SUY NIỆM TIN MỪNG MÁC-CÔ (MC 1, 29-39)
Antôn P. Dương Văn Hạnh, SDD Noviciate
Hôm nay, thánh sử Mác-cô tường thuật về việc Đức Giêsu đến nhiều làng mạc và chữa mọi bệnh tật trong dân.
Trước hết, Đức Giê su là một người không chọn việc, Ngài làm tất cả mọi việc mà người ta đem đến cho. Khi “bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường” thì “lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,30-31). Không chỉ thế, Đức Giêsu còn chữa nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật, trừ nhiều quỷ nữa (Mc 1,33). Ngài không chọn việc còn thể hiện ở chỗ: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”.
Thứ hai, dù làm việc của Chúa như thế, phục vụ dân như thế nhưng Đức Giêsu luôn dung hòa giữa công việc và đời sống cầu nguyện. Sau một ngày làm việc cật lực, hầu như không ngừng nghỉ thì “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Nói đến đây, bạn có thể thấy, dù có làm việc cả ngày trong công tác mục vụ của mình thì Ngài vẫn dung hòa với đời sống tương quan mật thiết với Chúa Cha, đó là việc cầu nguyện. Vậy, trong đời sống thường nhật, cũng như trong đời sống mục vụ tông đồ, bạn và tôi đã biết dung hòa giữa công việc và đời sống cầu nguyện chưa? Hay là nhiều lúc chỉ lo công việc hào nhoáng bên ngoài mà “tặc lưỡi”, bỏ bê đời sống nội tâm tương quan với Chúa?
Thứ ba, Đức Giêsu là người không “an phận” cho những gì Ngài đã làm. Điều đó thể hiện ngay trong câu Tin mừng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã xung quanh, để Thầy con rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1, 38-39). Đó là một trạng thái luôn sẵn sàng ra đi, tìm đến những vùng đất mới đang cần ánh sáng Lời Chúa chiếu soi. Giá sử Đức Giêsu ở lại vùng Ca-phác-na-um ấy, chính lúc danh tiếng Ngài đang được lan rộng, những việc Ngài làm đang được mọi người yêu mến, thì Ngài tha hồ hưởng thụ những thành quả và sự tung hô của họ. Nhưng với Ngài, chỉ có ra đi và trao ban tình yêu Thiên Chúa cho muôn dân. Ngày nay, khi có được chút kiến thức, giới trẻ thường hay an phận chứ không còn tinh thần cầu tiến, họ cứ nghĩ mình đã đủ, đã giỏi; mình không hơn ai, cũng không thua gì ai. Cho nên trạng thái ù lì, “an toàn” xảy ra không thiếu trong thế hệ trẻ hiện nay…
Riêng bạn và tôi hay các linh mục, tu sĩ trẻ sau khi đã làm được một công trình gì đó, một thành quả nào đó ở quê hương rồi, liệu các ngài có dám bỏ lại tất cả để rắc gieo hạt giống Phúc âm nơi vùng đất mới hay không? Những miền truyền giáo, những dân tộc, những thổ dân… ở khắp nơi trên thế giới đang rất cần sự dấn thân của các ngài. Những nơi ấy, họ đang cần món ăn tinh thần hơn cả, cho dù họ có thiếu thốn về vật chất- ấy là Lời của Chúa. Những giáo điểm truyền giáo cần được thiết lập ở giữa họ. Bạn và tôi hãy đến, hãy sẵn sàng ra đi để làm việc đó; và khi đã gầy dựng được “cơ ngơi”, “hạt giống”ban đầu, thì cũng sẵn sàng rời bỏ để tìm đến những nơi khác và gieo rắc như vậy. Như thế, ta đang học theo Đức Giêsu tinh thần luôn sẵn sàng ra đi khai mở, ban bố Tin mừng , rắc gieo yêu thương cho muôn dân vậy.
Ước mong rằng, một vài điểm gợi ý trong bài Tin mừng của thánh sử Mác-cô hôm nay cho bạn và tôi những cái nhìn mới, những bài học mới để áp dụng vào thực tế đời sống hiện tại cũng như công việc mục vụ tông đồ.
Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé: