Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Friday, June 4, 2021

Nghệ sĩ đích thực là ai? (Bài viết của Linh mục Tiến Dũng)

NGHỆ SĨ

1. Người nghệ sĩ là người thể nào?

2. Bạn hãy nói rõ về chữ tài và chữ khiếu

3. Tại sáo nghệ sĩ phải có một ý thức rõ rệt về năng khiếu của mình?

4. Đặc tính của người nghệ sĩ?

5. Tại sao những nhân tài thường bị hắt hủi?



--------------------

I. Nghệ sĩ là người có khiếu và có tài.

1. Khiếu là do trời cho, chúng ta kêu là thiên phú.

    Tài là do chúng ta thủ đắc, người đời thường kêu là học thành tài

2. Khiếu của người nghệ sĩ là có giàu tưởng tượng, là có tài quan sát.

    Tài là kiến thức về nghiệp vụ, là kinh nghiệm của người khác mà minh thu thập được trong khi học tập.

3. Khiếu có trước tài và như chìa khoá mở cửa cho chúng ta vào vườn nghệ thuật, hoặc như sổ thông hành cho chúng ta có quyền vào làng nghệ sĩ. Có khiếu mới ham học và tiến bộ nhanh, học một biết mười để thành tài. 

4. Thi vào nhạc viện thì thi về khiếu. Trong các khoá tuyển sinh vào các trường nhạc, có khoá thi năng khiếu dành cho các em năm, sáu tuổi chưa biết chi về âm nhạc: Những em nào muốn thi vào môn múa thì ban giám khảo bảo em đi mấy bước, em nào muốn thi vào môn kèn sáo thì ban giám khảo xét đến hàm răng và đôi môi của em, em nào muốn thi vào môn đàn thì ban giám khảo xét tới bàn tay và ngón tay của em. Trong nhạc viện, khi tôi học hết các môn căn bản thì được thi vào khoa sáng tác. Nhạc sư bắt phải làm một bản nhạc mở đầu cho ngày lễ lao động quốc tế. Khúc nhạc mở đầu tiếng chuyên môn kêu là Proeludium. Lúc đó các thí sinh sửng sốt muốn thưa với nhạc sư rằng: Thưa thầy, chúng em chưa biết Proeludium đầu đuôi ra sao. Nhạc sư như đã hiểu ý chúng tôi và không đợi cho chúng tôi hỏi, nhạc sư trấn an rằng: "Các em cứ yên tâm, các em muốn vẽ vời ra sao thì vẽ, vì khi nhà trường bảo các em viết Proeludium, thì nhà trường chỉ có ý xem các em tưởng tượng ra những gì, và trí tưởng tượng của các em đi tới đâu khi nghĩ tới lễ lao động, có thế thôi”. Như vậy là thi về năng khiếu sáng tác rồi còn gì nữa. 

Trái lại, khi thi ra trường thì thi về tài. Một trong những bài thì tôt nghiệp sáng tác của tôi như thế này: Nhà trường cho một nhạc đề, rồi trong vòng sáu, bảy tháng gì đó, chúng tôi sẽ tận dụng các kỹ thuật đã học về hoà âm, đối âm, về phối dàn nhạc… Như vậy, nhà trường có ý kiểm tra xem chúng tôi đã thành tài tới mức độ nào mà cho điểm tốt nghiệp.

5. Có khiếu mà vô học, có thể làm được ít tác phẩm nho nhỏ. Những bài dân ca cổ truyền là do những người có khiếu làm ra và truyền tụng đời này qua đời khác, cho tới ngày nay đã trở thành gia tài của dân tộc, mà chúng ta không cần biết tên người đã làm ra nó, vì người làm ra nó chẳng có công gì. Đó là cái khiếu trời cho nhưng không. Nhưng nếu người đó mất công khó nhọc học hành và đem những bài nho nhỏ đó ra khai triển thành nhạc phẩm lớn, lúc đó mới đáng ký tên mình vào nhạc phẩm. 

