Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Tuesday, January 30, 2018

Những câu Kinh Thánh hay trong Tin mừng Mát-thêu
NHỮNG CÂU NÓI HAY TRONG TIN MỪNG 

MÁT-THÊU

 Anthony Dương Văn Hạnh (Sưu tầm&tổng hợp)

Mt3:2 "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến."
Mt3:3 Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Mt3:10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.
Mt4:4 Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

Mt5.3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Mt5.4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Mt5.5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Mt5.6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Mt5.7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Mt5.8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Mt5.9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Mt5.10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Mt5.11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Mt5:13 Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng.
Mt5:14 Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.
Mt5:17 Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
Mt5:18 Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.
Mt5:23-24 Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.
Mt5:28 Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.
Mt5:30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.
Mt5:34-35 Ðừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người.
Mt5:37 Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
Mt5:39 Ðừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
Mt5:44 Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Mt5.48 Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
Mt6:1 Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, ban thưởng.
Mt6:3-4 Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

Mt6:6 Khi anh cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo.
Mt6:7-8 Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
Mt6.14-15 Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.
Mt6:17-18 Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh.
Mt6:19-20 Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.
Mt6:21 Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.
Mt6.22 Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng.
Mt6:24 Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.
Mt6.25 Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc.
Mt6.31-32 Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.
Mt6:33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.
Mt6:34 Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
Mt7:1 Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.
Mt7:3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?
Mt7:7 Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho.
Mt7:9-10 Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?
Mt7:11 Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?

Mt7.12 Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.
Mt7:16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.
Mt7:17 Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.
Mt7:21 Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
Mt7:24 Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
Mt7:26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.
Mt8:8 Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.
Mt8.17 Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.
Mt9:12 "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.
Mt9:13 Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi".
Mt9.22 Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.
Mt9.29 Các anh tin thế nào thì được như vậy.
Mt9:37 "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít”.
Mt10.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
Mt10:16 Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
Mt10:19-20 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
Mt10.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
Mt10:27 Ðiều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.
Mt10:28 Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.
Mt10.30 Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.
Mt10:32-33 Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy.
Mt10:38-39 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
Mt10.40 Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
Mt10:42 Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
Mt11:25 Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
Mt11:28 Những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Mt11:29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Mt12:7 Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.
Mt12.31 Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha.
Mt12.32 Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.
Mt12.33 Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây.
Mt12:50 Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.
Mt13.31-32 Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.
Mt13.44 Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Mt13.45-46 Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Mt13.57 Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.
Mt14.34,36 Người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.
Mt15:8 Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.
Mt15.11 Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.
Mt15.28 Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.
Mt15.30-31 Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy.
Mt16.15-16 "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Mt16.18-19 Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy
Mt16:24 Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta.
Mt16:25 Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.
Mt17:20 Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được".
Mt18:3 Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
Mt18.4 Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
Mt18.6 Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.
Mt18.9 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.
Mt18.18 Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

Mt18:19-20 Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.

Mt18:21-22 "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?"…….. "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy".

Mt19.6 Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

Mt19.14 Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.

Mt19:23-24 Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.

Mt19.26 Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.

Mt19.29 Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.

Mt19.30 Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.

Mt20:26-27 Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.

Mt20:28 Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Mt21:22 Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.

Mt21:42 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.

Mt22:14 Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.

Mt22:21 Cái gì của Xê-da, trả về Xê-da; cái gì của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Mt22:37,39 Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.

Mt23.8 Phần anh em, đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.

Mt23.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.

Mt23.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.

Mt23:12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Mt23:27 Hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.

Mt24.35 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

Mt24.42 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.

Mt24.44 Anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

Mt25:35-36 Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.

Mt25:40 Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.

Mt26:34 Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần".

Mt26.40-41 Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.

Mt26.42 Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.


Mt29.18-20 Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế

Monday, January 29, 2018

Người môn đệ theo Đức Giêsu - Suy niệm Tin mừng Mác-cô (Mc 10, 1-9) -Anthony Dương Hạnh
NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU

Suy niệm Tin mừng Mác-cô (Mc 10, 1-9)

Anthony Dương Văn Hạnh, SDD Postulant

Người môn đệ của Đức Giêsu phải là người can đảm ra đi. “Này  Thầy sai anh em đi như chiên con đi giữa bầy sói” (Lc 10,3). Khi bước theo Chúa, người môn đệ cần tập cho mình sự can đảm, sẵn sàng ra đi và đi ra để đến với muôn dân, muôn người. Can đảm đi “khai hoang”, tim tới những vùng đất mới để gieo Lời Chúa, cho dù phải gặp nhiều chống đối, hận thù, ghen ghét, đố kỵ…
Người môn đệ của Đức Giêsu phải là người sứ giả gieo rắc hòa bình. “Anh em vào bất cứ nhà nào, thì anh em hãy trao bình an cho nhà ấy” (Lc 10,5). Dù đi đâu, đến sống ở đâu đi nữa, người môn đệ Chúa phải luôn luôn gieo bình an cho muôn người bằng đời sống chứng tá cụ thể hằng ngày của mình. Thể hiện qua: Lời nói, cử chỉ, cách sống, hành động…

