đối với thời xưa
Giải quyết vấn đề Donatis (bắt đạo) trong thời bắt đạo một số giám mục đã nộp Kinh thánh và vì thế bị coi là những giám mục chối đạo; các giám mục không chịu nộp Kinh thánh thì xuống hầm trú ẩn và sau một thời gian được giảng đạo một cách tự do thì xảy là các giám mục không nộp Kinh thánh coi các giám mục nộp Kinh thánh là những kẻ chối đạo. Vậy khi các giám mục bị coi là chối đạo ban các Bí tích có thành hay không, đó vấn đề mà Augustino đã giải quyết thành công dựa vào dụ ngôn cỏ lung trong Tin Mừng Mát-thêu. Qua đó chúng ta thấy Augustino là người rất nhân từ và có thái độ kiên nhẫn, thông cảm đối với người tội lỗi vì bản thân ông cũng đã một thời tội lỗi.
Vấn đề tội tổ tông là điểm son của Augustino. Con người muốn trở về với bản thân mình chứ không muốn hướng đến Thiên Chúa. Điểm đặc biệt là ông đã giải quyết vấn đề rửa tội cho con người ngay từ khi mới sinh ra chứ không phải để lớn lên như thói quen thời bấy giờ.
2. Ảnh hưởng đạo đức của Augustino đối với thời nay
Giáo Hội vẫn lấy tinh thần của thánh Augustino để áp dụng trong việc rửa tội cho các trẻ em mới sinh ra.
Công đồng Vaticano II giải thích tội tổ tông theo hai khía cạnh:
+ Con người tốt lành nhưng thích đi ngược lại sự tốt lành, kết nối mọi người có chung một nguồn gốc.
+ Tội tổ tông không phải đến từ máu huyết, nhưng mà từ môi trường, bối cảnh sinh sống đã có tội nên dễ bị tiêm nhiễm tội.
Hai vương quốc: Augustino chia xã hội loài người thành hai thành đô, hai vương quốc: vương quốc điều ác là nhà nước trần thế, và vương quốc Thượng đế trên trái đất là Nhà thờ, là Giáo hội. ông khuyên con người ta hãy từ bỏ của cải mà yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng. Cuộc sống trần thế chỉ là tạm bợ, con người chỉ là khách bộ hành chốc lát trên trái đất, hạnh phúc ở thế giới bên kia mới là vĩnh cửu.
IV. NHẬN ĐỊNH
Tri thức luận của Augustines chủ yếu dựa vào bản tính của con người, giống như tư tưởng của Plato giải thích về bản tính con người là sự kết hợp giữa hồn và xác. Linh hồn là một bản thể tham dự với lý tình có khả năng chi phối hoạt động của thể xác, Nhưng khác với Plato, thánh Augustine tin rằng con người là một tạo vật từ Thiên Chúa, được tạo ra với mục đích là trở về với Thiên Chúa là nguồn chân lý và hạnh phúc vĩnh cửu, trong con người phần nào đó đã có Thiên Chúa, nên trong con người có khả năng nhận thức được chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa.
Linh hồn (trí khôn) con người nhận thức qua 4 mức độ sau:
- Đối tượng của cảm giác.
- Cơ quan thể xác cảm giác lệ thuộc.
- Hoạt động trí khôn tạo ra hình ảnh hình ảnh của đối tượng.
- Đối tượng phi vật chất để trí không phán đoán.
Như vậy chúng ta có 2 đối tượng khác nhau của quá trình nhận thức:
1. Đối tượng của giác quan (vật chất hiện hữu).
- Đối tượng của giác quan đó là những vật chất hiện hữu. Giác quan tạo ra những tri thức, nhưng ở bậc thấp nhất của nhận thức, vì chúng ít chắc chắn do chủ yếu 2 nguyên nhân sau:
+ Các đối tượng giác quan hay thay đổi.
+ Các giác quan của chúng ta hay thay đổi.
2. Đối tượng của trí khôn (Các chân lý vĩnh cửu).
Đối tượng trí khôn là những đối tượng phi vật chất tạo ra những nhận thức chắc chắn khi trí khôn chiêm ngưỡng những chân lý vĩnh cửu, không lệ thuộc các giác quan, đó chính là chân lý phổ quát, chân lý vĩnh cửu. Theo Augustines cấp độ tri thức cao nhất là nhận thức về Thiên Chúa.
Như vậy, con đường đi đến nhận thức về Thiên Chúa, chân lý vĩnh cửu có 2 bước:
- Từ bên ngoài bước vào trong
- Và từ dưới thấp hướng lên trên cao.
* Điều kiện để trí khôn nhân biết được chân lý vĩnh cửu và tất yếu: thì trí khôn con người cần có một thứ ánh sáng để nhận biết những chân lý vĩnh cửu. Augustines đã phát triển học thuyết ánh sáng. Thiên Chúa chính là nguồn ánh sáng này, nó là sự phán đoán của chúng ta nhờ đó chúng ta có thể nhận ra những ý niệm nào là chân lý, là tất yếu và vĩnh cửu. Như vậy linh hồn được tạo bởi Thiên Chúa nên Thiên Chúa soi sáng để linh hồn từng bước trở về với Thiên Chúa ngay trong thân xác con người.
Theo augustines, trong thế giới khả giác chúng ta không thể nhận thấy các sự vật vật lý (vật chất) nếu không có ánh sáng mặt trời, thì trong thế giới khả tri chúng ta cũng không thể “nhận thấy” những đối tượng duy lý (phi vật chất) nếu không có sự soi sáng của Thiên Chúa.
* Phương thức để con người nhận biết đâu là chân lý: để đạt đến chân lý cuối cùng là Thiên Chúa, con người phải “Tin” chấp nhận thẩm quyền của các đối tượng ký hiệu (dấu tích, ngôn ngữ) và chìa khóa để giài các ký hiệu này là “tinh yêu”, một tình yêu có trật tự theo những mức độ ưu tiên: Thiên Chúa, bản thân - tha nhân, sinh vật, vật chất.
* Thiên Chúa là nguôn chân lý cao nhất tất yếu và vĩnh cửu.
- Con người là tạo vật hữu hạn, có trí khôn khác khao để đạt trí khôn vượt quá khả năng của thế giới hữu hạn.
- Hoạt động của trí khôn giúp ta nhận ra có một đấng vĩnh cửu soi sáng trí khôn chúng ta.
- Đối tượng tri thức là vĩnh cửu cao hơn trí khôn con người.
- Đối tượng đó không phải là sản phẩm của trí khôn con người, nó cao hơn trí khôn  và bất di bất dịch, nguồi chân lý vĩnh cửu này chính là Thiên Chúa.
Như vậy: Thiên Chúa là nguồn hiện hữu và chân lý, và là thực tại vĩnh cửu duy nhất, vì Thiên Chúa là chân lý nên phần nào Thiên Chúa có trong con người chúng ta. Do đó người nào biết nhiều về Thiên Chúa thì cũng hiểu biết sâu xa về bản chất thế giới, bản chất đích thực và số phận đích thực của con người.
* Bình Luận Lý Luận của Augustines
- Augustines tiếp nhận triết học của Plato và các triết gia theo khuynh hướng Plato mới (Plotinus về học thuyết sự lan tỏa) để tạo thành một hệ thống triết học Plato-Kito.
- Biến những kinh nghiệm của bản thân cùng với hệ thống triết học Plato, tìm con đường đi đến Thiên Chúa, nguồn chân lý vĩnh cửu.
- Đóng góp của Thánh Augustines là tìm ra tội tổ tông của con người, và ẩn sủng của Thiên Chúa giúp con người đi đến chân lý vĩnh cửu.
- Tìm ra bản chất của sự dữ, và chứng minh Thiên Chúa có trước và không phải là nguyên nhân của sự dữ.
 (Nguồn trung tâm học vấn Đa Minh)
 
Thần học về con người (sưu tầm)

Thần Học Về Con Người

Nguồn : (catechesis.net)