6. Trái lại, nếu không có khiếu, mà cố học cho bằng được, thì có thể làm bài thơ thật đúng luật, hoặc làm bài tẩu khúc thật chỉnh, nhưng đó chỉ là những bài văn thơ, bản nhạc không hồn, và người làm ra nó, chúng ta gọi là thợ thơ, thợ nhạc. Những thợ thơ, thợ nhạc này có thể trở thành những nhà phê bình hoặc những giáo sư đào tạo nên các nghệ sĩ. Tục ngữ Ý có câu: “Ai biết làm thì làm - Ai không làm được thì dạy người khác làm” là như vậy.

7. Nhà trường dạy cho mình thành tài: 

(a) là dạy cho mình những mánh khoé, những kỹ thuật mà các nghệ sĩ đàn anh đã dùng để diễn tả, để khai hiển ý thơ, ý nhạc. 

(b) là dạy cho mình biết phân biệt cái tốt, cái xấu của người và của mình. Nghĩa là tạo cho mình một sở thích lành mạnh. Tục ngữ Latin viết: “Về sở thích của từng người thì không có chuyện tranh luận được” (de gustibus non dispututur). Chúng ta không thể tranh luận tại sao người này thích ăn khổ qua, người kia ham của ngọt… Người nghệ sĩ phải biết từ bỏ cái sở thích xấu và giữ lấy cho mình cái sở thích tốt, vì mình đại diện cho đoàn thể, mình phát biểu thay đoàn thể.

Chú thích: Chữ “sở thích” thì tự điển kêu là thị hiếu. Ai hiểu tiếng Pháp thì chữ bon goût, mauvais goût rõ hơn tiếng Việt.

II. Người nghệ sĩ phải ý thức được về năng khiếu của mình:

1. Trời cho mỗi người có khiếu về từng ngành nghệ thuật

+ người có khiếu vẽ

+ người có khiếu viết văn

+ người có khiếu chạm trổ

+ người có khiếu làm nhạc…

2.Trong cùng ngành, trời lại cho mỗi người có khiếu về từng khía cạnh:

+ Cũng là văn sĩ:

- có người có khiếu viết tiểu thuyết trinh thám

- có người có khiếu viết tiểu thuyết xã hội

- có người có khiếu viết kịch

+ Cũng là thi sĩ:

- có người có khiếu viết thơ chải chuốt, đối đáp: Như Nguyễn Du (nước thẳm, non cao – dày gió, dạn sương)

- có người có khiếu viết thơ nhẹ nhõm như Xuân Diệu: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió – Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…

- có người có khiếu viết thơ trang trọng như Thế Lữ: Còn đâu những đêm vàng bên bờ suối – Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan.

+ Cũng là hoạ sĩ:

- có người có khiếu vẽ hí hoạ

- có người có khiếu vẽ chân dung

- có người có khiếu vẽ phong cảnh

+ Cũng là nhạc sĩ:

- có người có khiếu viết tẩu khúc như J.S. Bach

- có người có khiếu viết Concerto như Mozart

- có người có khiếu diễn tả bằng âm thanh thuần tuý kiểu Sinfonia, Sonata như Beethoven

- có người có khiếu diễn tả qua hình thể ca khúc như Schubert

- có người có khiếu viết các khúc dương cầm như Chopin

- có người có khiếu viết opera như Verdi

- có người có khiếu viết những bài hợp xướng đa điệu trong thể 6, 7, 8 bè, nghĩa là càng nhiều bè càng thành công như Palestrina. 

- trái lại, có người rất thành công trong những bài hợp xướng đa điệu 3, 4 bè nho nhỏ, thâm trầm duyên dáng như Victoria. 