Người môn đệ của Đức Giêsu không phải là người xin xỏ. Vì “làm thợ thì đáng được trả công” (Mc 10,7), và khi “anh em vào bất cứ thành nào, người ta cho anh em ăn thức gì thì anh em dùng thức đó” (Mc 10, 8). Nếu người môn đệ chỉ biết đi tìm, đòi hỏi vật chất từ người khác thì phải chăng người ấy đến và đang dùng Lời Chúa để xin trao đổi, để làm một cuộc “mại thánh”?
Đức Giêsu còn nói tiếp: “Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” (Mc 10,7); điều này có nghĩa là một sự đòi hỏi từ bỏ-những kiếm tìm vật chất trong hành trình theo Chúa. Những hệ lụy của sự tìm kiếm này là người môn đệ chỉ biết tìm đến những nhà giàu, tạo mối tương quan với họ, không chỉ một người mà là nhiều người để mong kiếm được gì khi mình cần, như: xe hơi, điện thoại xịn, laptop “ngon” theo “mode” của xã hội.
Sự từ bỏ thứ hai- từ bỏ tính không “duy ý chí” để rồi “đứng núi này, trông núi nọ”; đi theo Chúa mà còn ngoái lại, còn muốn tìm lạc thú, vật chất, hay chạy theo các đam mê. Việc “đi từ nhà nọ đến nhà kia” mà Chúa nói ở đây, chắc hẳn cũng không ngoài ý đó.
Nguyện xin Chúa thương gìn giữ chúng con là những người đang bước theo Chúa, biết sống xứng đáng để trở thành môn đệ trung tín với Ngài. Amen.


Tuesday, January 23, 2018

Thế nào là tình yêu thật _Bài nói chuyện của Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn
THẾ NÀO LÀ TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

(Bài nói chuyện của Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn- Tân GM Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn- Tiến sĩ Thần học về hôn nhân và gia đình tại Đại học Lateranensis, Roma)
    
(Anthony Padua Dương Văn Hạnh, Aspirian of SDD)
---tổng hợp---

   Thứ nhất: Tình yêu thật phải là một tình yêu có đam mê. Yêu thật lòng là phải có "ghen". Nếu không ghen, không xao xuyến khi thấy người mình yêu đi bên ai khác, hay ở bên ai khác thì đó thật sự chưa có sự chiếm hữu, chưa có đam mê. Mà sự chiếm hữu ở đây là "độc hữu" mà thôi, không chia sẻ cho bất kỳ ai... Vậy, nếu bạn chưa nhận ra dấu hiệu trên thì tình cảm của bạn với người ấy cần nên xem lại.
Nếu chỉ có tình yêu đam mê thì chưa đủ.

    Thứ hai: Tình yêu thật phải là tình yêu hướng tới sự thân mật. Thân mật là mỗi một ngày một gần hơn, không chỉ về tình cảm, tâm hồn mà còn là về thể xác nữa. Chừng nào không thấy những dấu hiệu này, chỉ là bạn mà thôi. Nếu là không khám phá ra dấu hiệu này thì chỉ là tình bạn, tình đồng chí, tình thương bình thường mà thôi.
    Thứ ba: Tình yêu đích thực là một tình yêu dấn thân, có cam kết. Chừng nào mà mình chưa thấy được "đời mình cần có chàng, có nàng; anh không thể sống nếu thiếu em; em không thể sống thiếu anh" thì cần xem lại chưa phải là tình yêu thật đâu. Chính nhờ sự khao khát và cần nhau thế này sẽ giúp đôi bạn dấn thân, và đi đến cam kết hiến dâng trọn cho nhau.


Tag: #SDD, #Aspirian-of-SDD, #Society-of-Domus-Dei, #tình-yêu-thật, #tình-yêu-đam-mê, #tình-yêu-kết-hợp, #tình-yêu-dấn-thân, #tình-yêu-thân-mật, #tình-yêu-chiếm-hữu



Saturday, January 20, 2018

Sự nghi ngờ, nghi kỵ lần nhau- Suy niệm Tin mừng Mác-cô (Mc 3, 20-21)
SỰ NGHI NGỜ, NGHI KỴ LẪN NHAU
Suy niệm Tin Mừng (Mc 3, 20-21)