Tác giả: Phan Anh, OP.
Có hai đường lối khác nhau để trình bày thần học về con người: một đàng là nói về con người trong lịch sử cứu độ (tạo dựng, sa ngã, cứu chuộc), họp thành bộ môn Anthropologia theologica; đàng khác thì đào sâu những yêu sách của phẩm giá con người khi sống trong xã hội, và phát triển thành học thuyết xã hội. Bài này xin trình bày nội dung môn Anthropologia Theologica và phẩm giá con người với nhân quyền.
  1. NỘI DUNG MÔN “THẦN HỌC VỀ CON NGƯỜI”
Chúng tôi xin thú thực là không dễ gì dịch tiếng “Anthropologia theologica”, bởi vì trong Việt ngữ, do ảnh hưởng của các khoa học thực nghiệm, người ta dịch “anthropologia” là “nhân loại học, nhân chủng học”. Tuy nhiên có lẽ những từ đó không thể áp dụng ở đây, bởi vì vấn đề không phải là nghiên cứu về loài người (khác loài khỉ như thế nào?) hay sự thành hình của các chủng tộc; nhưng vấn đề là con người (Anthropos), xét như là một chủ thể tinh thần, khác với các sinh vật và động vật khác vì có trí tuệ và ý chí tự do. Cách riêng “anthropologia theologica” bàn tới con người xét trong tương quan với Thiên Chúa: dưới ánh sáng mạc khải, thần học muốn trình bày về nguồn gốc của con người và ơn gọi của con người. Mạc khải cho ta biết rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa: tuy là một thụ tạo, nhưng con người đã được Thiên Chúa mời gọi vào chia sẻ đời sống thần linh. Tiếc rằng, vì tội lỗi, con người đã làm hư hỏng mối tương giao ấy, gây ra cho chính mình biết bao nhiêu xáo trộn. Thế nhưng, Thiên Chúa không cắt đứt cuộc đối thoại, nhưng đã cứu vớt con người, chữa lành những thương tích mà tội đã gây ra, đồng thời tái tạo hình ảnh của Chúa nơi con người nhờ Đức Kitô. Đại khái, đó là nội dung của môn “anthropologia theologica”, một bộ môn còn chập chững vì mới ra đời.
Xét về phương pháp, thì khi đề ra bộ môn này, các tác giả đã muốn trình bày một cách có hệ thống mạch lạc những vấn đề trước đây đã ra đời vào những giai đoạn khác nhau và dưới những tựa đề khác nhau, đó là De Deo creante về sự tạo dựng. De Deo elevante về ơn thánh sủng. De peccato originali về tội nguyên tổ. Các tác giả chủ trương rằng phải xếp đặt lại các chất liệu của ba phần vừa nói, để tạo ra một bộ môn có tính cách nhất thống và mạch lạc. Môn anthropologia theologica nhằm đáp ứng lại yêu sách đó, với hai lợi điểm sau:
1/. Trong thời đại hôm nay, khi nhân loại đang sống trong khắc khoải vì không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời và của giòng lịch sử, thần học cần phải bắt chước công đồng Vatican II, múc lấy từ nguồn mạc khải, để tìm câu trả lời cho câu hỏi: con người là gì?
2/. Làm nổi bật vai trò của Đức Kitô như trung tâm của thần học, của con người cũng như của lịch sử.
Thực vậy, trong các môn nói về sự tạo dựng, ơn thánh và tội nguyên tổ trước đây, ra như thần học chỉ dừng lại ở sách Sáng Thế chứ không chịu đi xa hơn, để tìm chìa khoá giải đáp ý nghĩa của sự tạo dựng, ơn thánh và cứu chuộc nơi Đức Kitô. Đức Kitô mạc khải con người cho con người, nghĩa là Ngài đã giúp con người sống cho ra người, sống xứng đáng với phẩm giá con người hơn. Như thế, Kitô giáo không phải là cái gì áp đặt lên con người hoặc làm nó bị tha hoá; nhưng Kitô giáo đã đáp lại những khát vọng sâu xa nhất trpng con tim con người.
Từ những nguyên tắc ấy, tương ứng với ba phần: Tạo dựng – Tội lỗi – Ơn thánh, các tác giả chia môn Anthropologia Theologica thành ba phần xoay quanh mối tương quan giữa con người với Đức Kitô như sau:
a/. Con người nơi Ađam được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
b/. Con người nơi Ađam đã sa ngã và mong chờ ơn cứu chuộc.
c/. Con người được cứu chuộc trong Đức Kitô.
  1. Phần thứ nhất – Nói về sự tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa
Hình ảnh Thiên Chúa cần phải được giải thích trong bối cảnh của Cựu ươc lẫn Tân ước(nghĩa là nơi Đức Kitô). Nhờ vậy, vấn đề tạo dựng được nhìn trong chiều kích năng động và không loại trừ tư tưởng tiến hóa, xét vì hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa không phải là cố định bất biến nơi Ađam, nhưng cần được kiện toàn nơi Đức Kitô. Dù sao, ở phần thứ nhất này, con người được nhìn trong kế hoạch tạo dựng: nghĩa là hướng về Thiên Chúa, được ban cho trí tuệ và ý chí tự do; con người không phải chỉ có hồn thiêng nhưng còn có thân xác, con người không sống cô độc lẻ loi nhưng hợp quần trong xã hội, nhờ hành động tự do và nhờ thân xác mà con người hợp tác với tha nhân cũng như tiếp xúc với thế giới vật chất. Con người được Thiên Chúa giao cho việc quản trị vũ trụ: đây là lúc bàn về giá trị của lao động, cũng như những nghĩa vụ đối với môi sinh.
  1. Phần thứ hai nói tới tình trạng sa ngã của con người
Đây là chương tương ứng với những vấn đề về tội nguyên tổ trước đây. Kinh thánh đã nói về tội trong bối cảnh của một mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, tội là sự phản loạn của con người, bất tuân lệnh Thiên Chúa. Ngoài ra, Kinh thánh không những nói đến những tội cá nhân nhưng còn nói tới một tội bao trùm cả nhân loại, gây ra những xáo trộn trong thế giới, trong các tương quan xã hội và ngay cả chính trong nội tâm con người. Tuy nhiên, các câu hỏi chung quanh bản chất của tội nguyên tổ cần được đọc trong bối cảnh của toàn thể lịch sử mạc khải. Như ta đã biết, thánh Phaolô đã nhìn thấy nơi sự sa đoạ của con người lòng khao khát được cứu rỗi: “ở đâu tội lỗi đầy tràn thì ơn tha thứ lại càng chan chứa”. Tội nguyên tổ của Ađam cần được đối chiếu với ơn thủ lãnh nơi Đức Kitô.
  1. Phần thứ ba bàn đến cuộc sống mới của con người trong Đức Kitô
Phần này tương ứng với những triệt nói về ơn thánh trước đây. Tuy nhiên, vấn đề ơn thánh cần được nhìn trong nhãn giới mới: ơn thánh không phải chỉ là một liều thuốc bổ tăng thêm sức mạnh cho con người. Ơn thánh cần được lồng trong cả kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho con người, kêu mời con người vào chia sẻ đời sống hạnh phúc với mình: tình yêu ấy không chịu thúc thủ vì sự khước từ của con người; nhưng sau khi con người sa ngã. Thiên Chúa lại càng tăng thêm tình thương đối với con người qua việc trao ban Đức Kitô cho con người. Nhờ Đức Kitô và trong Thánh Thần, con người được ơn làm nghĩa tử và chia sẻ sự sống thần linh. Tình yêu của Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người trong điều kiện lịch sử, nghĩa là con người đã sa ngã, bị thương tích. Vì thế con người cần được chữa lành, cần được tha thứ. Trên thực tế, tình yêu ấy đã thanh tẩy con người, ban khả năng cho nó đạt được sự tự do của con cái, vượt thắng tính ích kỷ, ngỏ hầu có thể dùng tự do để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu và ơn thánh đã để lại dấu vết sâu xa trong linh hồn, xét vì nó đã biến linh hồn thành đền thờ của ba Ngôi Thiên Chúa, khai mào cuộc kết hiệp với Chúa mà ngày kia sẽ được sung mãn trên trời. Con người sống trong ơn thánh, hoạ theo gương mẫu của Đức Kitô, sẽ trở nên người hơn, sẽ phát triển các tiềm năng của mình hơn nữa. Tiềm năng nói ở đây không phải là sức lực thể chất hay là trí khôn sắc sảo, nhưng là tiềm năng có thể vượt lên trên chính mình để kết hiệp với Đấng là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối.
Trên đây là những mục chính của môn “anthropologia theologica”. Dĩ nhiên, mỗi tác giả có thể khai triển và khía cạnh mà họ thích. Thí dụ các nhà tu đức học thì thích khai triển phần thứ ba (đời sống ơn thánh). Những ai muốn đối thoại với các khoa học nhân văn hiện đại thì chú trọng đến phần thứ nhất (thí dụ vấn đề tạo dựng và tiến hoá, vấn đề linh hồn và những dữ kiện của tâm lý học hiện đại). Thần học về thân xác và phái tính thì cũng đang phát triển. Sau cùng có tác giả muốn kéo dài ra thêm một phần thứ tư nữa, bao gồm những vấn đề cánh chung. Theo họ, thần học về con người không thể chỉ dừng lại ở nguồn gốc của con người và tình trạng hiện tại của con người, nhưng còn phải nói tới tương lai, tới định mạng của con người nữa. Chết rồi đi đâu? Tương lai của mỗi người, của nhân loại, của thế giới sẽ như thế nào?
Dù sao, thì như đã nói, môn “anthropologia theologica” còn mới mẻ, vì thế chưa có một hình thù rõ rệt. Tưởng cũng nên biết là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã bàn tới những vấn đề nói trên đây trong những nơi khác nhau. Ta thấy trong phần giải thích kinh Tin kính, sự tạo dựng con người trong các số 355-379, sau khi đã nói công trình tạo dựng và quan phòng nói chung: con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có xác có hồn, với hai giống nam nữ. Kế đó, các số 385-412 nói sự sa ngã của nguyên tổ, nhưng Thiên Chúa hứa sẽ ban ơn cứu chuộc. Còn phần luân lý, ta lại gặp thấy một chương về phẩm giá con người xét vì là hình ảnh của Thiên Chúa, ở các số 1701-1709, cũng như xét vì ơn gọi đến thông hiệp với Ngài qua các hành vi tự do, số 1716-1742. Ơn thánh thì được bàn tới trong các số 1987-2016. Như thế, ta thấy rằng các vấn đề con người, cách riêng về nhân phẩm, không phải là chân lý trừu tượng, nhưng kèm theo những hệ luận trong phần luân lý: một đàng con người cần phải cư xử cho xứng đáng với thiên chức của mình (tự do trách nhiệm), đàng khác phải tôn trọng phẩm giá của những người khác.
  1. PHẨM GIÁ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CON NGƯỜI
