Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Sunday, April 22, 2018

Lời ngọt dễ nghe, thẳng thật thì mất lòng- Cảm nhận nhân đọc Ga 6, 60-69) -Anthony Dương Văn Hạnh)

LỜI NGỌT DỄ NGHE, THẲNG THẬT THÌ MẤT LÒNG
(Cảm nghiệm Ga 6, 60-69)

Anthony Dương Văn Hạnh

“Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?  (Ga 6, 61).
   Nhiều khi trong đời, người ta thích nghe những lời ngọt ngào, dễ nghe; còn những lời chua chát như tát vào mặt thì lại khó chịu. Đó là tâm lý của con người.

   Có một thứ lời, dù khó nghe hay dễ nghe lại mang lại sự sống đời đời, lời ấy đầy yêu thương mà Chúa dành cho mỗi người thì lại không được nghe và đón nhận.
Bối cảnh bài Tin mừng hôm nay nói lên điều đó: những lời ấy, "anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?" (Ga 6, 61); và rồi "các môn đệ dần dần rút lui, không còn đi theo Người nữa" (Ga 6, 66).
   Lời yêu thương Chúa dành cho ta thì lại không được nghe: "Ta là bánh hằng sống, ai ăn thịt và uống máu Ta", ai nghe và tin lời Ta và đem ra thực hành thì được sống muôn đời... Ấy thế mà mọi người cho là chướng tai, là khó chịu.
   Thứ nhất, Lời mật ngọt như rót vào tai thì ai cũng thích nghe. Ở đời lắm kẻ nói lời nịnh hót, thích được tâng bốc, thích được nhẹ nhàng... Những lời ấy, nếu xét cho cùng, không chỉ hại người ta nhưng còn làm cho người ta sai lại càng sai, đi đến chỗ diệt vong. Bởi họ cứ nghĩ rằng những lời ngọt ấy mà mình được nghe là mình đang hoàn hảo. Thí dụ, "anh yêu em, anh thương em lắm"; nhưng thực chất lại đang là những lời đường  mật để lừa gạt, lợi dụng "em"; hay những lời ngọt, nịnh bợ để được thăng quan tiến chức vv... Dù tốt hay xấu, thì những lời mật ngọt ấy người ta vẫn thích nghe hơn.
   Thứ hai, còn chỉ bảo dạy dỗ, còn những lời chua chát là còn yêu thương. Ông bà ta có câu: "thương cho roi vọt, ghét cho ngọt cho bùi", chừng nào ta còn được góp ý, còn được chỉ dạy thì nghĩa là ta đang còn được quan tâm, yêu mến. Bởi "sự thật thì mất lòng", nhưng "mất lòng trước, được lòng sau". Thà có làm tổn thương, có đau mà đem lại lợi ích cho người đó ngày một trở nên tốt hơn thì nên làm.
   Trái lại, một khi người ta không thèm nói gì nữa, không còn nặng lời chua chát mà chỉ cốt ở ngọt ngào, nịnh hót lấy lòng, thì chưa chắc đấy là lúc tình thương của họ dành cho bạn đang còn. Nhưng chỉ muốn cho bạn tự "bơi" mà sống, tự trưởng thành; dù bạn có rơi xuống hố thì cũng mặc kệ.
   Còn những người nặng lời, những lời nói của họ dù khó nghe nhưng đồng nghĩa là bạn còn được yêu thương. Bởi vì sự quan tâm, vì tình yêu mến muốn cho bạn nên tốt hơn mà họ phải làm như thế. Hãy biết trân trọng giá trị của những lời đó, bởi những lời ấy mang lại cái "hậu" cho tương lai của bạn.
   Thứ ba, chỉ có một thứ lời  đầy yêu thương tột đỉnh, nhiều khi ta lại gạt qua hay lãng quên, nhưng nó lại mang lại sự sống vĩnh cữu cho bạn và tôi, đó là Lời của Chúa. Lời Chúa là lời chân lý, là lời tình yêu, một tình yêu trao ban mà không hề đòi đáp đền; lời ấy dành chung cho tất cả mọi người không loại trừ, phân biệt ai. Nếu ai chịu nghe, tin, và đem Lời Chúa ra thực hành thì sẽ được hạnh phúc, bình an, và đạt đích điểm là sự sống đời đời.
Một điểm khác nữa, Thiên Chúa luôn ban cho ta tự do để ta chọn lựa. Chọn theo điều tốt hay điều xấu là ở cá nhân của mình, và hệ quả ra sao thì chính ta là người chịu trách nhiệm với sự tự do được trao ban. Chúa luôn yêu thương ngay cả khi Giuđa phản bội, nhưng ông ta lại không nhận ra lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài, nên đã vùi mình bằng cái chết treo cổ tự tử. Giuđa cũng có tự do, nhưng ông ta lựa chọn theo điều xấu, làm nô lệ cho ma quỷ, cho tiền bạc, để rồi bán Chúa. Đó là một sự lựa chọn sai lầm.
   Trong cuộc sống, vẫn còn đó những người không thích nghe những lời ngọt ngào, nhưng lại ưa thích đón nhận những lời chướng tai, trái ý. Phêrô là điển hình trong nhóm mười hai khi ông thốt lên câu nói: "Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai" (Ga 6, 68). Lúc bạn hay tôi còn chấp nhận nghe những lời trái ý là lúc ta đang còn có chí tiến thủ, còn muốn sửa sai để nên hoàn thiện, bởi "nhân vô thập toàn", con người ai cũng yếu đuối, không ai "mười phân vẹn mười" cả. Nhưng, ai không thích nghe những lời chướng tai, gai mắt mà chỉ thích những mật ngọt thì lúc đó họ đang trên đà đi xuống về đàng nhân đức.
   Ước gì lời Chúa hôm nay giúp bạn và tôi biết nhìn lại chính mình. Nhận thức rằng mình yếu đuối, hèn mọn mà biết sửa sai, đón nhận những góp ý, dù lời được nghe chướng tai mấy đi nữa; nhưng đó là lời của yêu thương, chứa đầy sự quan tâm. Đừng chỉ thích nghe những nịnh hót, những lời ngọt ngào mà dẫn mình tới chỗ diệt vọng. Trên hết tất cả, bạn và tôi hãy luôn lắng nghe Lời Chúa, đón nhận, tin và đem lời của Ngài ra thực hành trong cuộc sống thường nhật.

Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé:

Monday, April 16, 2018

Tóm lược Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả các người thánh hiến nhân dịp năm Đời sống thánh hiến (2015-2016)

TÔNG THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI TẤT CẢ CÁC NGƯỜI TẬN HIẾN NHÂN DỊP NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIỀN

Lm. Giuse Phan Tấn Thành (chuyển ngữ)

Anthony Dương Văn Hạnh (Tóm tắt)

Hoàn cảnh ra đời Tông thư: Để đáp lại ước nguyện của nhiều anh chị em và của Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn tông đồ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiến chế tín lý Lumen gentium về Hội thánh đề cập đến các tu sĩ ở chương VI, cũng như Sắc lệnh Perfectae caritatis  về việc canh tân đời sống tu trì; phần nào lấy lại điều đã đề cập trong tông huấn hậu thượng hội đồng Vita consecrata - tông huấn “Đời sống thánh hiến” do Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 25-3-1996.
Thời gian thực hiện năm Đời sống thánh hiến: Bắt đầu từ 30/11/2015 đến 2/2/2016
Đối tượng hướng tới: Các người nam nữ sống đời tận hiến.
Tông thư gồm 3 phần chính:
I.       Những mục tiêu của năm Đời sống thánh hiến
II.      Những mong đợi cho năm Đời sống thánh hiến
III.     Những chân trời mới cho năm Đời sống thánh hiến

Phần I. Những mục tiêu của năm Đời sống thánh hiến

1.             Nhìn về quá khứ với niềm tri ân.

Đây không phải là chuyện khảo cổ hoặc luyến tiếc dĩ vãng, nhưng là đi lại con đường của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng, những dự phóng, những giá trị đã thúc đẩy họ, bắt đầu từ các vị sáng lập và các cộng đoàn tiên khởi. Đó cũng là một cách để ý thức được cách thức mà tiền nhân đã sống đặc sủng, những bước đột phá, những khó khăn đã đương đầu và vượt qua.
2.             Sống giây phút hiện tại với niềm hân hoan, say mê.