Antôn Pađôva Dương Văn Hạnh

Hôm nay, Thánh sử Mác-cô đã tường thuật cho chúng ta về hình ảnh chính Đức Giê-su cũng bị nghi ngờ, bị người thân không còn tin vào Ngài nữa. “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến”; thấy thế, “thân nhân của Người liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3, 21). Có lẽ rằng, không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau khi cả người thân cận, máu mủ của mình lại không tin tưởng hay thừa nhận những việc mình làm. Thông thường, thì “con hát mẹ khen hay”, hay là dù người trong nhà mình có sai mấy đi nữa thì cũng cứ bảo vệ đến cùng. Ấy thế mà trường hợp của Đức Giêsu hôm nay bị chính những người thân của Ngài, trong đó có cả Thân mẫu Ngài cũng cho rằng : Người đã mất trí”.
Thomas Carlyle có câu: “Người ta phải xác nhận hoặc xóa bỏ nghi ngờ của mình, và biến nó thành sự chắc chắn của đúng hoặc sai” (One must verify or expel his doubts, and convert them into the certainty of Yes or No). Nghi ngờ là trạng thái không còn tin tưởng vào đối tượng hay sự việc mình đang chứng kiến hay đã xảy ra rồi. Nghi ngờ làm cho bản thân hoang mang, không còn phân biết đâu là đúng, đâu là sai; thực hư lẫn lộn. Do đó, nó đòi hỏi mình đi tìm bằng được chân lý để giải quyết sự nghi ngờ của bản thân.
Trong nội dung bài Tin mừng hôm nay, tôi xin chia sẻ 2 điểm mà tôi cho là cần thiết không chỉ với bạn mà còn với chính cá nhân tôi:
Thứ nhất, trong cuộc sống thường ngày, có lúc ta cũng thiếu niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa; nhiều lần nghi ngờ Ngài và chạy theo các thần ngoại bang. Điều đó thể hiện ngay lúc chúng ta gặp phải gian nan, thử thách trong đời sống. Nào là: ốm đau, bệnh tật, tai nạn, xui xẻo, làm ăn không thuận lợi, … Những lúc như thế, ta than vãn, kêu nài Chúa giúp, nhưng không được như ý muốn của tính “con người” mình thì đâm ra nghi ngờ: Không có Chúa!; “Chúa ở đâu sao lúc con gặp nguy khó mà Ngài ngoảnh mặt làm ngơ”; vv... Như vậy, niềm tin ta đặt vào Chúa còn non kém; có chăng niềm tin ấy chỉ tìm lợi ích cho bản thân rất “con người” của mình.
Thật thế, liệu bạn đã đủ đức tin để nhận ra rằng: Trong mọi biến cố của cuộc đời, bạn luôn có sự quan phòng, yêu thương, chăm sóc của Thiên Chúa chưa? Bạn xin nhà lầu, xe hơi, làm ăn thuận lợi, vợ đẹp con khôn… những thứ đó Chúa không ban cho bạn thấy nhãn tiền thì bạn lại vội kết luận Chúa bỏ mặc bạn. Nhưng nào bạn có biết và cảm nhận: Chúa cho bạn sức khỏe, sự bình an, gia đình ấm êm, vợ chồng hạnh phúc, của ăn đủ dùng hằng ngày; nhất là bạn không phải nằm bệnh viện để chữa bệnh như bao người khác đang gặp phải. Sao bạn không nhận ra và cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho bạn những thứ quý hơn vàng, bạc hay vật chất bạn như ý bạn xin. Phải chăng điều bạn xin là một, nhưng Chúa đã cho bạn gấp bội mà chính bạn không nhận ra, để rồi bạn chỉ biết than trách và không tin vào Chúa nữa.
Thứ hai, sự nghi kỵ lẫn nhau trong đời sống thường nhật làm phá vỡ mối dây liên kết và sự hợp nhất trong gia đình lẫn cộng đoàn.
Nhiều khi cha mẹ không hiểu con cái, con cái không hiểu tình thương yêu của cha mẹ dành cho mình-không vâng lời cha mẹ, điều đó làm cho gia đình chia rẽ nhau; vợ chồng thiếu sự cảm thông, chia sẻ, thiếu sự tha thứ, thay vào đó lại là những sự nghi ngờ và thiếu niềm tin vào nhau. Cho nên gia đình không còn hạnh phúc, ấm êm.
Mặt khác, đời sống cộng đoàn thiếu sự hợp nhất do không hiểu nhau, nghi ngờ lẫn nhau; sự phân chia bè phái của nhóm này nhóm kia; sự cục bộ cá nhân, hay sự phân chia vùng miền-các nền văn hóa. Những điều đó làm cho cộng đoàn ngày càng tan rã và thiếu đi sự hợp nhất.
Đời sống cộng đoàn đời tu cũng vậy! Không gì đau đớn cho bằng anh chị em trong gia đình, trong cộng đoàn chia rẽ nhau chỉ vì những cái tôi tồn tại trong cộng đoàn đó. Ca dao tục ngữ vẫn thường có câu: “khôn ngoan đối đáp người ngoài-gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Ý muốn nêu cao tình đoàn kết trong gia đình, trong cộng đoàn với nhau. Dù “chăn nào cũng có rận”, dù anh em có bất toàn hay những thiếu sót trong cuộc sống thường nhật thì cũng hãy yêu thương, bảo vệ nhau. Chia rẽ, thiếu tinh thần đoàn kết, đấu đá nhau là mối họa làm tan vỡ gia đình, cộng đoàn mình. Vì thế, nơi cộng đoàn tu trì luôn luôn cần giữ mối tương quan mật thiết, sự đoàn kết cao độ. Tránh đi những nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau không cần thiết; sẵn sàng góp ý, đối thoại giúp nhau thăng tiến và dẹp đi những điểm chưa tốt còn tồn tại; tránh đi những ghét ghen về những tài năng hay mặt mạnh của nhau, thay vào đó là luôn động viên khuyến khích người anh em, chị em mình phát triển khả năng của mình; tránh đi những tụ tập nhóm bè để nói xấu nhau vv…
Tóm lại, sự ghét ghét, nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau là những thói xấu đang làm mất đi tương quan tốt đẹp. Trước là tương quan với Thiên Chúa- Đấng tác tạo nên ta và luôn yêu thương quan phòng, dìu dắt ta trong cuộc sống. Sau là tương quan của ta với nhau trong gia đình và cộng đoàn nhân loại nói chung và cộng đoàn tu trì nói riêng. Chính sự nghi ngờ lẫn nhau sẽ kéo theo hệ lụy gây mất tình yêu thương giữa anh chị em với nhau; tạo sự chia rẽ và làm tan vỡ gia đình, cộng đoàn. Alexandre Dumas để lại một câu danh ngôn thật hay: “Tình yêu thuần khiết và nghi ngờ không thể ở cùng nhau: tại cánh cửa nơi nghi ngờ bước vào, tình yêu rời khỏi” (Pure love and suspicion cannot dwell together: at the door where the latter enters, the former makes its exit). Ước mong rằng, bạn và tôi đều tập cho mình được thói quen tránh đi sự nghi ngờ lẫn nhau. Giảm đi những ích kỉ, nói hành, nói xấu nhau; gia tăng sự đối  thoại để thêm hiểu nhau và tha thứ cho nhau. Bớt đi sự bè phái, thay vào đó là sự hiệp nhất, đoàn kết giữa các thành viên. Nhờ đó, đời sống gia đình và đời sống cộng đoàn sẽ ngày một triển nở hơn.