Có rất nhiều quan niệm khác nhau về phẩm giá của con người. Thần học công giáo cho rằng phẩm giá con người hệ tại ở việc nó được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng biết và mến Thiên Chúa, và nhất là được kêu gọi vào hưởng hạnh phúc bất diệt với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó là nói về phẩm giá con người dưới ánh sáng mạc khải. Nhưng liệu có thể dùng ngôn ngữ ấy để đối thoại với các tôn giáo khác, với các chủ nghĩa triết học và chính trị vô thần hay không? Dĩ nhiên đối với những người không nhìn nhận Thiên Chúa thì nói rằng “phẩm giá con người cao quý vì là hình ảnh Thiên Chúa, được gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Chúa” là điều vô nghĩa. Nhưng không phải vì thế mà không thể nói tới phẩm giá con người khi không đưa vào mạc khải Kitô giáo. Như công đồng Vaticano II ghi nhận, thời đại của chúng ta rất nhạy cảm tới vấn đề bảo vệ nhân phẩm, đặc biệt qua việc tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Giáo hội thấy rằng đây là con đường phải dùng để đối thoại với thế giới hiện đại: con đường của nhân quyền; việc tranh đấu cho nhân quyền là một khí cụ để bảo vệ nhân phẩm, vì nhân quyền biểu lộ những đòi hỏi chính đáng của con người muốn sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Trong Tuyên ngôn về “Tự Do Tín Ngưỡng”, số 2, Công đồng Vaticano II mô tả phẩm giá con người hệ tại chỗ nó có lý trí và ý chí tự do, có trách nhiệm bản thân. Nói cách khác, con người có khả năng điều khiển hành vi của mình theo sự hiểu biết, thâm tín của mình, chứ không thể bị lôi kéo bằng xiềng xích hay vũ lực. Hiến chế về Giáo hội trong thế giới hiện đại (Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, số 14-17) đã khai triển những ưu phẩm đó.
III. NHÂN QUYỀN
Cần phải ghi nhận rằng trải qua lịch sử chính trị tại Âu châu, đã có sự tiến triển trong ý thức về khái niệm và nội dung của “nhân quyền”.
  1. Về danh xưng
Trong nhiều bản tuyên ngôn trước đây, nó được gọi là “tự do căn bản” (droits fondamentaux), “quyền lợi của công dân” (droits du citoyen), “quyền lợi tự nhiên” (hay thiên nhiên: droits naturel). Với bản tuyên ngôn của Liên hiệp quốc năm 1948, tiếng “nhân quyền” trở thành phổ thông: nhân quyền là quyền lợi của con người, phát xuất từ bản tính con người, và là những yêu sách để sống xứng với con người. Thực vậy, nhân quyền nhằm giúp cho con người phát triển những đức tính, tài năng của mình, bảo vệ lương tâm và những đòi hỏi tinh thần và thể chất của mình. Những quyền lợi ấy phát sinh từ bản tính con người, chứ không phải là do luật pháp ban cấp, hay là đặc ân của nhà nước dành riêng cho một giai cấp ưu tuyển.
  1. Về thực tế
Tuy nhân quyền phát xuất từ bản tính con người chứ không phải do xã hội ban cấp, nhưng trên thực tế, vấn đề nhân quyền được đặt ra bởi vì con người sống trong xã hội. Thực vậy, một con người sống một thân một mình trên cung trăng sẽ không cần đòi hỏi hay tranh đấu cho nhân quyền làm gì hết. Sự tiến triển về ý thức và sự tranh đấu cho nhân quyền đã diễn ra trong lịch sử cận đại sau những cuộc xung đột giữa các công dân với các thể chế độc tài. Các công dân ý thức rằng mình cần được đối xử như là con người, chứ không thể bị đồng hoá như con vật hay như cái máy, như dụng cụ sản xuất. Tuy nhiên, cần phải chờ đợi thời gian để ý thức đó được chín muồi và được diễn tả thành từ ngữ (nhân quyền), cũng như được phát biểu thành bản tuyên ngôn đầy đủ về các quyền lợi căn bản, bất khả nhượng của con người.
Thực ra, những bản tuyên ngôn đầu tiên về những tự do căn bản xem ra mang tính chất không tưởng. Theo một số triết gia Pháp của thế kỷ 18, con người sinh ra vốn được tự do tuyệt đối. Vì nhu cầu sống còn, nên con người thấy cần quy tụ thành xã hội; tuy vậy, trong khế ước hợp xã, con người đã dành lại một số quyền tự do bất khả nhượng; hậu nhiên xã hội không được phép đụng tới các tự do ấy. Ngày nay, thuyết đó không những mang tính cách giả tạo (có bao giờ con người sống hoàn toàn ngoài xã hội đâu?), nhưng còn bị tố cáo là đã đưa tới chế độ tư sản bất công: người ta tranh đấu cho quyền tự do chiếm hữu, tự do sản xuất nhằm ngăn chận sự can thiệp của xã hội; nhưng trên thực tế chỉ có một thiểu số nắm được những quyền đó, còn đại đa số nhân dân chỉ có quyền tự do chết đói .- Đối lại, các chủ nghĩa xã hội chủ trương rằng quyền lợi của cá nhân phải hy sinh cho quyền lợi của tập thể. Tập thể sẽ lo liệu để cho hết các công dân được hưởng đồng đều những nhu cầu kinh tế căn bản: cơm bánh, nhà cửa, việc làm, y tế.
Thoạt tiên, xem ra hai qua điểm về nhân quyền như vậy hoàn toàn đối nghịch nhau: quan niệm của khối tư bản đề cao các quyền tự do cá nhân, nhưng bỏ qua các quyền kinh tế xã hội; còn khối xã hội thì muốn bảo vệ các quyền kinh tế xã hội nhưng phớt lờ các quyền tự do cá nhân. Trên thực tế, hai quan điểm ấy cần được bổ túc cho nhau. Thực vậy, không có tự do hay quyền lợi nào mang tính cách tuyệt đối cả: quyền lợi cần được đi đôi với nghĩa vụ; những quyền lợi cá nhân được đi kèm theo những quyền lợi kinh tế xã hội. Chúng ta có thể nhận thấy trong bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc (1948) sự phối hợp của hai chuỗi quyền lợi đó:
a/. Những quyền tự do cá nhân: sinh sống; an ninh bản thân; không bị làm tôi mọi; không bị hành hạ tra tấn; không bị giam cầm hay trừng phạt trái phép; tự do bảo vệ đời tư, tự do cư trú và đi lại; quyền có quốc tịch, quyền lập gia đình; quyền có tư sản; tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; tự do phát biểu ý kiến; tự do hội họp và lập hội; quyền tham dự chính quyền.
b./ Những quyền kinh tế xã hội và văn hóa: bảo hiểm xã hội, có công ăn việc làm, được trả lương tương xứng với công việc; lập nghiệp đoàn; nghỉ ngơi và giải trí; mức sống tương xứng (sức khỏe, nhà ở), bảo hiểm khi thất nghiệp già yếu bệnh tật; giáo dục, tham gia vào đời sống văn hoá.
Hai loại quyền lợi vừa nói có liên hệ mật thiết với nhau, chứ không thể tách rời nhau, hay loại trừ lẫn nhau. Trong những thập niên gần đây, học thuyết về nhân quyền tiến thêm một bước nữa. Tuy rằng, chủ thể của nhân quyền lúc nào cũng là con người trong xã hội; nhưng không nên hiểu con người như là những chủ thể đơn độc; bản tính hợp quần của con người đòi hỏi phải nhìn nhận cả những tổ hợp như là chủ thể quyền lợi nữa. Do đó mà người a nói tới quyền của gia đình, quyền của các sắc tộc, của các dân tộc (thí dụ quyền được phát triển kinh tế, quyền bảo vệ văn hoá cổ truyền, quyền được hưởng hoà bình).
Giáo hội Công giáo không những đã chăm chú theo dõi sự tiến triển của học thuyết về nhân quyền, nhưng còn tham gia vào việc tranh đấu cho nhân quyền nữa. Chúng tôi xin ghi nhận vài văn kiện chính: Sứ điệp gửi Tổng thư ký Liên hệp quốc nhân dip kỷ niệm 30 năm Tuyên ngôn Nhân quyền (2-12-1978: AAS, 71, 1979, 121-125); Diễn văn của Đức Gioan Phaolo II đọc tại trụ sở Liên hiệp quốc ngày 2-10-1979; Diễn văn đọc tại trụ sở UNESCO (Paris, 2-6-1980); đó là chưa kể đến những diễn văn đọc trong những cơ hội khác, đặc biệt là khi tiếp xúc với Ngoại Giao Đoàn cạnh Toà Thánh. (Cũng nên biết là Toà Thánh luôn gửi Quan sát viên tham dự các Uỷ ban về nhân quyền của Liên hiệp quốc). Ngoài ra, Uỷ ban Thần học Quốc tế cùng với Hội đồng Toà Thánh đặc trách Công lý Hoà bình đã xuất bản một văn kiện về phẩm giá và quyền lợi con người (6-10-1984).
 Nói chung, chúng ta nhận thấy Toà Thánh đã ủng hộ bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc, và cố gắng kiện toàn với những đóng góp sau đây:
a/. Giáo hội muốn đặt một nền tảng triết học và thần học cho nhân quyền: chúng dựa trên phẩm giá con người. Hơn thế nữa, phẩm giá con người cao quý không những vì những tài năng tinh thần (lý trí suy nghĩ và ý chí tự do), nhưng còn vì định mạng siêu việt. Hạnh phúc con người vượt lên trên biên cương xã hội, vì con người được kêu gọi vào kết hợp với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Giáo hội tranh đấu cho quyền tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng. Ở đâu mà quyền này không được nhìn nhận, thì phẩm giá con người bị vi phạm trầm trọng, xét vì như vậy thì con người đã bị chặt mất chiều hướng siêu việt: nó chỉ còn là một sinh vật như cây cỏ, sống ngày nào hay ngày đó, chứ không còn vươn lên trên thế giới hữu hình. Tuy nhiên, nên biết rằng trong hệ cấp các giá trị, Giáo hội đặt quyền lợi căn bản nhất của con người là quyền được sống; do đó mà Giáo hội kêu gọi bảo vệ mạng sống con người từ khi thụ thai cho đến khi lìa đời (chống lại sự phá thai lẫn sự chết êm dịu).
b./ Sự thi hành quyền lợi kèm theo bổn phận. Nếu con người đòi hỏi nhân quyền vì là chúng gắn liền với phẩm giá con người, thì con người cũng phải hành xử những quyền lợi đó phù hợp với phẩm giá của mình, nghĩa là có trách nhiệm. Việc hành xử nhân quyền cần được lồng trong bối cảnh luân lý.
c./ Một cách tương tự, nếu chủ thể quyền lợi không những là những cá nhân mà còn là những đoàn thể, thì không những là các cá nhân mà cả các đoàn thể cũng phải ý thức rằng về những nghĩa vụ tương ứng, thí dụ nghĩa vụ của những nước giàu đối với những nước nghèo; nghĩa vụ của thế hệ này đối với thế hệ kế tiếp (thí dụ trong vấn đề bảo vệ môi sinh, san sẻ các tài nguyên nhiên liệu).
———–
Chú thích thêm:
Phải hiểu thế nào về “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người? Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Con người là hình ảnh Thiên Chúa, bởi vì:
– Có khả năng nhận biết Thiên Chúa (số 36); được gọi nhận biết và mến yêu Thiên Chúa (31; 356; 2002); được mời gọi vào mối tương giao với Thiên Chúa (299; 2563; 2566).
– Mang theo những sự toàn hảo của Thiên Chúa 941; 1978); có khả năng ý thức về chính mình làm chủ mình (357; 1934); có khả năng thương yêu (1604; 2331); được thông dự vào tác động tạo dựng nhờ lao động (2427; 2501); cai quản vũ trụ (373); vì thế cần phải cư xử giống như Thiên Chúa (2784). Cũng nên biết là con người được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa không phải chỉ nhờ có tinh thần (hay linh hồn, 363), nhưng thân xác cũng được tham dự vào đặc tính hình ảnh nữa (362, 364).
Tưởng cũng cần thêm rằng con người không phải chỉ là hình ảnh Thiên Chúa trong lãnh vực tự nhiên. Sách Giáo lý cũng còn nói tới hình ảnh Thiên Chúa trên bình diện siêu nhiên nữa; hình ảnh của sự thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (2205; 2713). Mẫu gương của hình ảnh Thiên Chúa là chính Đức Kitô (299), và do đó Đức Kitô trở thành khuôn mẫu cho con người hoạ theo (381; 518; 705; 1109; 1701; 1877).
Dù thế nào đi nữa, vì là hình ảnh Thiên Chúa nên con người cần được tôn trọng, đây là phẩm giá cần được nhìn nhận cho hết mọi người (225, 1783), dù là nam hay nữ (369; 2335).
Hành trang theo Chúa trong ơn gọi tu Dòng

