Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Wednesday, May 9, 2018

VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (Anthony Dương Hạnh)

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN


Anthony Dương Hạnh

Sống trong xã hội hay trong một tổ chức nào đi nữa thì đòi hỏi ta gia nhập và hội nhập theo cộng đồng người nơi đó. Dù bạn ở công ty, xí nghiệp, cơ quan nhà nước, hay ngân hàng, trường học… thì cũng là tập hợp của cộng đồng người trong đó. Khi nói đến đời tu sĩ sống đời thánh hiến, thì yếu tố tiên quyết để đề cập là đời sống cộng đoàn và việc tuân giữ các Lời khuyên Phúc âm. Trong phạm vi luận đề này, tôi xin có một vài suy nghĩ, cảm nghiệm về đời sống cộng đoàn tu trì- cộng đoàn sống đời thánh hiến.

            Đời sống cộng đoàn tu trì là đời sống huynh đệ, tỷ muội; nơi đó, anh em, chị em từ khắp mọi miền, mọi dân tộc tụ họp về dưới một mái nhà để cùng sống, làm việc và theo đuổi một lý tưởng, một ước mơ- sống đời dâng hiến, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
            Cộng đoàn là tập hợp mọi cá thể người đến từ nhiều vùng miền, nhiều nền văn hóa khác nhau. Cho nên ở đó sẽ có sự đa dạng, phong phú về tính cách, cách sống, tập tục vv.
            Thứ nhất, đời sống cộng đoàn đòi buộc ta từ bỏ cái tôi cá nhân để hòa nhập với mọi người trong cộng đoàn. Những cái tôi ích kỷ, bảo thủ, thích hưởng thụ; cái tôi lười biếng, trốn tránh công việc, bổn phận; những sự bè phái, phe nhóm; nói hành, nói xấu vv… những cái tôi ấy cần phải được cắt tỉa, gọt giũa, không nên tồn tại trong đời sống cộng đoàn tu trì. Thật vậy, cái tôi thêm dấu nặng sẽ thành “tội”; cái tôi thêm dấu sắc trở thành “tối” tăm; cái tôi mà thêm dấu huyền sẽ là “tồi”. Do đó cần gạt bỏ cái tôi của cá nhân mình ra khỏi đời sống cộng đoàn.
             Giá sử, bạn hay tôi chỉ giữ cái tôi cho cá nhân mình thì liệu cộng đoàn sẽ đi về đâu?...
            Thứ hai, đời sống cộng đoàn đòi buộc mọi cá nhân cần góp sức vào để xây dựng chứ không phải là đồng sức phá hoại.
            Ngay từ cộng đoàn tiên khởi, thời các Tông đồ, các ngài tụ họp nhau chuyên cần cầu nguyện, lấy mọi sự làm của chung và phân phát cho những người thiếu thốn hơn mình (Cv 4, 32-35). Như thế, đời sống cộng đoàn ngày nay cũng đòi buộc tôi bước theo các Tông đồ xưa, để cùng cởi mở, tích cực xây dựng cộng đoàn phát triển, bằng cách: Đối thoại, lấy lời lành mà khuyên bảo nhau; hỗ trợ, yêu thương nhau; đoàn kết để có tiếng nói chung; lấy tình huynh đệ mà sửa dạy nhau…
            Những kẻ phá hoại cộng đoàn là những cá thể luôn gây chia rẽ, nói xấu, làm mất tình huynh đệ, tình anh em; luôn tích góp cho mình; sống ích kỷ, biến thủ của chung làm của riêng; không cần bảo ban ai theo kiểu “sống chết mặc bay”. Những con người sống thiếu thật thà, sống hai mặt; làm việc gì cũng chỉ để mưu cầu danh-lợi-tiếng tốt cho bản thân; hoặc là luôn rình chờ để cướp công anh em dù hay trốn tránh và lười biếng trong công việc; việc gì thích là tự ý làm…vv… Những người như thế, những hành động như thế đang làm cho đời sống cộng đoàn đi xuống, đang phá hoại cộng đoàn.
          Trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, ĐGH Phaxicô cũng nhấn mạnh các yếu tố của đời sống huynh đệ cộng đoàn: “Những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tỳ hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ trong nhà của anh chị em”.  Thay vào đó, cần “đón tiếp và quan tâm lẫn nhau, chia sẻ tài nguyên vật chất và tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng những người yếu đuối…” (Mục II, số 3 Tông huấn ĐSTH). Quả thế, đó cũng là những phương cách đang giúp góp phần xây dựng đời sống cộng đoàn tu trì.
          Thứ ba, đời sống cộng đoàn cũng đòi buộc bạn và tôi luôn kiến tạo và xây dựng niềm vui. Bởi người tu sĩ không có niềm vui thì không thể mang niềm vui đến cho người khác được. Nếu “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc theo Chúa cũng thật đáng buồn” (Tông thư Los Caminios Del Evangelio, gửi tu sĩ nam nữ Mỹ Châu La tinh dịp 5 năm truyền giảng Tin mừng tại thế giới mới ‘29/6/1990’).
