SỰ NGHI NGỜ, NGHI KỴ LẪN
NHAU
Suy niệm Tin Mừng (Mc 3, 20-21)
Antôn Pađôva Dương Văn Hạnh
Hôm nay, Thánh sử
Mác-cô đã tường thuật cho chúng ta về hình ảnh chính Đức Giê-su cũng bị nghi ngờ,
bị người thân không còn tin vào Ngài nữa. “Người trở về nhà và đám đông lại kéo
đến”; thấy thế, “thân nhân của Người liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã
mất trí” (Mc 3, 21). Có lẽ rằng, không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau khi cả
người thân cận, máu mủ của mình lại không tin tưởng hay thừa nhận những việc
mình làm. Thông thường, thì “con hát mẹ khen hay”, hay là dù người trong nhà
mình có sai mấy đi nữa thì cũng cứ bảo vệ đến cùng. Ấy thế mà trường hợp của Đức
Giêsu hôm nay bị chính những người thân của Ngài, trong đó có cả Thân mẫu Ngài
cũng cho rằng : Người đã mất trí”.
Thomas Carlyle
có câu: “Người ta phải xác nhận hoặc xóa bỏ nghi ngờ của mình, và biến nó thành
sự chắc chắn của đúng hoặc sai” (One must verify or expel his doubts, and convert them into
the certainty of Yes or No). Nghi ngờ là trạng thái không còn tin tưởng
vào đối tượng hay sự việc mình đang chứng kiến hay đã xảy ra rồi. Nghi ngờ
làm cho bản thân hoang mang, không còn phân biết đâu là đúng, đâu là sai; thực
hư lẫn lộn. Do đó, nó đòi hỏi mình đi tìm bằng được chân lý để giải quyết sự
nghi ngờ của bản thân.
Trong nội dung
bài Tin mừng hôm nay, tôi xin chia sẻ 2 điểm mà tôi cho là cần thiết không chỉ
với bạn mà còn với chính cá nhân tôi:
Thứ nhất, trong
cuộc sống thường ngày, có lúc ta cũng thiếu niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa;
nhiều lần nghi ngờ Ngài và chạy theo các thần ngoại bang. Điều đó thể hiện ngay
lúc chúng ta gặp phải gian nan, thử thách trong đời sống. Nào là: ốm đau, bệnh
tật, tai nạn, xui xẻo, làm ăn không thuận lợi, … Những lúc như thế, ta than
vãn, kêu nài Chúa giúp, nhưng không được như ý muốn của tính “con người” mình
thì đâm ra nghi ngờ: Không có Chúa!; “Chúa ở đâu sao lúc con gặp nguy khó mà
Ngài ngoảnh mặt làm ngơ”; vv... Như vậy, niềm tin ta đặt vào Chúa còn non kém;
có chăng niềm tin ấy chỉ tìm lợi ích cho bản thân rất “con người” của mình.
Thật thế, liệu bạn
đã đủ đức tin để nhận ra rằng: Trong mọi biến cố của cuộc đời, bạn luôn có sự
quan phòng, yêu thương, chăm sóc của Thiên Chúa chưa? Bạn xin nhà lầu, xe hơi,
làm ăn thuận lợi, vợ đẹp con khôn… những thứ đó Chúa không ban cho bạn thấy
nhãn tiền thì bạn lại vội kết luận Chúa bỏ mặc bạn. Nhưng nào bạn có biết và cảm
nhận: Chúa cho bạn sức khỏe, sự bình an, gia đình ấm êm, vợ chồng hạnh phúc, của
ăn đủ dùng hằng ngày; nhất là bạn không phải nằm bệnh viện để chữa bệnh như bao
người khác đang gặp phải. Sao bạn không nhận ra và cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho bạn
những thứ quý hơn vàng, bạc hay vật chất bạn như ý bạn xin. Phải chăng điều bạn
xin là một, nhưng Chúa đã cho bạn gấp bội mà chính bạn không nhận ra, để rồi bạn
chỉ biết than trách và không tin vào Chúa nữa.