HÀNH TRANG  THEO CHÚA TRONG ƠN GỌI TU DÒNG

 Anthony Padua Dương Văn Hạnh
     Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, ai ai cũng có ước mơ, lí tưởng riêng cho mình. Có những con đường để bạn bước đi; có những lối rẽ cuộc đời bạn mà khi bước qua nó, bạn phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt, và cả máu nữa. Quyết tâm dẫn thân trong đời sông tu trì, theo Đức Ki tô ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân cũng là ơn gọi đặc biệt và quý giá biết bao khi những ai chọn, bước đi trong bậc sống này.
Đi tu là từ bỏ tất cả, là để lại sau lưng cái tôi cá nhân của mình, là gieo vào tâm hồn tình yêu thương tha nhân, yêu thương đồng loại, và lòng quảng đại để phục vụ người khác. Hành trình đó  không phải ngày một ngày đôi, mà là suốt cả cuộc đời. Bạn và tôi phải đổi thay từng ngày, phải chiến đấu từng giờ từng phút, phải hoàn thiện bản thân để nên giống Đức Ki tô. Sống vì một tình yêu lý tưởng, đó là sẵn sàng cho đi, cho đi mà không đòi lại như Chúa đã từng yêu vậy. “Không có tình yêu nào cáo quý cho bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.
Đi tu theo Chúa (dù là tu Triều hay tu Dòng) không phải là bước đi trên đường được trải thảm, được rải đầy hoa thơm. Nhưng là bước đi trên đường gồ ghề, đường chông gai, thử thách và gian khổ.
Hành trang đi tu cũng không phải chỉ lo trau dồi kiến thức , chỉ lo chu toàn bổn phận hằng ngày. Ông Bryan Di-on, Tống giám đốc tập đoàn Coca-Cola, trong một buổi diễn thuyết vào đầu năm học  đã nói với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp và tương quan khác với của con người: “Cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có 5 quả bóng lớn mang tên: Công việc, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần. Công việc là một quả bóng cao su, khi bạn làm rơi xuống đất, nó sẽ nẩy lên lại. Nhưng còn 4 quả bóng kia là những quản bóng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi, chúng sẽ bị trầy xước, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng, hoặc thậm chí bị vỡ  mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn hãy hiểu điều đó để cố gắng phấn đấu giữ sự quân bình của bạn”. Quả thật, khi liên hệ nó vào trong đời sống tu trì, tôi lại cảm nhận được tầm quan trọng của nó, đặc biệt là “sức khỏe, bạn bè và tinh thần”.
Đi tu là để phục vụ người khác chứ không phải để người khác phục vụ mình. Nhưng để phục vụ người khác, trước hết bản thân mình cần có tinh thần thoái mái, có sức khỏe dồi dào. Bạn có  nghĩ vậy không? Ví dụ, một người anh em của mình lo học hành để thi vào Học viện Đa Minh, ngày đêm miệt mài đèn sách, ít ngủ, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, trầm tư, rồi sinh ra bệnh tật. Vậy, liệu hành trình đó sẽ bước tiếp hay dừng lại khi một ngày không xa ngã bệnh???
Đời sống cộng đoàn trong Dòng tu là đời sống anh em, huynh đệ; bạn bè khắp nơi về cùng sống với nhau dưới một mái nhà, cần gắn kết yêu thương nhau, chia sẻ và tha thứ cho nhau từ trong việc nhỏ với một tinh thần thoái mái, tất cả vì Đức Ki-tô, như vậy “quả bóng thủy tinh” ấy sẽ không đến mức bị vỡ, bị rạn nứt, nhưng luôn gắn chặt làm một , và quả bóng ấy sẽ sinh ích cho nhiều người.
Tôi rất lấy làm vui mừng và hạnh phúc vì đang được sống trong ngôi nhà thân thương của đại gia đình SVD. Cùng với tất cả anh em cùng trang lứa hay là những bậc đàn anh, những su huynh từ khắp mọi miền tổ quốc-những người cùng chung chí hướng, cùng một lý tưởng: là được ra đi làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Mỗi ngày sống là mỗi ngày được kết hợp với Chúa bằng lời kinh, tiếng hát, Thánh Thể…Từng giờ phút rảnh rối là những lúc nhìn lại chính mình, được đào tạo nhân bản, sinh hoạt giờ giấc, rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe qua những giờ thể thao (…).
Nguyện ánh sáng Thiên Chúa  sẽ luôn chiếu tỏa và nâng đỡ các bạn và tôi trên con đường Đức tin này.
Ant. P Dương Văn Hạnh
Thinh lặng hay lên tiếng

THINH LẶNG hay LÊN TIẾNG


Anthony Padua Dương Văn Hạnh

Chúng ta đang sống giữa một xã hội của nền văn minh, khoa học kỹ thuật-công nghệ phát triển; cùng với đó thì tục hóa đang đi sâu, len lỏi vào từng người, từng môi trường sống, từng giai cấp khác nhau. Từ thành thị đến nông thôn, từ học đường về gia đình, từ xã hội vào đời tu, từ giàu đến nghèo… Dường như chủ nghĩa cá nhân, tự do và hưởng thụ đang được đề cao; và đồng thời đồng tiền “đi liền khúc ruột”, mở mắt ra là thấy tiền, bất cứ cái gì cũng có thể quy thành tiền. Chính vì thế lời nói không còn trọng lượng nếu không có “dola” đi cùng. Trong một viễn cảnh như vậy, chúng ta nên lên tiếng hay im lặng?
Thiết nghĩ, con người đều có quyền tự do ngôn luận, chúng ta có thể nói lên chính kiến của mình khi thấy hay đối diện với những điều không hay, không phù hợp.
Xét về mặt xã hội, ngày nay mọi tệ nạn đang lan tràn khắp nơi, nó đang đi sâu vào mọi giai cấp, mọi thế hệ. Nào là: cờ bạc, rượu chè, ma túy, buôn bán người (nhất là phụ nữ và trẻ em), mại dâm..vv.. Bạn có thể làm thinh hay lên tiếng? Giữa một chế độ mà sự ngược đãi, bạo hành trẻ em như báo chí từng đưa tin; hay một xã hội mà công lý hòa bình đang bị bóp nghẹt nhiều, thậm chí hàng loạt vụ án dân oan diễn ra mà theo báo cáo hằng năm lên Quốc hội của Bộ Công an thì “không có oan sai, nghiêm minh, đúng luật”… Hay những vụ đất đai tôn giáo bị chiếm đoạt cho những dự án kinh tế, khách sạn…như Tam Tòa (Quảng Bình), Thái Hà (Hà Nội), Con Kuông (Nghệ An)… Trước một xã hội như thế, nếu bạn hay tôi lên tiếng bảo vệ, kêu oan hay làm chứng thì có thể bị bách hại, bị đánh đập, bắt giam và thậm chí có thể mất mạng. Dường như chỉ còn giải pháp nín lặng, làm thinh cho “trong ấm ngoài êm”,cho “an toàn là bạn” thì tốt nhất. Tôi thiết nghĩ, nếu tôi im lặng thì tôi như đang dửng dưng và vô cảm trước não trạng, thực tại ấy của xã hội.
Xét về mặt tôn giáo nói chung, và niềm tin Kitô giáo nói riêng thì ta nói hay làm thinh, điều đó chỉ để làm đẹp lòng Chúa, vì tình yêu Chúa và vì vinh quang của Người. Tất cả mọi sinh hoạt của người Tu sĩ hay Giáo dân đều quy hướng về Thiên Chúa. Nếu không được như thế, thì luôn luôn có nguy cơ lạc lối và quy hướng về tội lỗi nhất là khi có liên quan đến lời nói. Hầu như mọi người không đặt thành vấn đề như thế. Họ nói hay làm thinh tùy thích. Dường như bây giờ họ mở miệng ra là “để chẳng nói gì hết, để khoe khoang, để nịnh hót hoặc quyến rũ, để phê bình, nói xấu và gièm pha… cả ngàn kiểu cách xấu xa mà ta không dám nhìn thẳng”. Người ta thường nói: “Lòng đầy thì miệng mới nói ra”. Tôi tự nhủ rằng: khi tôi nói hoặc tôi làm thinh, có phải thật sự vì Chúa không? Hay đúng hơn là vì khoe khoang, kiêu ngạo hay cả nể? Có lẽ rằng, tôi cần phải tự đối mặt với Chúa trước dung nhan Ngài mỗi ngày; và luôn phải ý thức rằng Chúa Thánh Thần luôn hiện diện nơi bạn và tôi. Chính Người là Đấng sẽ soi sáng, hướng dẫn, chỉ bảo chúng ta cần nói khi nào và nói như thế nào.
Sự thinh lặng mang lại hoa trái gì cho ta? Làm thinh, nín lặng không phải là câm như hến mà là biết làm thinh và biết nói đúng lúc. Đó là điều kiện duy nhất để có được sự bình an đích thực và ta có thể chia sẻ sự an bình đó cho nhiều người khác. Trái lại, những người lắm lời thường gây khó chịu cho người khác, là nguyên nhân của rắc rối và chia rẽ. Con người ít nói thì cho dù ở đâu đi nữa cũng luôn gieo sự an bình chung quanh mình. Dù cho ta sống trong tu viện hay giữa thế gian thị sự thinh lặng thật đáng quý biết bao! Thinh lặng giúp tôi dễ dàng nghe tiếng Chúa thôi thúc trong lòng nhiều hơn, qua đó tôi có thể tạo cho mình được đời sống nội tâm sâu sắc, tránh những xô bồ của thế gian và kết hợp sâu hơn, gần gũi, thân mật với Chúa hơn.
Thiết tưởng “thinh lặng đích thực” là thinh lặng từ trong nội tâm của lòng mình. Còn sự thinh lặng nơi miệng lưỡi thì chẳng có ích lợi gì; nó chỉ mang tính giả tạo, phi lý nếu trong lòng cứ lải nhải và không ngừng nói xấu tha nhân.
“Lên tiếng” thì sao? Một khi ta nói thì phải nói những lời hay, đẹp, lời bác ái, vị tha, yêu mến, mang lại hữu ích cho người khác…Lời nói khi thốt lên mà tránh được những ích kỉ, nói xấu, gièm pha, lộng ngôn…thì đích thực đó là một sự thinh lặng đích thực, là lúc ta “lên tiếng” chứ không còn “thinh lặng” nữa. Còn một khi ta lên tiếng để mỉa mai, chỉ trích, đổi trắng thay đen, mưu cầu lợi ích cá nhân hay là để gièm pha thì quả thật, sự thinh lặng bên ngoài bây giờ thật cần thiết. Vì như thế thì thà đừng nói thì hơn, để cho sự thinh lặng đích thực như đã nói ở trên được thăng hoa.
Như vậy, thinh lặng hay lên tiếng dường như trở thành một phạm trù triết học. Nó mang tính tương đối chứ không tuyệt đối nữa. Nên nói lúc nào và khi nào cũng chỉ là tương đối. Lúc thinh lặng là lúc ta lên tiếng; có lúc lên tiếng là lúc ta đang thinh lặng thật sự. Vì nói lời hay, tốt đẹp là lúc ta đang thinh lặng tuyệt vời; không nói gì mà câm như hến chưa chắc đã thinh lặng thật sự mà chỉ mang tính giả tạo nếu trong lòng luôn nói xấu tha nhân. Thinh lặng tuyệt đối thì không hẳn là không nói. Lúc nói xấu, gièm pha thì sự thinh lặng bên ngoài lại cần thiết biết bao. Nói tóm lại, thinh lặng hay lên tiếng dường như cần phải được phân biệt rõ ràng và cần được đi sâu vào tiềm thức của bạn và tôi; đặt mình trước hoàn cảnh, nâng cao đời sống nội tâm, đồng thời để Chúa Thánh Thần hoạt động giúp ta biết nói lúc nào và như thế nào. Cần phải hiểu  “thinh lặng” chứ không phải là “nín lặng”.
Mặt khác, lên tiếng không đồng nghĩa là chỉ bằng lời nói nhưng có lúc ta làm thinh lại là lúc ta lên tiếng bằng những hành động cụ thể. Hành động đó sẽ diễn tả ra bên ngoài là một sự đồng tình, hưởng ứng hay là phản bác. Thí dụ: Người cha sai con đi ra đồng làm việc, người con chẳng nói gì mà tự đi tìm cuốc, xẻng để đi làm; hành động đó cho thấy sự đồng ý, vâng lời của người con. Còn ngược lại, nếu người con ấy bỏ đi chơi với bạn bè, chơi game, đá banh…thì hành động đó nói lên sự bất mãn, không đồng tình theo ý của người cha đã truyền. Như vậy, nhiều lúc chúng ta “lên tiếng” cũng không nhiết thiết dùng “lời” nhưng là dùng “hành động” diễn tả.
Tóm lại, thinh lặng hay lên tiếng nằm ở ý thức và quyết định của mỗi người. Chúng ta cần phân biệt và xét xem nên lên tiếng lúc nào và như thế nào hoặc lúc nào nên làm thinh. Lúc ta “lên tiếng” cũng chính là lúc ta “thinh lặng” tuyệt đối nếu lời ta đưa đến việc hữu ích và mưu cầu hạnh phúc, hòa bình cho người khác cũng như cho chính mình. Lúc thinh lặng cũng chính là lúc ta lên tiếng. Và không chỉ có lên tiếng bằng lời nói nhưng còn dùng chính hành động không cần “lời”  để lên tiếng thể hiện ý kiến của mình.
Trong đời tu, sự thinh lặng bên ngoài cũng như sự thinh lặng nội tâm là điều thiết yếu và quan trọng. Qua đó người Tu sĩ dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa, sẵn sàng đón nhận mọi nghịch cảnh và thử thách xảy đến cho người đó trong cuộc đời. Bạn hãy để Chúa Thánh Thần hoạt động, hướng dẫn bạn trong mọi hoàn cảnh và hãy học thinh lặng-lên tiếng đúng lúc, đúng nơi trong đời sống chúng ta dưới sự tác động của Thần Khí Chúa.
( DaLat, May 2015)