Chú thích: Để bạn có thể hiểu rõ hơn, chúng tôi xin nhắc lại rằng tất cả các nhạc sĩ kể trên đều có thể và đã sáng tác theo tất cả các thể loại khác nhau nhưng J.S. Bach đã sáng tác theo thể loại tẩu khúc một cách ngon lành, dễ dãi, hay nói cách khác, hình thể tẩu khúc đã nói lên con người nhạc sĩ Bach một cách tuyệt vời nhất. Hoặc chúng ta có thể nói Schubert nghệ sĩ trước hết là ở những bài ca khúc do ông viết, vì Schubert đã dùng ca khuc để diễn ta một cách tinh tế, sâu đậm nhất tâm tư của ông, hơn là khi ông diễn tả bằng các hình thể âm nhạc khác. 


Nghệ sĩ nào cùng ý thức được dễ dàng là mình có khiếu về ngành nghệ thuật nào, và khi đã ý thức được mình có khiếu về ngành nào, thí dụ về ngành âm nhạc thì chẳng bao giờ dám lấy màu sắc, hoặc một tảng đá để diễn tả, lý do là mỗi ngành đòi hỏi một khả năng tinh thần và thể xác riêng biệt. 

Còn ý thức về khía cạnh nào trong ngành nghệ thuật của mình là điều khó hơn một chút. Vì sự ý thức này đòi hỏi phải có một thời gian quan sát qua tiến trình học tập trong nhạc viện và qua kinh nghiệm sáng tác. Nhưng ý thức này rất quan trọng cho sự nghiệp nghệ sĩ của mình. Quan trọng vì thí dụ trời cho mình cái khiếu tinh tế để dùng âm thanh muôn vẻ của muôn vàn nhạc khí, để diễn tả một cách thấu đáo nhất cảm tình, cảm giác của mình mà không dấn thấn triệt để vào thể nhạc đó, lại cứ phiêu lưu qua thể nọ tới thể kia, như nay thì làm Sonata cho dương cầm, mai viết ca khúc, mốt viết tẩu khúc cho organo... Tuy mỗi phẩm đó đều có giá trị, nhưng không có giá trị đặc thù của một con người nghệ sĩ mang tên. Thí dụ Beethoven có khiếu về thể loại nhạc không lời, thể loại dùng âm thanh thuần tuý để diễn tả, đến nỗi khi nghe một bản Sonata hoặc Sinfonia của Beethoven, chúng ta cảm thấy nó sâu xa, nó thành thực như nghe có tiếng người thì thầm, đối thoại trong những tác phẩm đó. Thế nhưng khi thấy Bach viết bao nhiêu tẩu khúc với kỹ thuật siêu việt, thì Beethoven sa chước cám dỗ và tự nghĩ tại sao ta lại không làm một tẩu khúc như thế. Ông liền mang giấy bút ra khởi công xây dựng tẩu khúc như thế. Làm nửa chừng, thì không còn kham nổi với những kỹ thuật khắc khe của thể loại này, ông liền lấy bút ra gạt chữ Fuga đi và viết chữ Fughetta thay thế. Fuga là tẩu khúc, Fughetta là á tẩu khúc. Schubert cũng vậy. Những ca khúc của ông nó tỉnh vi, nó sâu xa và có giá trị như các thể loại có giá trị của các tác giả khác. Nhưng ông cũng tự nghĩ tại sao ta lại không làm những bài Sinfonia lớn lao như những Sinfonia của Beethoven, hoặc các Sinfonia của Haydn. Thế rồi ông cám dỗ, ông bắt đầu viết Sinfonia. Vì có sẵn mặc cảm trong đầu nên trước khi viết, ông đã đặt tên cho nó là “Sinfonia vĩ đại”. Mà vì muốn cho nó vĩ đại, ông đã kéo những nhạc đề ra dài lê thê, đến nỗi người nghe phát ớn, làm giảm giá trị bản hoà tấu. Còn bản Sinfonia chưa hoàn tất cũng vậy. Có người cho là ông qua đời trong lúc chưa hoàn tất bản hoà tấu đó, như thế mà nó trở thành danh tiếng. Nhưng có người nói là ông đang làm thì không còn hứng khởi nên ông bỏ dở, học trò ông làm tiếp…

Ý thức về năng khiếu của mình là bảo chứng mình là nghệ sĩ, là dấu hiệu của một nghệ sĩ chân thành, không giả dối. Nếu ý thức rằng mình không có khiếu mà cứ làm nghệ thuật thì đó là lái buôn nghệ thuật.