Thật thế, khi nhìn vào khuôn mặt tu sĩ toát lên một niềm vui, một sự thánh thiêng, bình an thì ai cũng muốn gần gũi và Lời Chúa dễ dàng được gieo vào lòng họ qua vị tu sĩ đó. Còn nếu nhìn khuôn mặt tu sĩ mà lúc nào cũng buồn rầu, cứ như muốn “ăn tươi, nuốt sống” người khác hay khuôn mặt kênh kiệu, hách dịch thì ai mà dám lại gần nếu không phải là thấy mặt thì tránh cho xa. Điều này tôi bắt gặp nơi một vài tu sĩ trẻ trong cộng đoàn tôi đang sống. Như vậy, đời sống cộng đoàn tu trì đòi buộc tôi luôn luôn phải vui tươi, biết tạo niềm vui để có thể bình an sống đời dâng hiến; đồng thời có thể trao ban niềm vui và bình an tôi có cho anh chị em xung quanh được. Chả có ai muốn sống dưới một mái nhà đầy tăm tối hay u ám, không có tiếng cười cả! Cũng như chẳng có ai muốn sống trong cộng đoàn tu trì khi không có niềm vui gì cho bản thân mình. Vì thế, niềm vui là điều cần có trên khuôn mặt của người sống đời sống cộng đoàn tu trì.
Thứ tư, đời sống cộng đoàn góp phần giúp cho cá nhân bạn và tôi trưởng thành hơn về nhân cách. Thật vậy, "về mặt tích cực, cộng đoàn giúp chúng ta sống trưởng thành. Điều này không sai, mỗi cá nhân khi gia nhập tìm hiểu ơn gọi (giai đoạn đệ tử). Thứ mà họ nhìn thấy cũng như thường được nhắc nhở đó là: tinh thần kỷ luật, ý thức tự giác, có trách nhiệm với những bổn phận của cá nhân cũng như của chung. Cho dù khi ở nhà, họ có thể là những cậu ấm, cô chiêu, được bố mẹ cưng chiều không phải làm gì. Nhưng khi vào cộng đoàn, họ phải tập từ bỏ thói quen được ưu ái, những sở thích cá nhân để làm quen với môi trường đồng bộ, mọi người được đối xử như nhau. Chính khi chấp nhận được như vậy và biết tập để sống mối tương quan tương tác tốt đẹp với các thành viên khác trong cộng đoàn. Cá nhân đó sẽ đạt được một thái độ trưởng thành và một nhân cách hoàn chỉnh trong môi trường tu trì. Từ đó, họ sẽ yêu thích đời sống cộng đoàn trong sự tự do nội tâm mà không hề sợ hãi hay tự vệ"(1).
Nói tóm lại, đời sống cộng đoàn không phải dễ sống, nhưng ai sống được thì đó cũng là dấu chỉ ơn gọi cộng đoàn trong đời tu. Tuy nhiên vẫn còn đó bao sự tham-sân-si của từng cá nhân trong cộng đoàn; còn đó những bất cập, những điều đáng buồn cần phải gọt giũa để làm cho cộng đoàn phong phú theo chiều hướng tốt đẹp, phát triển hơn. Cần phát huy những mặt tốt, noi gương những anh em tốt đi trước; phá tan đi những ích kỷ, những tự kiêu, những thói hách dịch, lạm quyền trong một vài cá thể của cộng đoàn; xóa bỏ đi những lời nói hành nói xấu nhau, thay vào đó là lời đoàn kết yêu thương, lòng vị tha, tình bác ái huynh đệ, đối toại để có một tiếng nói chung. Cần trau dồi kiến thức đạo-đời để có óc phán đoán, phân định vấn đề tốt và khách quan, chính xác hơn. Biết khiêm nhường, hạ mình vì có kẻ còn giỏi hơn mình gấp trăm lần; đừng phô trương, tỏ vẻ, lạm quyền hay thiếu sự tôn trọng người khác cấp dưới, biết đâu trường đời của bạn chẳng bằng một phần của họ. Các thành viên trong cộng đoàn tu trì đừng làm “con sâu” để gây gương mù, gương xấu cho người khác, khiến các ứng sinh đến tìm hiểu mà không muốn gia nhập cộng đoàn vì “vỡ mộng”.
Nếu được như thế thì đời sống cộng đoàn mới có thể ngày một khởi sắc và dồi dào, phong phú hơn. Ước mong rằng, bạn và tôi sống vui và tích cực xây dựng cộng đoàn tu trì “đẹp”, theo đúng nghĩa khởi nguyên của nó. Để ai đến, ai nhìn vào cũng thấy được tình yêu và các chi thể của Đức Ki-tô sống động, hiện tại hóa nơi đời sống cộng đoàn.

--------------------------------------------------
(1) "Đời sống cộng đoàn trong đời tu" của Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu, post trên
 http://caunguyenbangtraitim.com/doi-song-cong-doan-trong-doi-tu/

Xin mọi người đăng ký Kênh để thoi dõi những kiến thức hay, bổ ích được chia sẻ tại đây nhé:


XIN HÃY SAI CON