Ngôn ngữ của tình yêu

NGÔN NGỮ TÌNH YÊU

Anthony Padua Dương Văn Hạnh

Có lẽ bạn cũng như tôi đã từng một lần trong đời cảm nhận được thế nào là tình yêu. Khi yêu ai, ta không chỉ thích được gần họ mà còn thích chia sẻ, tâm sự với họ. Niềm hạnh phúc của những người yêu nhau là được nói cho nhau nghe, và được nghe nhau nói. Nhưng ngôn ngữ của tình yêu thì lạ kỳ và thường không giới hạn theo một văn phạm hay cấu trúc nào cả. Tình yêu là gì?
Thiết nghĩ, “ tình yêu là sự đồng cảm giữa hai người khác giới, ở đó có sự cảm thông, chia sẻ, đồng cảm và tha thứ; đặc biệt là dâng hiến cho nhau suốt cả cuộc đời”[1]. Có thể có nhiều dạng tình yêu khác nhau: Tình yêu trai gái; tình yêu giữa những người cùng giới; tình yêu giữa loài người với loài vật hay tình yêu giữa con người với Thiên Chúa (Đấng Tạo Hóa)… Khi yêu nhau, có thể người ta không nói gì; nhưng một khi đã yêu, người ta cho nhau tất cả; có thể nói rất ít nhưng hiểu nhau thật nhiều. Một khi đã yêu nhau, người ta dễ dàng nghe nhau và nói với nhau cũng thật dễ dàng, bởi tất cả đều có thể biến thành ngôn ngữ của tình yêu. Dù là một nụ cười, một ánh mắt trìu mến, một dòng chữ, trang thư hay là những cái nguýt hờn dỗi “trẻ con”, hay cái thẹn thùng e lệ, hay cái yên lặng nhiệm mầu…Tất cả đều biểu lộ được tình yêu.
Ở đây, tôi xin đề cập đến một khía cạnh của tình yêu đặc biệt hơn, đó là tình yêu giữa con người với Thiên Chúa. Đó là một tình yêu mà bạn và tôi dành cho Chúa, trong tương quan với một Đấng vô hình nhưng thật sự hữu hình. Ngài luôn dõi theo, đồng hành với chúng ta trong cuộc sống mà thực sự chỉ bằng con mắt đức tin thì ta mới cảm nhận được. Trong đời sống thường nhật nơi môi trường Tập viện, tôi dường như được chìm ngập trong tình yêu, và có thể biểu lộ được tình yêu giữa tôi với Chúa mọi nơi, mọi lúc. Tôi ở đây[2], không cần email, điện thoại, thư từ..vv.. Tôi ở đây, dẫu cho lúc tôi quỳ hay ngồi; lúc làm thinh hay nói đôi lời; lúc chỉ biết ngắm nhìn Ngài, lặng thinh chẳng nói được nên lời-“con nhìn Chúa, Chúa nhìn con, tuy đôi bên không nói, nhưng đã hiểu nhau thật nhiều[3]”. Tôi cảm nhận rất rõ, Chúa vẫn dõi bước chân tôi, vẫn nhìn tôi bằng cái nhìn đầy yêu thương, trìu mến dù cho tôi yếu đuối-bất toàn. Tình yêu Chúa dành cho tôi, hay tình yêu tôi thể hiện với Chúa như một thứ ngôn ngữ không thể nói nên lời; để từ đó Ngài ban thêm sức mạnh cho tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi ưu sầu, phiền muộn để được bình an trong Ngài. Tôi cảm thấy, thật nhiệm mầu biết bao!
Như vậy, từng lời kinh phụng vụ; những giờ nguyện gẫm, hay những tiếng hát ngợi ca; những lúc ghé vào Nguyện Đường cúi đầu nhìn Chúa một giây qua nhà Tạm; những cái bắt tay với người anh em, chị em quanh mình; những nụ cười thân ái cho tha nhân, những cái ôm nồng hậu..vv.. phần nào bạn có thể làm ngôn ngữ để thưa chuyện, để gần gũi với Chúa được chăng? Vâng, có thể. Chỉ cần bạn đặt vào mọi hành động đó một tình yêu, sự hiệp thông, thinh lặng, hướng lòng về với Ngài, bỏ lại “sau lưng” mọi lo âu, phiền muộn, tính toán, so đo…Chỉ cần bạn mở cửa trái tim, chỉ cần bạn “chìm sâu trong Ngài”. Tất cả đều có thể được, vì đó là những ngôn ngữ của tình yêu. Thứ ngôn ngữ mà bất cứ ai, bạn hay tôi có thể biến nó thành khí cụ để trở nên thân mật với Chúa.

[1] Định nghĩa, sách Giáo Dục Công Dân, lớp 12, chương trình cải cách mới của NXB Giáo Dục
[2] Dù ở môi trường trường Giáo xứ hay Dòng tu; lúc Thánh Lễ, giờ Kinh, giờ chầu Thánh Thể hay những giờ suy gẫm, chia sẻ Lời Chúa..vv..
[3] Một câu của bài hát “Con hiểu Chúa, Chúa hiểu con”, Thánh Ca Chầu Thánh Thể (Lưu hành nội bộ)



Tâm tình gửi Mẹ

TÂM TÌNH GỬI MẸ

Tác giả: Anthony Dương Văn Hạnh

“Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc.
Mẹ ru con yêu con tha thiết.
Mong cho con luôn luôn ngoan hiền giấc no say.
Vì đàn con thơ ngây bao yêu dấu.
Đã hy sinh cho con bao nhiêu tuổi đời.
Mẹ đã bên con Mẹ đã cho con lớn lên”…
Lời bài hát “Mẹ yêu” của nhạc sĩ Phương Uyên còn vang vọng trong con về hình ảnh người mẹ tuyệt vời đã “mang nặng đẻ đau” để con có mặt trên cuộc đời này.
Lúc hình thành trong bào thai cho đến lúc cất tiếng khóc chào đời, đứa con thơ của mẹ là thành quả của tình yêu cha mẹ dành cho nhau, là hoa trái của Chúa Thánh Thần, là kết của của công trình tạo dựng mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi mẹ-tiếng gọi linh thiêng ấy vẫn in tận sâu thẳm nơi con tim của mỗi người con. Nói thế, không phải là tôi phủ nhận công ơn của cha, nhưng trong phạm vi bài viết này tôi xin đề cập đến danh từ “mẹ” như một lời tri ân, cảm ơn sâu sắc gợi bao tâm tình trong tôi lúc này.
Đã bao giờ con tự hỏi mình: Con từ đâu mà đến? Con đến trên thế gian này để làm gì? Và  chết rồi sẽ đi về đâu?
Xét theo niềm tin Ki tô giáo, con sinh ra do bởi Thiên Chúa; con đến trên thế gian này để làm chứng cho tình yêu và sự thật, để làm vinh danh Chúa; và chết rồi con sẽ về với Ngài.
Còn theo nhãn quan người đời, con phải xác tín một điều rằng: Mẹ là người đã đau đớn sinh con ra, từng dòng sữa mẹ cho con bú mớm và nuôi con khôn lớn nên người. Tiếng gọi ấy cứ xoáy vào tâm trí con mãi không nguôi.
Mẹ là danh từ vẫn được dùng để chỉ về người phụ nữ đã cưu mang và sinh ra những đứa con trong gia đình. Đề tài về “mẹ” cũng là nguồn cảm hứng để bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đánh động lòng người. Đó là danh từ chung, và chắc ai ai cũng sẽ có những tâm tư, tình cảm dành riêng cho mẹ. Thế còn mẹ, mẹ của con?...
Mẹ! Mẹ là người hy sinh, âm thầm vì con. Còn nhớ như in lời mẹ kể, ngày con được sinh ra cũng là trong những ngày tiết đông lạnh giá tháng giêng hai. Cái đói, cái rét của những tháng ngày này nơi miền sơn cước đã là một cực hình cho những người bình thường, chứ chưa nói đến những người sinh đẻ, bệnh tật… Mẹ đã phải trải qua tháng ngày ấy vì con. Cơm không đủ cho cả nhà 7 thành viên, một chén cháo “húp” vội để qua cơn đói; khí trời giá buốt, than hồng chẳng đủ để sưởi ấm cho mẹ, mà mẹ cũng cố để con không bị khí độc của thời tiết  khiến con gặp nguy hiểm. Mới mười lăm ngày trong than hồng, mẹ cũng phải “cố” dậy để ra ngoài kiếm tiền mua gạo cho cả nhà ăn vv. Thế mà mẹ vẫn kiên cường cho đến giờ phút con trưởng thành, mẹ vẫn chưa hết lo lắng và an tâm về con của mẹ. Hỏi sao mẹ còn trẻ mà sức khỏe đã cạn? Con đã lấy đi hết sức của mẹ vì bao công việc nặng gánh  trên vai rồi…
Mẹ! Mẹ là người tin tưởng và luôn dành mọi phần tốt cho con. Để con có được cái chữ cho bằng bạn bè, mẹ đã vật vã ngược xuôi; thức khuya dậy sớm dù giá rét hay ngày hè để kiếm tiền cho con ăn học. Mẹ đã tin con mẹ có thể học hành được, nên dù vất vả, mẹ cũng hết lòng vì con. Những lúc mẹ lẻn giấu cha để mua cho con cái áo “second hand” về mặc cho con vui; mẹ lẻn gửi tiền cho con để con chi tiêu vì sợ con đói khổ khi xa nhà; mỗi khi con về thăm, mẹ đều cố dành giụm cho con để con có tiền đi học; mỗi khi con ốm, mẹ chạy ngược xuôi để mua thuốc cho con.  Ôi! Mẹ, người mà con cả đời không báo đáp hết công ơn tựa biển trời. “Công cha như núi Thái Sơn-Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” (ca dao Việt Nam). Thật không phải ngẫu nhiên mà người ta viết nên thành ca dao lưu danh thế hệ như vậy. Con hiểu và cảm thấu dù so sánh tựa biển, trời hay núi non cũng không phủ hết tình yêu mẹ dành cho con.
Mẹ! Mẹ vẫn không ngớt lo lắng về con dù con đã ngoài 30. Lúc con mới bị cảm chút thôi, mẹ đã “nóng ruột nóng gan” vì lo cho con không người chăm sóc;  lúc con gặp chuyện chẳng lành, mẹ gọi điện thăm hỏi liên hồi; hay con chưa học hành đến nơi đến chốn, mẹ vẫn “chạy vạy” nguyện cầu, xin ơn để con thành sự như ý tiền định[…].
Giờ đây, mỗi khi nhìn trán mẹ đầy nếp nhăn, mái tóc bạc dần, sức khỏe yếu đi, bệnh tật triền miên mà lòng con nặng trĩu ưu tư. Con chưa làm được gì cho mẹ, cũng chưa cho mẹ niềm vui của sự thành đạt sau bao khó nhọc mẹ dày công vun trồng. Đó là nỗi khắc khoải không chỉ nơi tim mẹ, mà tận trái tim con vẫn còn đong đầy.
Mẹ! tình “mẫu tử” khắc tận thẳm sâu. Đến bao giờ con mới cho mẹ được niềm vui của một người mẹ- khi thấy con mình trưởng thành, khi thấy con mình thành đạt và có bến bờ bình an… Dù con có phương xa không gần bên mẹ, thì tim con vẫn luôn chứa chất mẹ không phút giây quên. Con chỉ biết nguyện cầu ơn trên, đổ muôn thánh phúc để mẹ sức khỏe, bình an, sống mãi với đoàn con cháu của mẹ.
Có lẽ con đã sai lỗi quá nhiều, có lẽ chính con khiến trái tim mẹ tan nát, khiến nước mắt mẹ chan vào từng bát cơm mỗi khi mẹ “gượng nuốt” để sống qua ngày. Con xin lỗi mẹ!
Nguyện xin Thiên Chúa tình yêu
Đổ muôn ơn thánh, thương yêu mẹ nhiều
Phó thác tin tưởng sớm chiều
Con xin dâng Chúa mẹ yêu đời đời.