Anthony Padua Duong, Hanh Van

Thursday, January 18, 2018

"Dân chúng lũ lượt đi theo Người". Suy niệm Tin mừng Máccô (Mc 3, 7-12)- Anthony Dương Văn Hạnh
“DÂN CHÚNG ĐI THEO ĐỨC GIÊSU”
SUY NIỆM TIN MỪNG MÁC-CÔ
(Mc 3, 7-12)
Anthony Padua Dương Văn Hạnh, SDD Postulant

Ngay khi đọc đầu đoạn Tin mừng hôm nay, đập vào mắt tôi là từng câu chữ “người ta lũ lượt đi theo Người” (Mc 3,27). Danh từ “lũ lượt”  cho thấy số lượng người đi theo đông vô kể, không rõ là bao nhiêu. Họ đi theo Đức Giêsu vì lí gì vậy?
·        Vì ngưỡng mộ tài năng, năng quyền của Ngài?
·        Vì những lời Ngài giảng đầy hấp dẫn, uy lực; đầy chân lý, sự thật?
·        Vì để được Ngài chữa lành bệnh  tật đang mang trong mình?
·        Hay chỉ vì để được gặp Ngài, được lại gần Ngài, ôm Ngài cho thỏa lòng?
Dù rất nhiều lí do, nhưng có lẽ chỉ thời Đức Giêsu thì họ mới rõ là họ muốn gì, cần gì.
Ngày nay chúng ta đi theo Đức Giêsu vì cái gì?
Phải chăng là để xin Ngài cứu những lúc gian  nguy, khốn khó. Để khi đạt được nguyện vọng cá nhân thì lại gạt Giêsu qua một bên?...
Bạn và tôi-những người đi theo Đức Giêsu  học làm môn đệ  của Ngài: Chỉ để được người đời ca ngợi;  được danh vọng, chức quyền thế gian hay là để phục vụ tha nhân và phần rỗi các linh hồn vì yêu Chúa? [...]
Cuộc sống xã hội càng đi lên, thì con người càng sống trong buông thả, xa hoa. Còn mấy ai  bước theo Đức Giêsu. Có những người theo Chúa, làm một Kitô hữu chỉ để được dự phần sự sống đời đời với Ngài; vì một khi trở thành nghĩa tử là được đồng thừa tự, được thông phần hạnh phúc với Ngài. Quả vậy, dù mục đích tốt hay xấu thì đi theo Đức Giêsu là đường-là sự thật-là chân lý thì không thể là lựa chọn sai lầm.
Liệu ngày nay còn được bao nhiêu người theo Chúa?
Khi mà con người chỉ tìm hưởng thụ ở đời này và ăn chơi sa đọa, tôn thờ đủ loại tà thần. Họ không còn tin Chúa, chẳng cần biết ông Giêsu là ai. Vì thế, họ là những người đang đứng ngoài Giáo hội Chúa.
Còn những con người đang sống trong Giáo hội Chúa, mang danh là “Kitô hữu”, là con của Chúa thì họ lại sống không xứng là người bạn của Chúa Kitô:
 Ấy là những kẻ ăn cơm chẳng dám làm dấu thánh giá tuyên xưng đức tin của mình. Đó là những ngườibỏ xưng tội, rước lễ quanh năm; họa may họ chỉ tham dự các ngày lễ lớn theo phong trào cho vui. Đời sống của họ thiếu công bình, bác ái; mang đủ thứ tội và chai lì với nó. (ngoại tình, dâm ô, rượu chè, cờ bạc…) Thật đáng buồn và thảm hại cho những kẻ mang nhãn mác là “Kitô hữu”!
Lời Chúa hôm nay như một lời cảnh tỉnh cho bạn và tôi về phận làm con Chúa, và làm Ki tô hữu. Nhìn về thời của Chúa, “dân lũ lượt đi theo Người”. Thế nhưng, ngày nay liệu còn mấy ai bước theo Thầy Giêsu Chí Thánh theo “đúng nghĩa” để dấn thân làm chứng cho Ngài? Có chăng, còn đâu đó những kẻ chỉ tìm lợi cho mình trên danh nghĩa của Thầy, hoặc xa hơn là họ “mại thánh”-dùng danh Giêsu để mua bán, tìm lợi cho mình. Cũng có người còn đứng xa xa nghe ngóng mà chưa gia nhập thành viên gia đình Hội thánh Chúa; cũng có kẻ là thành viên rồi mà sống không xứng đáng là một người con, người Kitô hữu trong gia đình Chúa.
Ước mong rằng mọi người Kitô hữu hiểu và nhìn lại hành trình ơn gọi làm người, làm con Chúa mà Ngài đã thương ban để biết tri ân, cảm tạ và sống cho xứng đáng. Chúng ta cùng cầu cho sự hợp nhất giữa các Kitô hữu, cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa và những  người còn sống xa Chúa được ơn trở về để hưởng ơn cứu độ. Amen.