Thứ hai, sự nghi
kỵ lẫn nhau trong đời sống thường nhật làm phá vỡ mối dây liên kết và sự hợp nhất
trong gia đình lẫn cộng đoàn.
Nhiều khi cha mẹ
không hiểu con cái, con cái không hiểu tình thương yêu của cha mẹ dành cho mình-không
vâng lời cha mẹ, điều đó làm cho gia đình chia rẽ nhau; vợ chồng thiếu sự cảm
thông, chia sẻ, thiếu sự tha thứ, thay vào đó lại là những sự nghi ngờ và thiếu
niềm tin vào nhau. Cho nên gia đình không còn hạnh phúc, ấm êm.
Mặt khác, đời sống
cộng đoàn thiếu sự hợp nhất do không hiểu nhau, nghi ngờ lẫn nhau; sự phân chia
bè phái của nhóm này nhóm kia; sự cục bộ cá nhân, hay sự phân chia vùng miền-các
nền văn hóa. Những điều đó làm cho cộng đoàn ngày càng tan rã và thiếu đi sự hợp
nhất.
Đời sống cộng
đoàn đời tu cũng vậy! Không gì đau đớn cho bằng anh chị em trong gia đình,
trong cộng đoàn chia rẽ nhau chỉ vì những cái tôi tồn tại trong cộng đoàn đó. Ca
dao tục ngữ vẫn thường có câu: “khôn ngoan đối đáp người ngoài-gà cùng một mẹ
chớ hoài đá nhau”. Ý muốn nêu cao tình đoàn kết trong gia đình, trong cộng đoàn
với nhau. Dù “chăn nào cũng có rận”, dù anh em có bất toàn hay những thiếu sót
trong cuộc sống thường nhật thì cũng hãy yêu thương, bảo vệ nhau. Chia rẽ, thiếu
tinh thần đoàn kết, đấu đá nhau là mối họa làm tan vỡ gia đình, cộng đoàn mình.
Vì thế, nơi cộng đoàn tu trì luôn luôn cần giữ mối tương quan mật thiết, sự
đoàn kết cao độ. Tránh đi những nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau không cần thiết; sẵn
sàng góp ý, đối thoại giúp nhau thăng tiến và dẹp đi những điểm chưa tốt còn tồn
tại; tránh đi những ghét ghen về những tài năng hay mặt mạnh của nhau, thay vào
đó là luôn động viên khuyến khích người anh em, chị em mình phát triển khả năng
của mình; tránh đi những tụ tập nhóm bè để nói xấu nhau vv…
Tóm lại, sự ghét
ghét, nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau là những thói xấu đang làm mất đi tương quan tốt
đẹp. Trước là tương quan với Thiên Chúa- Đấng tác tạo nên ta và luôn yêu thương
quan phòng, dìu dắt ta trong cuộc sống. Sau là tương quan của ta với nhau trong
gia đình và cộng đoàn nhân loại nói chung và cộng đoàn tu trì nói riêng. Chính
sự nghi ngờ lẫn nhau sẽ kéo theo hệ lụy gây mất tình yêu thương giữa anh chị em
với nhau; tạo sự chia rẽ và làm tan vỡ gia đình, cộng đoàn. Alexandre Dumas để
lại một câu danh ngôn thật hay: “Tình yêu thuần khiết và nghi ngờ không thể ở
cùng nhau: tại cánh cửa nơi nghi ngờ bước vào, tình yêu rời khỏi” (Pure love and
suspicion cannot dwell together: at the door where the latter enters, the
former makes its exit). Ước mong rằng, bạn và tôi đều tập cho mình
được thói quen tránh đi sự nghi ngờ lẫn nhau. Giảm đi những ích kỉ, nói hành, nói
xấu nhau; gia tăng sự đối thoại để thêm
hiểu nhau và tha thứ cho nhau. Bớt đi sự bè phái, thay vào đó là sự hiệp nhất,
đoàn kết giữa các thành viên. Nhờ đó, đời sống gia đình và đời sống cộng đoàn sẽ
ngày một triển nở hơn.
Anthony Padua Duong, Hanh Van