Chỉ cần hiện diện thôi

CHỈ CẦN HIỆN DIỆN THÔI… 

“Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay” (Mc 9,5)

Anthony Padua Dương Văn Hạnh

Đó là câu nói thốt lên từ miệng Thánh Phêrô khi Chúa Giêsu tỏ mình cho Phêrô, Gioan thấy dung nhan sáng láng của Ngài. Câu nói đã gợi lên trong tôi một ý niệm về sự hiện diện, sự hiện hữu bên Chúa và bên nhau.
Trong thế giới ngày nay, sự náo động của đường phố; sự ồn ào của xe cộ, của các xí nghiệp nhà máy; của điện thoại; Internet…đang làm mất đi sự thinh lặng cần thiết cho chúng ta. Thậm chí, ngay cả khi ngủ, chúng ta cũng cần phải có chiếc đồng hồ báo thức; điều đó làm cho sự yên ả, tĩnh lặng của buổi bình minh tan biến. Chúng ta cần một khoảng thời gian,và không gian tĩnh lặng dành riêng cho mình mà ở đó ta có thể gặp gỡ, hiện diện trước một người nào,  hay chỉ để nhìn lại bản thân mình dù chỉ một giây phút thôi.
Như vậy, hiện diện là gì? Tôi nghĩ, hiện diện là sự hiện hữu, có mặt của một người trước một ai đó, một cuộc gặp nào đó, một buổi họp nào đó…nhằm trao đổi, đối thoại, thể hiện tình cảm, tình yêu ..vv.. Một định nghĩa khác thì nói: “hiện diện là chung hiệp, là xuất ra khỏi mình để đến với người kia, là một cuộc Vượt Qua; hai cái  tôi  nhập thánh một chúng ta, vừa trao cho nhau, vừa nhận của nhau”[1].
Hiện diện với Thiên Chúa là khoét một kẽ hở trong bức thành kiên cố là cái tôi của bạn, để từ đó nhìn lên Thiên Chúa. Nói Thiên Chúa nhìn bạn đồng nghĩa với Thiên Chúa yêu bạn[2]. Hiện diện trước Thiên Chúa là hiện hữu trước nhan Ngài, với Ngài và trong Ngài. Thiên Chúa không có phía trong, phía ngoài. Ngài là một hữu thể luôn luôn hoạt động, nhưng vì chúng ta là con người nên phải xét nhiều góc cạnh cho dễ thấy[3].
Với tôi, khi được ở bên Chúa, được hiện diện trước Thánh Thể Chúa mỗi ngày, đặc biệt là những giây phút lặng thầm bên Chúa làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc biết bao!
Thiết nghĩ, tại sao lúc các Tu sĩ tuyên khấn, hay lúc các ứng viên tiến chức Linh mục được xướng tên lên mà chỉ cần đáp lại hai tiếng “có mặt” thôi? Bởi vì sự bất toàn, bất xứng của thân phận con người. Thế nhưng chỉ cần thưa: “Có mặt” thôi là đủ; chính sự hiện diện trước mặt Chúa là một sức mạnh tuyệt vời rồi. Thưa Thầy “ chúng con ở đây thật là hay”.
Sự hiện diện có tầm quan trọng lắm. Tại sao những đôi yêu nhau, mỗi ngày họ phải gặp nhau ít nhất được một lần, phải được nhìn mặt nhau, nói chuyện được với nhau, hay thậm chí là chỉ cười với nhau thôi…bởi vì họ yêu nhau. Điều đó cho thấy sức mạnh của sự hiện diện. Nếu họ xa nhau một phút là họ tìm cách chát với nhau, nhắn tin, email, điện thoại, face book..vv.. Phải chẳng điều đó giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhung?...
Tình yêu với Chúa cũng vậy, chỉ cần hiện diện trước Ngài là đủ rồi. Dù đôi lúc bên nhau, chẳng nói được một lời nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc vì được thấy nhau, được vơi đi nỗi nhớ nhung. Quả thật, khi ta yêu Chúa và Chúa cũng yêu ta hết lòng, thì Ngài thật sự rất nhớ ta và muốn ta hiện diện bên Ngài để nỗi nhớ ấy được vơi đi. Vâng, điều đó thật dễ hiểu khi ta đặt vào một tình yêu.
Làm cách nào để có thể hiện diện với Chúa? Chúng ta hãy cầu nguyện- cầu nguyện là mối dây liên kết ta với Ngài. “Muốn đàm thoại với Thiên Chúa thì phải biết Ngài có đó. Khi trong sâu thằm của lòng bạn, bạn nhìn ngắm Thiên Chúa, bạn đã tới một khu vực khác trong lãnh địa cầu nguyện rồi[4]”. Có nhiều cách để chúng ta được hiện diện với Ngài trong cầu nguyện:
Trước nhất, chúng ta cầu nguyện như tâm tình của Phêrô: “ Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay”(Mc 9,5a). Dù không nói gì, nhưng sức mạnh của sự hiện diện thật lớn lao. Phêrô đã ngất ngây bên Chúa, chỉ muốn được ở bên Ngài thôi. Ông thốt lên: “Lạy Thầy, chúng con xin dựng ba cái lều; một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia” (Mc 9,5b ). Cầu nguyện chính là lúc chúng  ta đang tương quan thân mật với Chúa. “Trong tâm tư sâu lắng, con nhìn Chúa, Chúa nhìn con. Tuy đôi bên chưa nói, nhưng đã hiểu nhau thật nhiều”. Với một niềm xác tín thì dù trong mọi hoàn cảnh, “con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ” (Tv 15,8). Hãy mặc lấy tâm tình mà đến bên Chúa, hiện diện với Ngài, không vì thói quen-hình thức nhưng vì lòng quyết tâm và tình yêu: “Tất cả tâm tình con cùng Ngài gắn bó. Giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì (Tv 62,9)”. Như thế thì sự hiện diện của ta mới thật đáng quý biết bao!
Thứ hai, chúng ta cầu nguyện trước sự hiện diện của Thánh Thể Chúa, chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu trong Bí tích nhiệm mầu: Thánh Linh mục Gioan Vianey đã thường dành 2 giờ mỗi ngày để chầu Chúa; Ngài chẳng nói gì, chỉ nhìn Chúa và Chúa nhìn Ngài thôi. Điều đó cũng đủ rồi, Chúa thấu suốt mọi điều ta nghĩ, ta xin.
Ngoài ra, chúng ta có thể hiện diện trong sự thinh lặng với Chúa. Đôi khi ta gặp nhau, nhìn mặt nhau mà chẳng biết nói gì; trái lại có lúc lại chẳng đủ giờ để nói cho hết chuyện với nhau. Tuy nhiên, không biết nói gì với Chúa lại là một hồng ân. Thiên Chúa thích sự thinh lặng. Chính trong sự thinh lặng, chúng ta có thể khám phá ra Ngài nói gì với ta, và ta cần phải nói gì. Thiên Chúa không chỉ nghe rồi bỏ đó, nhưng Ngài vẫn đáp lời và tiếp tục trò chuyện với ta. “Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con” (Tv 16,6). Ngài không bỏ rơi nhưng “Chúa xét lòng con, thăm con giữa đêm trường” (Tv 16,3). Nếu như trí óc cần sự thinh lặng để suy nghĩ, thì linh hồn cần sự thinh lặng để cầu nguyện. Chúa Giêsu cũng đã mất 30 năm thinh lặng, ẩn dật để chuẩn bị cho 3 năm rao giảng. Mẹ Maria cũng là mẫu gương của sự thinh lặng khi Mẹ âm thầm căn dặn người nhà trong tiệc cưới Ca-na rằng: “Ngài nói gì, anh em cứ việc làm theo”.
Tóm lại, sự trao đổi, nói chuyện thật quan trọng dù là trực tiếp hay gián tiếp; nhưng sự hiện diện lại thật đáng quý hơn bất cứ hình thức nào. Chỉ cần hiện diện bên nhau, các đôi trai gái có thể vơi được nỗi nhớ nhung da diết về nhau.Chỉ cần hiện diện bên Chúa, chúng ta có thể bày tỏ tình yêu với Ngài và làm cho Ngài yêu ta hơn.
Chỉ cần hiện diện thôi, dù đôi bên chẳng nói
Ta hiểu Chúa, Chúa hiểu ta thật nhiều
Chỉ cần hiện diện thôi, chẳng cần chi phân tỏ
Trong sâu lắng tâm tư, nỗi nhớ nhung vơi dần
Chỉ cần hiện diện thôi , đưa mắt nhìn về nhau
Yêu nhau là thế đấy, chỉ cần hiện diện thôi