.



Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé:

Tuesday, January 16, 2018

Suy niệm Tin mừng Mác-cô (Mc 2, 23-28)- Anthony Dương Văn Hạnh
CÁC MÔN ĐỆ BỨT LÚA TRONG NGÀY SA-BÁT
Suy niệm Tin  mừng Mác-cô (Mc 2, 23-28)

Anthony Dương Văn Hạnh, SDD Postulant

Hôm nay, Lời Chúa nói về việc các môn đệ Đức Giêsu  bứt lúa trong ngày sa-bát và bị những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu lên án: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” (Mc 2,24). Thế nhưng Đức Giêsu đã đáp lại rất thẳng: “Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát. Bởi đó, con người làm chủ  luôn ngày sa-bát” (Mc 2, 27).


Ở đây, chúng ta thấy hai điểm nổi bật:
Thứ nhất, đừng sống theo hình thức, lề luật mặt chữ mà chèn ép người khác, nhưng hãy đặt vào đó tình yêu thương thì luật nên trọn hảo. Dẫu biết rằng, giữ luật thì luật giữ ta, tuy nhiên trong mọi ngữ cảnh, mọi trường hợp cần thiết thì nên sử dụng luật cho phù hợp. Nếu bạn hay tôi áp dụng luật theo một cách máy móc của mặt chữ thì phải chẳng cuộc sống chúng ta đang bị thống trị bởi lề luật? Con người phụ thuộc vào luật và bị luật làm chủ sao? Luật là đường hướng để cho toàn thể cộng đồng sống theo một đường hướng trở nên tốt, nhưng nếu luật không mang lại lợi ích cho con người, cho cộng đồng thì nên loại bỏ và tẩy trừ. Nếu luật làm cho tình con người xa cách nhau , không còn chút tình thương nào trong đó thì nên xem lại luật ấy. Cho nên, đừng áp dụng trên các mặt chữ, ưa chuộng hình thức bên ngoài. Thí dụ: Nếu người bà con của bạn chết được 5 ngày rồi, do di chuyển xa, từ nước ngoài về bằng đường biển khó khăn. Đến nhà thì đã nặng mùi, rất hại cho người thân còn sống. Mà luật của làng ở đây là phải đặt người quá cố trong nhà 3 ngày mới được đem đi chôn. Như vậy, trong trường hợp này có nên áp dụng luật ấy chăng? Bạn tự suy nghĩ và trả lời cho mình. Vì sức khỏe người còn sống hơn hay vì hủ tục kia hơn.
Thứ hai, Đức Giêsu rất tôn trọng sự sống. Bài Tin mừng hôm nay cho thấy rõ điều đó. Dù là ngày sa-bát, nhưng Ngài thấy việc bứt lúa của các  môn đệ là để cho họ có sức đi đường rao giảng. Đức Giêsu không áp dụng luật kiểu hình thức Pharisêu giả hình. Ngày nay cũng vậy, giá sử: nếu bạn đói lả lơi vì mấy ngày không có gì trong bụng rồi, nhưng hôm nay lại đến ngày chay thánh, bạn không còn sức nữa, nếu không ăn thì sẽ chết. Người ta thương, mang cho bạn một tô phở bò, nhưng bạn từ chối “vì đang ngày chay thánh”. Liệu như thế, phải chăng người kia cũng đang hình thức Pharisêu không? Sự sống hay lề luật quan trọng hơn? Chúa có chấp phạt nếu bạn ăn tô phở kia vì cứu sống bản thân hay không?
Ước mong rằng, một vài điểm suy ngẫm ở trên giúp cho mỗi người chúng ta ý thức được việc giữ luật, hiểu và đem ra thực hành bằng tình yêu đặt trong đó. Áp dụng luật để mưu cầu lợi ích cho tha nhân, cho đồng loại thì tốt hơn là dùng luật để áp đặt, chèn ép người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng trở nên như những Pharisêu giả hình chỉ biết ưa hình thức. Nhưng xin cho chúng con tình yêu thương để chúng con làm tất cả mọi việc đều trong thánh ý của Ngài. Amen.


Suy niệm Tin mừng Mác-cô (Mc 1, 21-28)- Anthony Dương Văn Hạnh
SUY NIỆM TIN MỪNG MÁC-CÔ
 (Mc 1,  21-28)
Antôn Dương Văn Hạnh
Hôm nay, khởi đầu Mùa Thường Niên ngay sau khi lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa kết thúc, Giáo hội đã đưa ra đoạn Tin mừng để nói về sứ vụ công khai rao giảng của Đức Giêsu: “Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (Mc 1, 22).
Tại sao lời Đức Giêsu giảng  lại có uy quyền?