3. Đặc tính của người nghệ sĩ là tự do hết sức muốn làm gì thì làm. Tự do là khả năng lựa chọn muốn làm cái này hay không làm cái nọ, tự do lựa chọn đề tài, tự do lựa chọn kỹ thuật này, kỹ thuật nọ để diễn tả. Không ai có quyền bảo nhạc sĩ phải dùng hệ thống âm thanh này hay hệ thống thang âm kia, lối hoà âm này, kiểu hoà âm nọ để sáng tác. Sau mấy năm học hết các môn căn bản của âm nhạc, khi lên lớp sáng tác, nhạc sư nói với chúng tôi rằng: "Các bạn hãy quên hết những điều mà các bạn đã học, từ nay chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm lại bản thân các bạn. Các bạn là người tự do hết sức, muốn làm gì thì làm, và càng làm ngược với những điều các bạn đã học bao nhiêu thì càng hay bấy nhiêu, miễn là các bạn làm có tiêu chuẩn”. Thí dụ, Palestrina có viết một bài hợp xướng đa điện rất chỉnh, nhưng giữa bài đột nhiên có mấy ô nhịp ông làm sai bét cả luật hoà âm lẫn đối âm. Ông làm như vậy sở dĩ đoạn nhạc đó được dệt trên một lời kinh Latin có nghĩa như sau: "Lạy Chúa, chúng con đã làm sự bất lương". Vậy để diễn tả cái hành động bất lương nên ông đã làm sai luật hoà âm, đối âm, có thế thôi. Trường hợp Beethoven cũng vậy, thông thường thì mỗi bản Sonata hoặc Sinfonia có 3 điệu khúc: điệu khúc 1 nhanh, điệu khúc 2 chậm, điệu khúc 3 nhanh. Các nhạc sĩ và chính Beethoven cũng thường viết các bài Sinfonia và Sonata theo khung đó. Nhưng đối với bài Sonuta, mà chúng ta gọi là Sonata “Dưới ánh trăng” thì Beethoven viết điệu khúc 1 chậm, điệu khúc 2 nhanh, điệu khúc 3 rất nhanh. Như vậy là trái với điều được dạy tại nhà trường, nhưng nghệ sĩ làm sự sai trái đó với một tiêu chuẩn, với một đường lối có suy tính trước. Và còn rất nhiều thí dụ khác nữa. Như vậy, nói đến tiêu chuẩn là nói đến sự suy tính, thực hiện những suy tính là công tác sắp xếp, kết quả của sự sắp xếp là trật tự. Đó là giá trị thật sự của một tác phẩm, như chúng ta đã bàn tới trước đây. 

4. Đức tính của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ là người khiêm tốn, vì họ nhận thấy rằng, mình có thành công thì trước hết cũng là do khiếu trời cho, họ vui khi nhận thấy bạn đồng nghiệp hơn họ một điểm chi, vì họ cho đó là điều mà họ có thể học thêm và giúp họ thăng tiến lên mãi. Beethoven khi về già đã nghỉ sáng tác trong một thời gian, và đi tới tận nhà các nhạc sĩ đồng thời để học hỏi thêm kỹ thuật sáng tác. 

Người nghệ sĩ sống vì hy vọng: Mỗi tác phẩm của họ như một sứ điệp gởi cho nhân loại. Tác phẩm này được cưu mang trong thời gian lâu dài, suy tính kỹ lưỡng, những điều chứa đựng trong đó có giá trị vượt thời gian và không gian, đến nỗi người đồng thời ít khi hiểu thấu, phải trải qua nhiều thế hệ, sứ điệp đó mới sáng tỏ ra dần dần.