[1] x.tr 20, c Cầu nguyện Cha trong thầm kín, Jean Lafrance
[2] Thánh Gioan Thánh Giá-Thi ca thiêng liêng 33,4
[3] x.tr 33, c Cầu nguyện Cha trong thầm kín, Jean Lafance
[4] x.tr 33, c. Cầu nguyện Cha trong thầm kín, Jean Lafance


Cầu nguyện,  lẽ sống đời tu

CẦU NGUYỆN, LẼ SỐNG ĐỜI TU


Anthony Padua Dương Văn Hạnh, SVD Noviciate

Khi nói đến đời sống thiêng liêng thì không thể không nói đến cầu nguyện. Dường như, cầu nguyện là cụm từ gây nên nhiều cảm hứng cho nhiều tác giả viết nên những cuốn sách đóng góp vào kho tàng đời sống thiêng liêng, tu đức…vô cùng giá trị. Thí dụ như: cuốn Học cầu nguyện của Bernard Bro, OP (Ủy ban đoàn kết công giáo TP HCM, xuất bản 1992); cuốn “Con đường nên Thánh dễ dàng” của Lm Paul O’ Sullivan,OP (Matthias M. Ngọc Đính, CMC-chuyển ngữ,2004); “Cầu nguyện và suy tư” của ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận; “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện” của Cửu Long_Trần, 2004; “Giờ dành cho Chúa-Hướng dẫn sống đời cầu nguyện” của Cha Jacques Philippe, chuyển ngữ-Cha M.Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Ocist; …vv…Vâng, cầu nguyện là chủ đề xuyên suốt cuộc hành trình thiêng liêng để đến gần với Chúa ngày một sâu xa hơn. Thế nhưng, cầu nguyện cần thiết như thế nào? Cầu nguyện ra sao và với tâm tình nào? Liệu trong đời sống cầu nguyện, chúng ta có gặp những khó khăn, trở ngại nào không? Và chúng ta có biện pháp gì để sống đời cầu nguyện tốt hơn? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu để thấy rõ  hơn về điều đó.
Thiết nghĩ, cầu nguyện là linh hồn chuyện vãn với Thiên Chúa([1]), là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người trong niềm tin. Tin Chúa đang hiện diện, tâm sự với Ngài và lắng nghe Ngài nói trong ta để ta cảm nhận sự biến đổi của ta. Để đạt được ý thức sống trong sự hiện diện ngày đêm của Thiên Chúa, sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa thì “các ẩn sĩ xưa họ hiểu rằng, họ phải lánh xa sự huyên náo bên ngoài, nhờ sự thinh lặng bên trong”([2]). Còn Thánh John Climacus thì nói: “Trước tiên nó như một sự gỡ bỏ mối liên hệ với những điều cần thiết cũng như không cần thiết, thứ hai nó như một lời chuyên cần và thứ ba nó như một hành vi cầu nguyện liên lỉ trong tâm hồn”. Thông thường, khi chúng ta muốn nói chuyện với ai thì chúng ta tìm gặp người đó, hoặc điện thoại, hoặc email, chat yahoo, facebook... Cầu nguyện cũng vậy đó, là sự nối kết giữa góc trời này với góc trời khác, nối kết giữa Thiên Chúa và con người.
Cầu nguyện còn là nâng cao tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban những ơn cần thiết([3]) cho ta. Khi tâm hồn chúng ta nâng cao lên nghĩa là các tư tưởng, khát vọng của linh hồn tự tách khỏi trái  đất, mọi lo lắng, ưu tư, buồn sầu bay bổng, thoát khỏi thể xác lên tận Ngai Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa chính là chúng ta gặp Ngài trong tư tưởng và thưa chuyện với Thiên Chúa; mọi lo âu, buồn phiền, dự tính dâng hết cho Ngài. Trong sách Tiên tri Giê-rê-mi-a có viết: “Các ngươi tìm Ta và các ngươi sẽ gặp, vì các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng” (Gr 29,13).
Cầu nguyện dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong tha nhân. Cầu nguyện cũng có nghĩa là gặp gỡ tha nhân, trong sự hiệp thông và tình yêu mến: “Thiên Chúa và con người” ([4]). Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết rất hay, “Chúa Giê su dạy con cầu nguyện với lòng đầy tin tưởng, mở rộng lòng đón nhận tình yêu của Chúa Cha, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…Tin tưởng lời của Chúa Cha” ([5]) . Điều này trong Kinh Thánh cũng nói rõ cho ta biết khi cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê su và hai môn đệ diễn ra trên đường Emmau xưa (Lc 24,13-32). Vậy, cầu nguyện với tâm tình như thế sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa ngay giữa dòng đời, trên từng đoạn đường ta đang đi, bên cạnh người anh em đồng hành với chúng ta ([6]).
Cầu nguyện không những là một việc cần thiết cho phần rỗi linh hồn mà còn là hơi thở giúp chúng ta sống đời thiêng liêng, là động lực để giúp ta lướt thắng tất cả  mọi khó khăn trong cuộc sống. Thánh Anphongso từng viết: “Tôi sẽ lập lại cuộc đời rằng phần rỗi của tôi tùy thuộc vào sự cầu nguyện. Có cầu nguyện, phần rỗi của bạn sẽ bảo đảm; không cầu nguyện bạn cầm chắc sự bị trầm luân. Tât cả các Thánh trên Thiên đàng sở dĩ được cứu thoát là vì các Ngài đã cầu nguyện; các kẻ trầm luân trong hỏa ngục, mất linh hồn là vì không cầu nguyện….Ai cầu nguyện là tự cứu lấy mình; ai không cầu nguyện là tự trầm luân. Ai biết cầu nguyện, người đó biết sống nên!”. Về điểm này, Mẹ thánh Têrêsa cũng nói rằng: “những người không nguyện ngắm, chẳng cần phải có ma quỷ lôi kéo; tự họ sẽ nhào xuống hỏa ngục”. Cũng như nếu không nguyện ngắm, chúng ta sẽ không thấy mình đang trong tình trạng nguy hiểm khủng khiếp sắp lao xuống hỏa ngục. Vì thế, hàng ngàn con người, nam cũng như nữ; giống như chúng ta, hằng ngày đang phải sa trầm xuống đó ([7]). Kinh Thánh cũng chép: “Anh em hãy tỉnh thức, sẵn sàng vì không biết giờ nào con người sẽ đến” (Mc 13,33-57; Mt 24, 36-44); (Mt 24, 43-51; Lc 12,40). Khi không cầu nguyện nữa, chúng ta bị chìm ngập trong những ưu tư, lo lắng, buồn rầu của cuộc sống. Nghề nghiệp, quá khứ và cả tương lai đè nặng làm chúng ta trở nên đen tối. “Đối với Chúa Giê su, cầu nguyện và sống cũng như hơi thở và nhịp đập của trái tim; tuy hai chuyện riêng biệt, riêng rẽ, nhưng lại liên hệ mật thiết với nhau. Và nếu con người không thể sống khi trái tim ngừng đập hay đã tắt thở, thì người tu sĩ không thể coi là “sống” nếu không cầu nguyện và hành động” ([8]).
Thế nhưng, chỉ cầu nguyện ngoài môi miệng thôi thì chưa đủ, nhưng mà còn phải kết hiệp một cách sâu xa nữa. “Chỉ cầu nguyện ngoài môi miệng, còn lòng chúng ta lại xa cách Chúa” (Mt 15,8). Cho nên, miệng đọc mà lòng suy ngẫm thì mới sâu và ý nghĩa. Nói như Thánh Augustino: “Miệng đọc lời nào, lòng suy lời ấy”. Cho nên cầu nguyện phải được xem là hơi thở thiết yếu của mọi chiều kích của đời sống thiêng liêng…
Ngoài ra, cầu nguyện còn giúp ta vượt mọi khó khăn. Thánh Gandhi của người Ấn độ từng nói thế này: “Chính việc cầu nguyện đã cưu mang tôi…Không cầu nguyện, tôi đã mất trí từ lâu rồi! Nếu tôi không mất bình an trong tâm hồn, dù phải trải qua bao thử thách là nhờ cầu nguyện” ([9]). Cho nên, Kinh Thánh có chép: “Hỡi những ai đang vất vả mang ghánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi êm ái, gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mt 12, 28-30). Cầu nguyện giúp ta rất nhiều, nếu không cầu nguyện ta sẽ nên yếu đuối và dễ sa ngã, vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
            Một khi chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện như vậy; để đạt được hiệu quả và có ý nghĩa sâu xa trước mặt Chúa, đẹp lòng Ngài thì chúng ta cần khiêm tốn mà cầu nguyện, đừng phô trương trước mặt người đời nhưng phải biết cách li, tách biệt mình nơi kín đáo để cầu nguyện. Qua dụ ngôn người Biệt Phái và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện, chúng ta cũng học được lòng khiêm nhường nơi người thu thuế; ý thức được bản thân là một kẻ thấp hèn, tội lỗi và cầu xin ơn Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Thánh Têrêsa Avila cũng từng nói: “Tất cả tòa nhà cầu nguyện được xây trên nền tảng sự khiêm nhường”, điều đó có nghĩa là xác tín rằng sức riêng của chúng ta thôi, sẽ chẳng làm được tích sự gì, nhưng với Thiên Chúa, Người có thể làm được điều tốt trong cuộc sống của chúng ta ([10]). Hay như Thánh John Climacus cùng từng nói: “Hãy đóng cửa phòng thân thể bạn, cửa của miệng bạn đối với lời nói, cửa nội tâm bạn đối với các tà thần”. Như vậy, không chỉ cầu nguyện một cách khiêm tốn mà còn phải biết cầu nguyện nơi  kín đáo ngay từ tâm hồn mình nữa. Điều này chúng ta cũng bắt gặp được Chúa nói trong Thánh Kinh: Hãy “lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện” như Chúa (Lc 5,16); hay là  “đóng cửa phòng lại mà cầu nguyện” (Mt 6,6).