·        Vì Lời Người giảng ra là lời chân thật, công lý
·        Người có quyền đến nỗi quỷ thần cũng phải khiếp sợ, bởi Người là Con Thiên Chúa. Sau khi được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa thì Thánh Thần đã xức dầu tấn phong Người, đến nỗi quỷ cũng phải thốt lên: “Ông Giêsu Nazaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24).
Ngày nay, liệu lời chứng của các linh mục, tu sĩ có còn uy quyền hay không, hay chỉ là có chút quyền giảng dạy trong tay rồi thích nói gì thì nói, mà chẳng có chút ‘uy’ nào? Bởi vì, “ngày nay người ta cần chứng  nhân hơn cần thầy dạy” ( Tông huấn Niềm vui Tin mừng của ĐTC Phanxicô). Thật vậy, lời rao giảng của các ngài có uy lực, hiệu quả hay không là ở đời sống hằng ngày của các ngài. Nếu đời sống tha hóa, bê bối, đầy những tham-sân-si thì các ngài cũng chỉ là những người dùng quyền để cai trị, để giảng như “những tiếng xèng la pheng phẻng” mà thôi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống chứng ta Tin mừng bằng những hành động cụ thể hơn là những lời nói suông, để những lời của chúng con mang lại ơn cứu độ cho mọi người.

Wednesday, January 10, 2018

Suy niệm Tin mừng Mác-cô (Mc 1. 29-39)- Anthony Dương Văn Hạnh
SUY NIỆM TIN MỪNG MÁC-CÔ (MC 1, 29-39)

Antôn P. Dương Văn Hạnh, SDD Noviciate
Hôm nay, thánh sử Mác-cô tường thuật về việc Đức Giêsu đến nhiều làng mạc và chữa mọi bệnh tật trong dân.
Trước hết, Đức Giê su là một người không chọn việc, Ngài làm tất cả mọi việc mà người ta đem đến cho. Khi “bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường” thì “lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,30-31). Không chỉ thế, Đức Giêsu còn chữa nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật, trừ nhiều quỷ nữa (Mc 1,33). Ngài không chọn việc còn thể hiện ở chỗ:  “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”.

Thứ hai, dù làm việc của Chúa như thế, phục vụ dân như thế nhưng Đức Giêsu luôn dung hòa giữa công việc và đời sống cầu nguyện. Sau một ngày làm việc cật lực, hầu như không ngừng nghỉ thì “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Nói đến đây, bạn có thể thấy, dù có làm việc cả ngày trong công tác mục vụ của mình thì Ngài vẫn dung hòa với đời sống tương quan mật thiết với Chúa Cha, đó là việc cầu nguyện. Vậy, trong đời sống thường nhật, cũng như trong đời sống mục vụ tông đồ, bạn và tôi đã biết dung hòa giữa công việc và đời sống cầu nguyện chưa? Hay là nhiều lúc chỉ lo công việc hào nhoáng bên ngoài mà “tặc lưỡi”, bỏ bê đời sống nội tâm tương quan với Chúa?
Thứ ba, Đức Giêsu là người không “an phận” cho những gì Ngài đã làm. Điều đó thể hiện ngay trong câu Tin mừng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã xung quanh, để Thầy con rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1, 38-39). Đó là một trạng thái luôn sẵn sàng ra đi, tìm đến những vùng đất mới đang cần ánh sáng Lời Chúa chiếu soi. Giá sử Đức Giêsu ở lại vùng Ca-phác-na-um ấy, chính lúc danh tiếng Ngài đang được lan rộng, những việc Ngài làm đang được mọi người yêu mến, thì Ngài tha hồ hưởng thụ những thành quả và sự tung hô của họ. Nhưng với Ngài, chỉ có ra đi và trao ban tình yêu Thiên Chúa cho muôn dân. Ngày nay, khi có được chút kiến thức, giới trẻ thường hay an phận chứ không còn tinh thần cầu tiến, họ cứ nghĩ mình đã đủ, đã giỏi; mình không hơn ai, cũng không thua gì ai. Cho nên trạng thái ù lì, “an toàn” xảy ra không thiếu trong thế hệ trẻ hiện nay…
Riêng bạn và tôi hay các linh mục, tu sĩ trẻ sau khi đã làm được một công trình gì đó, một thành quả nào đó ở quê hương rồi, liệu các ngài có dám bỏ lại tất cả để rắc gieo hạt giống Phúc âm nơi vùng đất mới hay không? Những miền truyền giáo, những dân tộc, những thổ dân… ở khắp nơi trên thế giới đang rất cần sự dấn thân của các ngài. Những nơi ấy, họ đang cần món ăn tinh thần hơn cả, cho dù họ có thiếu thốn về vật chất- ấy là Lời của Chúa. Những giáo điểm truyền giáo cần được thiết lập ở giữa họ. Bạn và tôi hãy đến, hãy sẵn sàng ra đi để làm việc đó; và khi đã gầy dựng được “cơ ngơi”, “hạt giống”ban đầu, thì cũng sẵn sàng rời bỏ để tìm đến những nơi khác và gieo rắc như vậy. Như thế, ta đang học theo Đức Giêsu tinh thần luôn sẵn sàng ra đi khai mở, ban bố Tin mừng , rắc gieo yêu thương cho muôn dân vậy.

