Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Friday, January 5, 2018

Chủ nghĩa khoái lạc trong xã hội hiện nay- Anthony Dương Văn Hạnh

CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN NAY
Dương Hạnh
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta đang đề cao lối sống thực dụng, hưởng thụ. Con người chạy theo vật chất, lạc thú, chỉ biết thỏa mãn các đam mê của mình. Lối sống đó lan tràn trong gia đình, trên học đường, ngoài xã hội, thậm chí còn đi vào trong đời sống tu trì nữa.
Thiết tưởng, chủ nghĩa khoái lạc là một trào lưu hưởng thụ của loài người trong thời đại mới. Nơi đó, con người tìm lạc thú, dục vọng và tiền tài vật chất; mọi thứ đều quy đổi thành tiền, có tiền là có thể mua được tất cả, dùng tiền là thỏa sức hưởng thụ, không có tiền thì bất chấp để có được.

Thứ nhất, trào lưu khoái lạc trong môi trường gia đình, học đường. Thế hệ trẻ học sinh đã yêu đương sớm, vì thế, thay vì tiền bạc bố mẹ cho để đi học thì lại dành vào việc ăn chơi, lêu lỏng với người yêu. Từ đó, đôi bạn trẻ học sinh có thể dẫn vào những cuộc vui “truy hoan” tìm lạc thú, dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nguyên nhân, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, của gia đình; sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường. Mặt khác, nhà trường chỉ lo nhồi nhét một đống kiến thức khổng lồ mà không chăm lo rèn luyện đạo đức, nhân cách cho học sinh trước đã. Bên cạnh đó, xã hội lại khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi vào cạm bẫy. Điều đó thể hiện rõ trong thực tế: Trường học, bệnh viện thì ít nhưng các tụ điểm ăn chơi như quán bar, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm khắp nơi. Nếu bạn không tin, hãy đến các thành phố (Vinh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu…) để chứng kiến điều tôi nêu ở trên. Thật là đáng buồn cho thế hệ trẻ- tương lai của đất nước!
Thứ hai, trào lưu khoái lạc đi vào môi trường tu trì, khiến đời tu đang bị tục hóa. Các bạn trẻ đến với đời tu có còn vì yêu Chúa, muốn dâng mình thật sự bằng một sự từ bỏ vinh hoa, danh lợi và vật chất để phục vụ tha nhân? Trong trào lưu thế giới quan duy vật hiện nay, hầu như tôi chưa thấy được niềm say mê yêu Chúa thật sự như vậy. Phải chăng vẫn còn đó nhiều bạn trẻ tìm đến đời tu để được người ta kính trọng (danh), để được gọi ông cha bà phước hay ông thầy; để được vật chất đầy đủ tiện nghi, xe cộ đủ “mốt”; được ăn ngon mặc đẹp cả ngày (lợi). Nhiều khi chủ nghĩa khoái lạc xác thịt cũng bị đưa vào đời tu và làm cho môi trường thánh thiêng này đang bị tục hóa. Thánh Phaolô đã nhắc nhở trong thư gửi Giáo đoàn Êphêsô rằng: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em phải tránh. Đừng nói thô tục, cợt nhã: Đó là điều không nên” (Ep 5,3-4). Vậy mà tôi vẫn thấy đâu đó trong môi trường tu trì vẫn còn những tiếng đùa “cợt nhã” ấy. Phải chăng “lòng đầy thì miệng mới nói ra”. Để thỏa sự hiếu kỳ hay dục vọng mà một số tu sĩ trẻ vẫn hay kiểu “cợt nhã” như vậy.
Mặt khác, chủ nghĩa khoái lạc vào đời tu là để đề cao cái tôi được trọng vọng, được tung hô. Dần dần, người tu sĩ không còn mang nghĩa “tốt đẹp” của nó thuở ban đầu, mà trở thành một cái nghề. Một số linh mục chê bai bỗng lễ ít  nhiều; rồi xảy ra chuyện chọn lễ “béo, thơm” để dâng (cử hành một cách long trọng) cho người xin lễ; còn những thánh lễ người ta xin miệng hoặc giá trị bỗng lễ ít thì chuyển cho Linh mục khác cử hành. Phải chăng các ngài đang “mại thánh”-đang dùng Bí tích như là phương tiện để buôn bán? Điều này cũng đồng thời là vấn nạn đáng buồn, đặt ra một dấu hỏi lớn trong vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, còn một số tu sĩ – linh mục trẻ (nhất là linh mục triều) thì chạy theo “mốt”- ăn chơi đua đòi theo sự phát triển của công nghệ. Nếu người khác có xe tay ga, xe hơi thì mình cũng phải có một chiếc như vậy; người khác có máy tính bảng “Aple”, có điện thoại “Smartphone” xịn, mình cũng phải kiếm cách mua cho kì được vv. Đó là những điển hình cho thấy đời tu đang bị tục hóa, chủ nghĩa khoái lạc-thỏa mãn lòng dục về danh-lợi-thú. Làm cho đời tu đang bị một cái nhìn méo mó.
Tuy nhiên, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh” như thế thì cũng có những người sống rất công chính, nề nếp theo đúng môi trường và bậc sống của mình. Là một người giáo dân, họ chu toàn bổn phận với vợ con, chung thủy với gia đình mình gầy dựng nên; là một Tu sĩ, họ trung thành giữ các lời khuyên Phúc âm một cách nghiệm nhặt, ăn chay, phạt tội bản thân; là một Giáo sĩ, họ chu toàn tác vụ được giao với tình yêu mến, luôn sẵn sàng mang tinh thần phục vụ của Đức Kitô, sẵn sàng ra đi tìm đến đoàn chiên, sống cùng-sống với chiên, “ngửi” thấy “mùi chiên” của mình. Họ yêu chiên, và vật chất họ có được chỉ để trao ban cho con cái, cho những người nghèo đói, bệnh tật. Hầu như tất cả họ không còn vun vén gì cho bản thân mình. Điều đó thật đáng trân trọng, và càng quý mến giá trị của đời tu thanh cao, đẹp đẽ như vậy.

Tóm lại, dù ở môi trường nào trong xã hội hiện nay (gia đình, học đường, xã hội, và cả môi trường tu trì) thì chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa hưởng thụ thỏa mãn lòng dục của con người đang lan tràn. Danh-lợi-thú là những cái dục của con người cần phải chế ngự và chống trả quyết liệt. Có như thế thì tâm hồn con người mới thanh thoát, và hạnh phúc đích thực mới triển nở và tồn tại được.

Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé:

0 comments:

XIN HÃY SAI CON