Niềm say mê trước hết là say mê Đức Giêsu – Đấng là tình yêu độc nhất và duy nhất của chúng ta, mà đỉnh cao của niềm say mê ấy là sống các Lời khuyên Tin Mừng, thể hiện rõ khi tuyên khấn lần đầu. Làm sao đẻ cho Tin mừng như là “sổ tùy thân” cho cuộc sống hằng ngày.
Sống hiện tại cách say mê có nghĩa là trở nên “những chuyên viên hiệp thông”, “những kẻ làm chứng và kiến tạo “dự án hiệp thông” là chóp đỉnh của lịch sử loài người theo ý định của Thiên Chúa. Mỗi người thánh hiến được kêu gọi trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn có khả năng sống tương quan huynh đệ, nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã lãnh được.

3.             Nhìn về tương lai với niềm hy vọng.

Hoàn cảnh: Đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn dưới mọi hình thức: ơn gọi sụt giảm,  các thành viên tuổi cao, khủng hoảng tài chánh trầm trọng, những thách đố của việc quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những nguy cơ của thuyết tương đối, đời tu bị gạt ra bên lề và không được xã hội trân trọng ...
Niềm hy vọng nói đây không dựa trên số lượng hoặc các cơ sở. Nhưng đó là niềm hy vọng không lừa dối và cho phép đời sống thánh hiến tiếp tục viết lên trang sử trong tương lai, với niềm xác tín rằng Thánh Linh thúc đẩy chúng ta về tương lai để tiếp tục thực hiện những điều vĩ đại cùng với chúng ta.
Riêng các bạn trẻ, các bạn  là tương lai bởi vì các bạn sẽ được gọi để nắm giữ vai trò điều khiển việc linh hoạt, huấn luyện, phục vụ, sứ vụ của dòng. Các bạn sẽ là những người chủ động trong cuộc đối thoại với thế hệ đàn anh. Trong tình hiệp thông huynh đệ, các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ để trau dồi hiểu biết.

Phần II. Những mong đợi trong năm Đời sống thánh hiến.

1.          Yếu tố đầu tiên trong phần này của Tông thư như muốn làm nổi bật lên niềm vui của người tu sĩ, mà ĐTC Phanxicô nói: “ Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Thiên Chúa có thể làm tràn đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, nuôi dưỡng niềm vui, tình huynh đệ trong các cộng đoàn.
Người tận hiến không nên có những khuôn mặt buồn rầu, nhưng luôn toát lên niềm hân hoan; bởi vì “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn” (Tông thư Los caminos del Evangelio, gửi các tu sĩ nam nữ Mỹ châu Latinh nhân dịp 5 năm truyền giảng Tin mừng tại thế giới mới (29-6-1990), 26.).

2.        Chúng ta cần thể hiện tính ngôn sứ trong năm Đời sống thánh hiến, bằng cách “đánh thức thế giới”. Một người tu sĩ không bao giờ được khước từ tính ngôn sứ, vì ngôn sứ biết rằng mình không cô đơn. Vì thế, mong ước anh chị em hãy biết tạo ra “những chỗ khác” chứ không nên nuôi dưỡng những “chỗ không tưởng”. Nơi đó, làm cho chúng ta sống Tin mừng về sự trao ban; sống tình huynh đệ, tiếp nhận sự khác biệt, yêu thương lẫn nhau.
3.        Những người tận hiến được mời gọi trở nên những “chuyên viên hiệp thông” không chỉ trong cộng đoàn Dòng tu của mình, nhưng còn với các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn khác nữa. Nhằm tạo nên sự hợp nhất, hợp lực trong Giáo hội.
Theo đó, ở trong cộng đoàn không được phép tồn tại những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tì hiềm, đố kỵ... Nhưng luôn niềm nở đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, chia sẻ vật chất, tinh thần; sửa bảo nhau với tình bác ái huynh đệ; tôn trọng những người yếu đuối.
Liên cộng đoàn thì cùng nhau hoạch định những chương trình, dự án đào tạo, loan báo Tin mừng, hoạt động xã hội vv. Đây là điểm nhấn, kêu mời các phần tử của các dòng tu mạnh dạn “ra khỏi biên cương của Dòng mình” để tạo nên sự hiệp nhất trong Giáo hội.