Ước mong rằng, một vài điểm gợi ý trong bài Tin mừng của thánh sử Mác-cô hôm nay cho bạn và tôi những cái nhìn mới, những bài học mới để áp dụng vào thực tế đời sống hiện tại cũng như  công việc mục vụ tông đồ.

Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé:

Sunday, January 7, 2018

Suy niệm- Chúa nhật Chúa Hiển Linh-năm B (Mt 2, 1-12)- Anthony Dương Văn Hạnh
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH NĂM B
(Mt 2, 1-12)

Antôn Dương Văn Hạnh, SDD Postulant

Đoạn Tin mừng Thánh Matthew hôm nay  trong ngày Chúa nhật “CHÚA HIỂN LINH”(Mt 2, 1-12) gợi lại trong tôi hình ảnh ba vị Vua tiến về Bêlem để thờ lạy Hài Nhi Giêsu năm xưa. Nhân đọc đoạn Lời Chúa này, tôi xin có một vài điểm suy tư để bạn và tôi có những cảm nghiệm riêng, liên hệ thực tế cuộc sống thường nhật.
Lễ Chúa Hiển Linh-2018-Năm B
Thứ nhất, hình ảnh Ba Vua cùng đến dâng lễ vật: Hồi xưa làm gì có điện thoại, internet, facebook vv để liên lạc, hẹn nhau mà đến cùng lúc như vậy. Thế mà 3 vị vua, không ở gần nhau lại cùng thấy được một điểm chung, một dấu lạ chung để tiến đến thờ lạy Chúa Hài Nhi. Như thế, nhìn vào đời sống ngày nay, ta có đủ mọi điều kiện, mọi phương tiện thông tin liên lạc vv.. Liệu bạn và tôi có cùng hướng đến một mục tiêu hay đường hướng chung không?
Trước là đời sống đức tin Kitô giáo,  vì chung niềm tin vào Chúa Kitô nên cùng đến tham dự thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ hằng ngày, hằng tuần với nhau tại nhà thờ. Nói sâu hơn nữa là đời sống ơn gọi riêng của mỗi người: Nếu bạn sống đời sống gia đình, liệu vợ chồng có tìm thấy điểm chung nơi nhau để xây dựng hạnh phúc cho đôi bạn, cho con cái không? Còn nếu bạn sống đời tu trì, bạn có tìm thấy điểm chung nơi lý tưởng theo Chúa thể hiện trong đời sống cộng đoàn hay trong các công việc chung không?
Sau là các hội đoàn của xã hội, bạn có cộng tác tích cực và tìm được điểm chung để xây dựng vì sự phát triển của đoàn thể đó không, hay là chỉ để tìm lợi ích cá nhân từ tập thể; chỉ lợi dụng tập thể để vun vén mọi lợi ích về cho bản thân mình?
Thứ hai, hình ảnh bạo chúa Hêrôđê xấu xa, đê tiện. “Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật mời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện” (Mt 2, 7). Tại sao Hêrôđê không làm việc đó một cách công khai?  Với tư cách là một nhà vua thì chỉ cần phán một lời là bọn đầy tớ và cận thận sẽ làm việc đó cho. Vậy mà Hêrôđê chỉ lén lút, “bí mật”. Mà cái gì lén lút thì chắc chắn sẽ xấu xa… Cho nên, dù bạn làm việc gì, hãy công khai, minh bạch chứ đừng làm một cách như Hêrôđê đã từng làm. Bởi “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,3) và “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
Lạy Chúa, xin đừng để con giống tên bạo chúa Hêrôđê nhưng luôn sống công chính, ngay thẳng để làm chứng cho công bình và sự thật; biết noi gương các Nhà Đạo Sĩ trong bài Tin mừng hôm nay để luôn biết tìm đến và thờ lạu Chúa. Cùng nhau hướng về một niềm tin vào Chúa, hướng về một hướng trong mọi bậc sống. Ngõ hầu mọi công việc được tiến triển và kết thúc tốt đẹp, mang lại nhiều hạnh phúc cho tha nhân.


Friday, January 5, 2018

Chủ nghĩa khoái lạc trong xã hội hiện nay- Anthony Dương Văn Hạnh
CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN NAY
Dương Hạnh
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta đang đề cao lối sống thực dụng, hưởng thụ. Con người chạy theo vật chất, lạc thú, chỉ biết thỏa mãn các đam mê của mình. Lối sống đó lan tràn trong gia đình, trên học đường, ngoài xã hội, thậm chí còn đi vào trong đời sống tu trì nữa.
Thiết tưởng, chủ nghĩa khoái lạc là một trào lưu hưởng thụ của loài người trong thời đại mới. Nơi đó, con người tìm lạc thú, dục vọng và tiền tài vật chất; mọi thứ đều quy đổi thành tiền, có tiền là có thể mua được tất cả, dùng tiền là thỏa sức hưởng thụ, không có tiền thì bất chấp để có được.