Trường hợp J.S. Bach: Năm 1940, một tờ báo Mỹ mở cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả là: đại chúng cho Beethoven là nhạc sĩ vĩ đại nhất, còn các nhạc sĩ và các nhà chuyên môn thì tôn vinh Bach như nhạc sĩ lớn nhất trong các thời đại xưa và nay. Điều đó cũng dễ hiểu vì nhạc sĩ Bach thì trí thức cao siêu, còn nhạc Beethoven thì sâu đậm tình người hơn. Thế mà trước đó 200 năm, vào năm 1740, một tờ báo Đức cũng mở cuộc thăm dò, thì dư luận chọn được 10 nhạc sĩ lớn, trong số đó Teleman đứng đầu sổ, còn J.S. Bach thì đứng thứ 7. Hơn nữa, trong lúc sinh thời, Bach đã muốn có một môi trường để sinh hoạt nghệ thuật, nên đã đi từ nơi nọ đến nơi kia dự thi lấy cái địa vị Cantor (ca viên), trong một ban hợp xướng tại các nhà thờ. Tại Hamburg, vì ban giám khảo có ác cảm với Bach nên ông bị đánh rớt. Sau cùng, Buch mới trúng tuyển chức Cantor tại nhà thờ thánh Thomas ơ Leipzig, và ở địa vị đó để phụng vụ nghệ thuật cho đến chết, vì Bach là người rất mộ đạo. Bằng chứng là mỗi khi bắt đầu sáng tác thì ông đề chữ J.J. (Jesu juva: Xin Chúa Giê-su giúp đỡ) và khi hoàn tất một tác phẩm thì ông đề chữ S.D.G. (Soli Deo Gloria: Chỉ vì vinh danh Thiên Chúa thôi).

Trường hợp Beethoven: Nội tâm Beethoven là một cuộc đấu tranh không ngừng giữa cái thực tại của cuộc đời và niềm hy vọng, như là giưa bóng tối và áng sáng. Từ cuộc đấu tranh chua xót đó, nảy sinh ra một tình yêu thương nhân loại bao la. Chính lúc đó, Beethoven gặp ngay được bài thơ của Goethe ca tụng tình thân yêu giữa anh em bốn bể, Beethoven liền dệt nhạc vào bài thơ, và đóng khung nó trong bài Sinfonia số 9. Hoàn tất bài Sinfonia, Beethoven cho ra mắt tại Paris lại thủ đô ánh sáng của Châu Âu lúc bấy giờ, và bài Sinfonia này cho tới ngày hôm nay vẫn được yêu chuộng và được phổ biến khắp năm châu. Có người Âu châu đã được nghe bài Sinfonia này tại một nơi hẻo lánh ở Phi Châu. Mỗi năm cứ đến ngày kỷ niệm thành lập Liên Hiệp Quốc, thì cơ quan này cho phóng bài Sinfonia số 9 lên vệ tinh cho khắp thế giới nghe để tự nhắn nhủ là thay vì đánh nhau thì chúng ta hãy yêu thương nhau trong một tình anh em thắm thiết. Thế mà báo chí Paris ra sau buổi ra mắt bản Sinfonia số 9 đã chửi bới Beethoven thậm tệ, cho là ông này điên mất rồi, vì ông đem đặt cái cày trước con trâu. Sinfonia nghĩa là thể nhạc dùng âm thanh thuần tuý để diễn tả, thế mà còn nhét lời ca vào thì ra Cantata rồi còn gì nữa, điên ôi là điên. Đàng khác, đến cuối đời, lúc Beethoven trở thành điếc đặc, không còn khả năng hành nghề âm nhạc trong triều đình để mua vui cho những vị quyền quý, thì họ cho ông về nghỉ với đồng lương hưu trí ít ỏi. Trong thời gian đó, cứ chiều chiều Beethoven thường ra ngoại vi thành Bonn dạo qua các rừng thông bát ngát. Chiều hôm đó ra khỏi Bonn, tạt vào một quán nhậu vắng khách, chỉ có mấy anh em nhà chủ đang tấu nhạc. Không còn nghe được nữu thì Beethoven ngồi yên một xó để quan sát, thấy mấy anh em say sưa tấu nhạc, tấu xong, anh em buông đàn ôm hôn nhau say đắm. Beethoven đau đớn vì nghĩ rằng trời cho minh cái khiếu về âm thanh rồi lại cô lập mình khỏi thế giới âm thanh, cướp lấy của mình cái khả năng nhận biết được những âm thanh kia là âm thanh gì mà đã mê hoặc được những anh em kia như vậy. Beethoven liền xin anh em cho coi bản nhạc, Beethoven càng đau đớn khi thấy là tác phẩm của mình.