4.          Đức Thánh Cha mong đợi mọi thành phần trong Giáo hội “ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời”. Đừng khép lại trong chính mình, đừng để bị giam hãm trong những vấn đề nội bộ.
ĐTC cũng mong đợi sự hợp nhất giữa các Đan viện, Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn... hầu làm nổi bật linh đạo và đoàn sủng riêng của từng Dòng qua việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Phần III. Những chân trời của năm Đời sống thánh hiến.

Năm Đời sống thánh hiến không chỉ dành cho những người thánh hiến, nhưng còn mở ra cho các giáo dân, những Kitô giáo; các tôn giáo bạn qua việc đối thoại liên tôn.
1.           Đức Thánh Cha kêu gọi anh chị em giáo dân, người Kitô giáo cùng sống năm Đời sống thánh hiến, để cộng tác học hỏi kinh nghiệm và đặc sủng khác nhau của từng gia đình hay những nhóm giáo dân khác; làm cho gia đình thêm phong phú hơn, nâng đỡ lẫn nhau.
2.          Đức Thánh Cha ngỏ lời với toàn thể dân Kitô giáo ý thức về ân huệ của sự hiện diện những người tận hiến- những người đã và đang kế thừa những đại thánh đã làm nên lịch sử của Kitô giáo. Vì những vị đại thánh ấy qua các thời đại là những dấu chỉ của muối, của men cho đời; như lời ĐGH Phaolô VI: “nếu không có dấu chỉ cụ thể này, đức mến hun nóng toàn Giáo hội có nguy cơ sẽ nguội đi, sự nghịch ý cứu độ Tin mừng sẽ ùn đi, “muối” đức tin sẽ hòa tan trong một thế giới đang tục hóa” (Evangelica testification, 3). Qua đó, Ngài mời gọi giáo dân cộng tác với những người tận hiến; hợp tác với họ để chia vui, sát cánh với họ trong những khó khăn trong sứ vụ. Ngỏ hầu làm cho những người tận hiến cảm thấy được lòng ưu ái và thiện cảm của toàn thể dân Chúa.
3.         Đức Thánh Cha cũng mời gọi và khuyến khích các phần tử thuộc đời sống thánh hiến cũng như những huynh đệ thuộc các Giáo hội khác nhau gặp gỡ, đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quý trọng, hợp tác hỗ tương. Nhằm tạo tinh thần đại kết, hợp nhất giữa tất cả Giáo hội.
4.           Việc đối thoại liên tôn về đời sống đan tu giữa Giáo hội Công giáo và một vài truyền thống tôn giáo lớn cũng không thiếu những kinh nghiệm. Qua năm Đời sống thánh hiến này là cơ hội tăng thêm hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn; hợp tác với nhau trong nhiều môi trường hơn; giúp nhau nên phong phú và mở ra những hướng mới cho việc gặp gỡ giữa các dân tộc.
5.          “Đời sống thánh hiến là hồng ân cho Giáo hội, phát sinh trong Giáo hội, tăng trưởng trong Giáo hội và hoàn toàn hướng về Giáo hội”. Nên Đức Thánh Cha mời gọi anh em Giám mục cổ động một cách ân cần cho  đời sống thánh hiến; nâng đỡ, linh hoạt giúp đỡ trong việc phân định ơn gọi; “âu yếm, gần gũi” những người thánh hiến trong mọi hoàn cảnh đau đớn và yếu đuối mà một vài người tận hiến gặp phải. Nhất là dạy dỗ để soi sáng cho dân Chúa biết giá trị của đời sống thánh hiến.

(Vatican ngày 21 tháng 11 năm 2014, lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào đền thờ)
Phanxicô, Giáo hoàng








Sunday, April 15, 2018

Thầy đây mà, đừng sợ! (Ga 6, 20)-Dương Hạnh | Suy niệm Tin mừng (Ga 6, 16-21)

THẦY ĐÂY MÀ, ĐỪNG SỢ! (Ga 6, 20)

(Suy niệm Ga 6, 16-21)

Anthony Dương Văn Hạnh

Trong cuộc đời, chắc hẳn bạn và tôi đã có lúc sợ hãi, không sợ điều này cũng sợ  điều kia, đó là tâm lí chung của một con người. Thế nhưng, khi ta có người bảo vệ, che chở, thì cảm giác sợ hãi đó sẽ được vơi đi thật nhiều.