Thứ nhất, trào lưu khoái lạc trong môi trường gia đình, học đường. Thế hệ trẻ học sinh đã yêu đương sớm, vì thế, thay vì tiền bạc bố mẹ cho để đi học thì lại dành vào việc ăn chơi, lêu lỏng với người yêu. Từ đó, đôi bạn trẻ học sinh có thể dẫn vào những cuộc vui “truy hoan” tìm lạc thú, dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nguyên nhân, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, của gia đình; sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường. Mặt khác, nhà trường chỉ lo nhồi nhét một đống kiến thức khổng lồ mà không chăm lo rèn luyện đạo đức, nhân cách cho học sinh trước đã. Bên cạnh đó, xã hội lại khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi vào cạm bẫy. Điều đó thể hiện rõ trong thực tế: Trường học, bệnh viện thì ít nhưng các tụ điểm ăn chơi như quán bar, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm khắp nơi. Nếu bạn không tin, hãy đến các thành phố (Vinh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu…) để chứng kiến điều tôi nêu ở trên. Thật là đáng buồn cho thế hệ trẻ- tương lai của đất nước!
Thứ hai, trào lưu khoái lạc đi vào môi trường tu trì, khiến đời tu đang bị tục hóa. Các bạn trẻ đến với đời tu có còn vì yêu Chúa, muốn dâng mình thật sự bằng một sự từ bỏ vinh hoa, danh lợi và vật chất để phục vụ tha nhân? Trong trào lưu thế giới quan duy vật hiện nay, hầu như tôi chưa thấy được niềm say mê yêu Chúa thật sự như vậy. Phải chăng vẫn còn đó nhiều bạn trẻ tìm đến đời tu để được người ta kính trọng (danh), để được gọi ông cha bà phước hay ông thầy; để được vật chất đầy đủ tiện nghi, xe cộ đủ “mốt”; được ăn ngon mặc đẹp cả ngày (lợi). Nhiều khi chủ nghĩa khoái lạc xác thịt cũng bị đưa vào đời tu và làm cho môi trường thánh thiêng này đang bị tục hóa. Thánh Phaolô đã nhắc nhở trong thư gửi Giáo đoàn Êphêsô rằng: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em phải tránh. Đừng nói thô tục, cợt nhã: Đó là điều không nên” (Ep 5,3-4). Vậy mà tôi vẫn thấy đâu đó trong môi trường tu trì vẫn còn những tiếng đùa “cợt nhã” ấy. Phải chăng “lòng đầy thì miệng mới nói ra”. Để thỏa sự hiếu kỳ hay dục vọng mà một số tu sĩ trẻ vẫn hay kiểu “cợt nhã” như vậy.
Mặt khác, chủ nghĩa khoái lạc vào đời tu là để đề cao cái tôi được trọng vọng, được tung hô. Dần dần, người tu sĩ không còn mang nghĩa “tốt đẹp” của nó thuở ban đầu, mà trở thành một cái nghề. Một số linh mục chê bai bỗng lễ ít  nhiều; rồi xảy ra chuyện chọn lễ “béo, thơm” để dâng (cử hành một cách long trọng) cho người xin lễ; còn những thánh lễ người ta xin miệng hoặc giá trị bỗng lễ ít thì chuyển cho Linh mục khác cử hành. Phải chăng các ngài đang “mại thánh”-đang dùng Bí tích như là phương tiện để buôn bán? Điều này cũng đồng thời là vấn nạn đáng buồn, đặt ra một dấu hỏi lớn trong vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, còn một số tu sĩ – linh mục trẻ (nhất là linh mục triều) thì chạy theo “mốt”- ăn chơi đua đòi theo sự phát triển của công nghệ. Nếu người khác có xe tay ga, xe hơi thì mình cũng phải có một chiếc như vậy; người khác có máy tính bảng “Aple”, có điện thoại “Smartphone” xịn, mình cũng phải kiếm cách mua cho kì được vv. Đó là những điển hình cho thấy đời tu đang bị tục hóa, chủ nghĩa khoái lạc-thỏa mãn lòng dục về danh-lợi-thú. Làm cho đời tu đang bị một cái nhìn méo mó.
Tuy nhiên, bên cạnh những “con sâu làm rầu nồi canh” như thế thì cũng có những người sống rất công chính, nề nếp theo đúng môi trường và bậc sống của mình. Là một người giáo dân, họ chu toàn bổn phận với vợ con, chung thủy với gia đình mình gầy dựng nên; là một Tu sĩ, họ trung thành giữ các lời khuyên Phúc âm một cách nghiệm nhặt, ăn chay, phạt tội bản thân; là một Giáo sĩ, họ chu toàn tác vụ được giao với tình yêu mến, luôn sẵn sàng mang tinh thần phục vụ của Đức Kitô, sẵn sàng ra đi tìm đến đoàn chiên, sống cùng-sống với chiên, “ngửi” thấy “mùi chiên” của mình. Họ yêu chiên, và vật chất họ có được chỉ để trao ban cho con cái, cho những người nghèo đói, bệnh tật. Hầu như tất cả họ không còn vun vén gì cho bản thân mình. Điều đó thật đáng trân trọng, và càng quý mến giá trị của đời tu thanh cao, đẹp đẽ như vậy.

Tóm lại, dù ở môi trường nào trong xã hội hiện nay (gia đình, học đường, xã hội, và cả môi trường tu trì) thì chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa hưởng thụ thỏa mãn lòng dục của con người đang lan tràn. Danh-lợi-thú là những cái dục của con người cần phải chế ngự và chống trả quyết liệt. Có như thế thì tâm hồn con người mới thanh thoát, và hạnh phúc đích thực mới triển nở và tồn tại được.

Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé:

XIN HÃY SAI CON