Mặt khác, chúng ta đừng bao giờ nản chí nhưng hãy vững tin mà cầu nguyện không ngừng, kiên trì và liên lỉ; cầu nguyện mọi nơi mọi lúc. Bởi lẽ “ai bền chí đền cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13) và “những gì anh em tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,22)”. Cũng như dụ ngôn quan tòa và bà góa mà Thánh Luca tường thuật trong Thánh Kinh (Lc 11,5,13) cho thấy một viên Thẩm phán keo kiệt, ích kỉ và ngang ngược, nhưng cuối cùng ông ta cũng đành phải ngồi tòa giải quyết tiếng kêu oan của bà góa với lí do để khỏi bị bà quấy rầy. Hay như dụ ngôn người bạn đến vay bánh vào giữa khuya; mặc dù không muốn trỗi dậy để lấy bánh, nhưng trước sự nài nỉ của người đang ở ngoài cửa, chủ nhà đành thức dậy lấy bánh cho bạn mượn (Lc 18,1-7). Thánh Augustino cũng nói một câu rất hay: “Bạn đừng bao giờ buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban cho bạn điều bạn xin; vì Người muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn, nhờ bạn kiên trì kết hợp với Người trong cầu nguyện. Người muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Người đã sẵn lòng ban”. Nói như Thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-a cũng viết: “Hãy hân hoan trong mọi lúc; hãy cầu nguyện không ngừng; và hãy tạ ơn Chúa trong mọi sự, vì đây là điều Thiên Chúa mong chờ anh em thi hành trong Chúa Giê-su Ki-tô” (1Tx 5,17-18).
            Cho nên, bạn cũng như tôi đừng bao giờ ngừng nghỉ cầu nguyện, nhưng hãy kiên trì và cầu nguyện không ngừng; trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh vì “Chúa ở khắp mọi nơi thông biết mọi sự, hằng xem thấy ta, hằng nghe lời ta cầu nguyện”([11]); và như Thánh Phao-lô từng quả quyết: “anh em hãy sống trong kinh nguyện và lời khấn nài, hãy cầu nguyện trong Thần Khí và trong mọi thời buổi”(Ep 6,18). Hãy cầu nguyện trong sự khiêm nhường, đừng phô trương như những Biệt Phái giả hình xưa.
            Đức Giêsu đã nói: “Không phải cứ lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời đâu”. Cầu nguyện cũng vậy, không nhất thiết phải nhiều lời, quan trọng chính là phẩm chất của ánh mắt, cường độ của lòng tin, hương vị của khao khát tìm kiếm và cảm nhận được. “Khi cầu nguyện, chúng ta đừng lải nhải nhiều lời như dân ngoại, họ cứ tưởng phải nói nhiều là được nhận” (Mt 6,7). Hơn nữa, chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng vì chỉ trong sự tĩnh lặng, chúng ta được biến đổi; có thể nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn.
            Khi cầu nguyện, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con đang thờ lạy Chúa, chúc tụng ngợi khen Người, đền tạ những lỗi lầm của ta và ý thức mình là thụ tạo thấp hèn, từ đó xin ơn Ngài giúp sức, đỡ nâng ta. Vâng, thờ lạy Chúa là thái độ của chính con người khi nhận mình là thụ tạo đang đối diện với Đấng sáng tạo; tán dương Đấng đã dựng nên ta, Đấng quyền năng giải thoát ta khỏi mọi sự dữ. “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13) đó cũng là tâm tình của con người cầu khẩn, van xin ơn tha tội, vì khi nhận biết mình đã phản nghịch lại Thiên Chúa là Cha; như thế chúng ta đang sống trong tâm tình đền tạ Chúa. Hơn nữa, trong cuộc đời chúng ta không thể không gặp những đau thương, vui buồn. Tất cả là hồng ân Thiên Chúa ban, cho nên chúng ta không ngừng cảm ơn Chúa; và “hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Thiên Chúa muốn anh em làm như vậy, vì anh em đã được kết hợp với Đức Ki-tô (Tx 5,18)”. Khi ý thức được mình là thụ tạo bất xứng, mọi sự không thể tự mình mà có, cũng không thể tự làm chủ mọi nghịch cảnh diễn ra trong đời nên chúng ta cần kêu la, cầu xin Ngài ban ơn giúp sức cho ta.
Trong đời sống cầu nguyện, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không phải lúc nào mình cũng bước trên con đường thẳng băng. Chúng ta thường gặp phải những trở ngại nhất định như: Lo ra, chia trí; không có thời gian để cầu nguyện, hay thân xác chúng ta quá nặng nề; khô khan, nguội lạnh…Sống giữa một xã hội phát triển như ngày nay, công việc bộn bề, có quá nhiều cuộc hẹn hò, hội họp, giải trí…đó là cả một dòng chảy không ngừng nghỉ. Vì thế, đời sống cầu nguyện cũng đang bấp bênh trên dòng chảy đó. Cũng vậy, sự khô khan do thiếu niềm tin hay sự nguội lạnh do suy nhược tinh thần; tất cả dường như đang làm chúng ta xa rời đời sống cầu nguyện. Do đó, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ “không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được” (Ga 15,5) và luôn luôn tỉnh thức, hãm mình vì “tâm tính thì mau lẹ, mà xác thịt thì yếu đuối”(Mt 26,41).
            Để suốt cuộc hành trình tu đức của mình không bị đứt đoạn hay trở nên nhàm chán, để đời sống nội tâm thêm sâu sắc mỗi ngày một hơn thì chúng ta cũng cần có phương cách cầu nguyện cho riêng mình, làm sao cho sinh động, hấp dẫn hơn? Vâng, có nhiều phương pháp đáng để bạn cũng như tôi học hỏi: Có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, bằng cách xét mình hằng ngày, hay cầu nguyện bằng chuỗi kinh Mân Côi, suy gẫm một câu-đoạn Kinh Thánh hoặc dùng tất cả giác quan của mình cũng có thể cầu nguyện được…
Như chúng ta biết, kinh Lạy Cha là kinh mà Chúa Giê su đã dạy, đó là tâm tình của người con dành cho Cha mình. Tiếng Abba-Cha ơi! Gói trọn một tình yêu sống động và sâu sắc của người con đối với Cha; ngoài tiếng này ra, không còn tiếng gọi nào tha thiết hơn, nồng nàn hơn, ân tình hơn mà đứa con có thể dùng để gọi Cha mình. Cho nên khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha là một phương thế đơn giản nhưng sâu sắc nhất. Ngoài ra, việc cầu nguyện bằng cách xét mình hằng ngày cũng vô cùng hữu ích; xét mình để kiểm điểm lại bản thân, không những biết xem xét lại những yếu kém lỗi lầm của mình mà còn ý thức được Chúa đang tác động trên cuộc đời chúng ta. Hay chúng ta cũng có thể dùng kinh Mân Côi để cầu nguyện, bởi kinh Mân Côi được rút ra từ kho tàng Lời Chúa, do Chúa và Giáo hội dạy. Lần chuỗi kinh Mân Côi là phương cách làm đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ. Tại sao tôi nói vậy? Bởi lẽ kinh Mân Côi bao gồm kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng; mà kinh Lạy Cha do Chúa Giê su dạy-là tâm tình người con dâng lên Chúa Cha; kinh Kính Mừng là lời kinh làm đẹp lòng Mẹ nhất, vì là lời chào của sứ thần Gapriel và thánh Isave-Mẹ được ca tụng đầy ơn phúc, hơn mọi người và cũng là lời Hội thánh dạy để xin Mẹ cầu bầu hằng ngày cũng như giờ lâm tử; còn kinh Sáng Danh được rút ra từ Kinh Thánh, cũng là lời đọc lên khi chịu phép rửa tội, là lời tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, cầu nguyện bằng kinh Mân Côi cũng là phương pháp hữu hiệu nhất mà không bao giờ nhàm chán cho cuộc đời tu sĩ, nhờ đó lòng mến yêu đời sống cầu nguyện ngày một cũng tăng lên. Ngoài ra, việc sử dụng chính những giác quan  của mình, qua hơi thở, bằng trí khôn, tình cảm, óc tưởng tượng cũng giúp ta loại bỏ được những gì tổn hại đến linh hồn; bởi linh hồn và thân xác gắn bó với nhau và tinh thần cũng được biểu lộ nơi thân xác. Như vậy đời sống cầu nguyện chúng ta luôn phong phú, không bị bó buộc trong một cách nào hay trong phạm vi nào cả. Việc vận dụng được mọi phương thế vào cầu nguyện sẽ làm cho đời sống nội tâm triển nở hơn, đặc biệt những người đang bước trên hành trình theo đuổi ơn gọi.
Tóm lại, đời sống cầu nguyện luôn là chủ đề xuyên suốt hành trình thiêng liêng của mỗi người chúng ta. Cầu nguyện không chỉ là kim chỉ nam hướng dẫn người Kitô hữu sống đạo mà còn giúp cho những người sống bậc thánh hiến thật sự “sống” và đi vào,kết hợp sâu xa hơn với Thiên Chúa. Nếu không cầu nguyện thì mọi lo âu, buồn phiền, dự tính và mọi ồn ào của cuộc sống sẽ bóp nghẹp tâm hồn ta như hơi thở của thân thể bị ngạt vậy. Khi sống đời cầu nguyện, có thể chúng ta sẽ gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn nhất định như nhàm chán, chia trí…nhưng trên hết tất cả, chúng ta hãy cầu nguyện luôn, cầu nguyện trong khiêm nhường, tin tưởng, phó thác và liên lỉ, kiên trì không bao giờ ngừng; hãy mặc lấy tâm tình của người con đang tâm sự, thưa chuyện với Chúa; luôn ý thức mình là một thụ tạo thấp hèn, yếu đuối. Nhờ đó, chúng ta không ngừng cảm tạ, ngợi khen Chúa; cầu xin Ngài tha thứ mọi lỗi lầm cũng như ban ơn, nâng đỡ ta trong cuộc đời. Và đích điểm cuối cùng chúng ta có thể dừng chân là hạnh phúc nước trời mai sau.

[1] Augustino
[2] Xc. “Cầu nguyện từ tâm hồn”, George A. Maloney, tr 35
[3] Gioan Damas (Giáo Lý HTCG. 2559)
[4] Xc.“Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, tr 54&53
[5] Xc. “Cầu nguyện”, ĐHY Fx Thuận, tr 127-128
[6] Xc. “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, 52&53
[7] Xc. “Con đường nên Thánh đẽ dàng”, Lm Paul O’ Sullivan, OP (Matthias M. Ngọc Đính, CMC-chuyển ngữ 2004), tr 132-133
[8] Xc. “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, tr 50
[9] Xc. “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, tr 40-42
[10] Xc. “Giờ dành cho Chúa-Hướng dẫn sống cầu nguyện”, Cha Jacques Philippe, Fr . M Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Ocist (chuyển ngữ), tr 9
[11] Giáo lý sơ cấp 1, Gp. Vinh.


--------------
#DongNgoiLơi,  #TuDoanNhaChua, #Rogate, #SVD, #SVD, #RCJ, #CauNguyen, 

XIN HÃY SAI CON