Trong cái nhìn đời thường, có lúc ta sợ người khác vạch tội ta; sợ không có công việc phù hợp; sợ bị rầy la; sợ gặp hiểm nguy trên đường đời... Bao nỗi sợ hãi ấy có thể đến với ta bất cứ lúc nào, nhiều khi làm ta cảm thấy chơi vơi, trống vắng.
Dưới nhãn quan Kitô giáo, có lúc ta cũng bị những nỗi sợ ấy chế ngự tâm hồn, khiến ta buồn rầu, lo lắng. Thế nhưng, nếu có đức tin và sự bình an nội tâm thì mọi thứ sẽ không còn là vấn đề đáng ngại. Trong đoạn trích Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su lại cho tôi niềm an ủi thực sự khi Ngài nói: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6, 20); điều quan trọng là bạn và tôi có nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời, trong từng giây phút hay không thôi...
Quả thế, Đức Giêsu hiện ra sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, điều đầu tiên Ngài trao  ban chính là: “Bình an cho anh em”. Nếu khi bản thân có bình an của Chúa, thì cho dù sóng gió, dù khó khăn trong cuộc sống có đến với mình, thì cũng dễ dàng vượt qua; chỉ cần lòng bình an và tin tưởng luôn có Chúa ở bên.
Mặt khác, khi nhìn kỹ đoạn trích (Ga 6, 16-21), bạn có thể thấy: không chỉ Chúa Giêsu hiện ra và đi trên mặt Biển hồ, nhưng còn có thể thấy được một phép lạ khác song song, xảy ra lúc đó chính là: Thuyền tới bờ nhanh hơn (“Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ (Ga 6, 21)”). Như thế, điều đó càng chứng tỏ quyền năng Chúa tỏ lộ thêm, giúp trấn an tinh thần, và niềm tin cho các môn đệ Ngài.
Thật vậy, sóng gió trên biển thì luôn luôn nguy hiểm; đến nỗi nhà thơ Xuân Quỳnh cũng còn cảm thấy và ví tình yêu với hình tượng sóng:  “dữ dội và dịu êm”; lúc thì “ồn ào và lặng lẽ”... (“Sóng”- Xuân Quỳnh, văn học 12, nxb Giáo dục 2008). Và những người đi biển hành nghề đánh cá lại càng cảm nhận rõ sự nguy hiểm của sóng biển, nó có thể nhấn chìm những chiếc tàu lớn vv. Không ngoại lệ, sóng gió cuộc đời cũng không kém những thăng trầm; khiến ta sợ hãi, lo lắng. Tuy nhiên, chỉ cần ta tin Chúa luôn hiện diện bên ta, bảo vệ ta; chỉ cần tâm hồn ta bình an, thì khó khăn nào cũng vượt qua, nỗi buồn nào cũng tan biến. Như lời Thánh vịnh 130 chép: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ- trong con, hồn lặng lẽ an vui”. Điều  tiên nhất là “Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa- tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”(Tv 36, 5)
“Thầy đây mà, đừng sợ!”. Câu nói của Chúa Giêsu với các môn đệ khi Ngài hiện ra trên mặt Biển hồ năm xưa, như một lời trấn ân cho bạn và tôi trên hành trình dương thế.
Ước mong rằng, bạn cũng luôn ý thức được Chúa luôn ở bên, và bình an của Chúa luôn ở cùng bạn, giúp bạn vượt mọi gian nan, sóng gió, khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường nhật.

Sunday, April 8, 2018

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI (Ga 21, 1-14)- Anthony Dương Hạnh
CÓ CHÚA TRONG ĐỜI

Anthony Dương Văn Hạnh, SDD Postulant

   Nhiều khi trong cuộc đời ta quên đi hay không nhận ra Chúa đang hiện diện trong mọi hoàn cảnh, trong từng giờ, từng phút giây quanh ta. Đã không ít một lần bạn tự nhủ: "Chúa ở đâu?". Bạn cảm thấy cô đơn, lạc lõng trên đường đời. Một nhạc sĩ cũng cảm nhận và sáng tác nên nhạc phẩm có câu: "Ngài ở đâu, sao con tưởng mình đang đơn côi...". Thế nhưng, thật sự Chúa luôn hiện diện và ở quanh ta, chỉ có điều bản thân không nhận ra nên cảm thấy như vắng bóng Ngài.