Trường hợp Mozart: Mozart mà chúng ta kêu là thần đồng về âm nhạc. Tôi đã được đọc ở ngoài bìa một dĩa hát một bài giới thiệu dĩa hát đó, trong đó có câu nói của một nhạc trưởng người Mỹ như sau: “Khi tôi muốn làm vui lòng ai, thì tôi cho dàn nhạc của tôi cử một bản Concerto của Mozart cho người đó nghe”. Khi tôi qua Đức vào khoảng thập niên 60, một bà cụ trạc bát tuần cho tôi một cuốn tuyển tập các bài Sonata của Mozart với mấy chữ đề ở đầu cuốn sách như sau: “Ước mong những âm thanh du dương, huyền dịu này sẽ làm cho đời bạn được êm ả”. Mozart là như vậy, nhưng vào ngày 8.12.1791, khi ông qua đời thì chỉ có mấy người bạn thân thiết tiễn đưa linh cữu ông tới nhà thờ làm các lễ nghi tôn giáo và sau đó theo một bức họa còn giữ lại được tới ngày nay, thì chỉ có một người kéo xe tang ra nghĩa trang với con chó đi theo sau. Tại nghĩa địa, vì không có tiền mua đất, nên thi hài của Mozart đã được chôn ở một hố công cộng. Sau một thời gian dài lâm bệnh, bà Mozart tới nghĩa trang kiếm mộ chồng, thì ông gác dan lúc chôn cất Mozart cũng đã chết, không còn ai chỉ cho bà biết mộ chồng ở đâu. 

Chúng ta thấy chưa, khi sinh thời thì các nghệ sĩ bị hất hủi, bạc đãi, chê bai, ha nhục, thế mà họ vẫn sống với một niềm tin, một niềm hy vọng. Bằng chứng là những tác phẩm của Beethoven cho dù có đau đớn thảm thiết đến đâu, thì trong hồi kết thúc cũng cho chúng ta thấy một tia sáng ở cuối đường hầm. Thí dụ theo chính lời nói của Beethoven thì bản Sinfonia số 5 đã mở đầu bằng 3 tiếng gõ cửa của thần định mệnh, thế rồi bản Sinfonia đó cũng kết thúc tưng bừng trong cung điệu Đô trưởng. 

Chúng ta chỉ tiếc một điêu là các nhạc sĩ kể trên không còn sống tới ngày hôm nay để vui mừng vì sứ điệp của họ đã được người đời đón nhận nồng nhiệt. Có người nói: Chỉ cần để ra một bên số tiền doanh thu của một buổi hoà nhạc Mozart hoặc Beethoven... cũng đủ để giúp các nhạc sĩ đó có được một đời sống vật chất đầy đủ, không thiếu thốn cơ cực như lịch sử đã kể lại.

Chúng ta thấy chưa, những nhân tài như J.S. Bach, Beethoven, Mozart... đã bị người đồng thời và đồng hương hất hủi, kèn cựa thì cũng chẳng phải là điều lạ, vì chính người Việt mình cũng đã nói: Bụt nhà không thiêng, tương tự câu tục ngữ Latin viết: “Nhà tiên tri đâu có được tôn trọng tại quê hương mình"

(Nguồn: Lm Tiến Dũng)

Tổng hợp: Anthony



XIN HÃY SAI CON