   Đoạn Tin mừng Thánh sử Gio-an tường thuật (Ga 21, 1-14) cùng với bài trích ở sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 4, 1-12) như nhắc nhở bạn và tôi một vài điểm đáng để suy tư và  đem ra hành động:
   Thứ nhất, nếu có Chúa, cuộc đời ta sẽ can đảm đối diện với tất cả khó khăn, thử thách trên đường đời mà không chút sợ hãi gì. Giá sử bạn hay tôi gặp chuyện buồn vì một công việc không thuận lợi, nhưng nếu có Chúa ở trong mình thì mọi điều đang gặp phải ấy, bạn sẽ xem như là món quà Chúa trao, và như vậy lòng bạn sẽ bình an, thoái mái vượt qua khó khăn ấy. Cũng như Thánh Phê-rô, ngài đã cảm nhận được mình đang có Chúa hiện diện, có Chúa ở bên.  Cho nên dù bị bắt và bị tống ngục  rồi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng tra hỏi, ngài đã không còn chút sợ hãi mà dõng dạc tuyên bố rằng: "Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã cứu chữa... Nhưng xin tất cả quý vị và toàn dân biết cho rằng: Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào Thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh và đứng ra trước mặt quý vị". Như thế, Phê-rô đã có được sự can đảm, mạnh mẽ khi có Chúa hiện diện trong mình để làm chứng và rao giảng về Đức Giê-su cho mọi người. (Cv 4, 8-10)
   Thứ hai, có Chúa trong mình, bạn sẽ biết tôn trọng người anh chị em xung quanh, tôn trong mọi người cùng nhân vị. Hình ảnh Phê-rô khi nghe ông Gioan- môn đệ Chúa yêu, nhắc khéo rằng: "Chúa đó!" thì Phê-rô lập tức khoác áo vào và nhảy xuống biển (Ga 21, 7). Hình ảnh này thể hiện sự tôn kính Thầy mình của Phê-rô. Qua hình ảnh trên, chiếu vào bạn và tôi, thì sự tôn trọng nhau, dành cho nhau lòng kính trọng thật sự trong mọi cử chỉ và hành động; điều đó sẽ diễn tả khi ta có Chúa trong mình từng phút giây.
   Thứ ba, có Chúa trong đời, bạn sẽ giảm bớt nhưng nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau. Bối cảnh bài Tin mừng hôm nay nói rõ điều đó. Sau khi kéo lưới cá đầy lên bờ, thì Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em đến mà ăn!", và rồi "không ai trong các môn đệ dám hỏi 'Ông là ai?', vì các ông biết rằng đó là Chúa (Ga 21, 12)". Như vậy chứng tỏ các môn đệ cảm thấy Chúa hiện diện, cảm thấy có Chúa trong mình, nên không một ai trong các ông nghi ngờ gì cả. Nhìn vào cuộc sống thường nhật, khi có Chúa trong  mình, bạn và tôi sẽ xóa đi được nhưng nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau; giúp tương giao trở nên khăng khít hơn.
   Có Chúa trong đời, bạn và tôi sẽ không chỉ thấy bình an, hạnh phúc mà còn can đảm đương đầu được mọi khó khăn, thử  thách trong cuộc sống; con người sẽ tương quan tốt hơn, tôn trong nhau, tôn trong nhân phẩm và chức vụ của nhau hơn; đồng thời cũng giảm đi nhưng nghi ngờ trong đời sống thường ngày, giúp nhau thêm khăng khít, đoàn kết hơn. Điều quan trọng là bạn và tôi có nhận ra Chúa đang hiện diện và ở cùng hay không. Hay là nhiều khi gạt Chúa ra một bên để bản năng làm chủ; cá nhân tính chế ngự là cho ta không còn nghe thấy tiếng Chúa thôi thúc mỗi ngày nữa.
   "Chúa ở đó mà sao con tưởng mình như đang đơn côi"... Ước gì mỗi người luôn luôn nhận ra Chúa ở cùng trong mọi lúc, mọi nơi của cuộc đời; biết lắng nghe và làm theo ý Chúa dù trong cái ồn ào của thế sự; cái náo động của kiếp người. Khi đó, cuộc đời bạn và tôi chắc chắn sẽ tìm được bình an, hạnh phúc.

XIN HÃY SAI CON