Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Tuesday, July 24, 2018

Suy niệm Tin mừng Mát-thêu (Mt 12, 46-50) -Anthony Dương Hạnh

SỰ QUAN TÂM LẪN NHAU
&
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

( Nhân đọc Mt 12, 46-50)

Anthony Dương Văn Hạnh 

Trong đời sống con người, sự gặp gỡ và giao tiếp thường nhật làm cho ta cần phải thiết lập mối tương quan  với nhau giữa anh chị em đồng loại; giữa bạn bè, đồng nghiệp; tương quan giữa anh chị em ruột thịt với nhau, cha mẹ-con cái, cô dì-chú-bác…

Cũng thế, hôm nay Thánh sử Mát-thêu đã đưa ta về với bối cảnh của cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Chúa Giê-su, đám đông dân chúng và gia đình của Ngài. Tôi xin có vài điểm chia sẻ cùng anh chị em:
Thứ nhất, tương quan giữa con người với nhau là điều thiết yếu cần có, nhưng tương quan dành cho Chúa vẫn trên hết. Khi Đức Giê-su đang nói chuyện với dân chúng,  “thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người” (Mt 12, 46). Thông thường, với tư cách là một người con (em) trong gia đình, Đức Giê-su sẽ gọi gia đình Ngài vào; nhưng trở trêu thay khi có kẻ thưa Ngài rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”, Ngài liền nói một câu rất lạ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi” (Mt 12, 48). Có lẽ rằng, với cương vị là một người làm cha, làm mẹ khi nghe được câu nói đó của con mình, một sự phủ nhận thật phủ phàng về tình mẹ con, tình gia đình trước mọi người như thế thì thật đau lòng. Thế nhưng, trong cái nhìn đức tin, Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, đang thi hành sứ vụ rao giảng của Chúa Cha, Ngài muốn dạy mọi người mở rộng mối quan hệ với nhau, không chỉ bó bọc trong gia đình, mà còn đi ra bên ngoài nữa. Theo đó, dù là Giám đốc, hay Chủ tịch nước cũng phải liên đới hết với mọi người dân; dù là Linh mục, Giám mục cũng phải liên hệ và tương quan với mọi thành phần dân Chúa trong mọi công việc, chứ không chỉ lo trong phận vụ thiêng liêng (dâng lễ, cử hành bí tích) mà thôi. Do đó, thiết lập mối tương quan giữa con người với nhau là điều cần thiết. Trở lại bối cảnh của bài Tin mừng, dù Đức Giê-su nói trước mọi người như thế nhưng ta vẫn hiểu được rằng: Ngài luôn trân quý Mẹ Ngài và anh em trong họ hàng với Ngài. Cụ thể, dưới chân Thập giá, Đức Giê-su đã trối lại Mẹ Ngài cho Gio-an chăm sóc (“này Bà, đây là con Bà… này Gioan, đây là Mẹ của anh”); trong mọi bước chân của Đức Giê-su từ nhỏ đến hết chặng đường rao giảng thì luôn luôn có bóng dáng Mẹ Ngài và anh em Ngài dõi theo. Như vậy, dù Đức Giê-su là Con Thiên Chúa khi thi hành tác vụ của Ngài với những lời giáo huấn, nhiều khi Ngài có những câu nói phủ phàng theo cách hiểu con người, nhưng không vì thế mà Ngài thờ ơ với gia đình, với Mẹ và anh em họ hàng của Ngài –nơi đã cưu mang Ngài Nhập thể làm người như chúng ta. Trái lại, Ngài vẫn luôn trân trọng mối quan hệ ruột thịt đó là luôn giữ tương quan với hết tất cả mọi người, không chỉ nơi gia đình mà còn rộng ra mọi người, mọi tầng lớp xung quanh.
Mặt khác, câu nói của một kẻ trong đám đông dân chúng: “Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang chờ Thầy” cũng cho thấy một sự quan tâm của mọi người dành cho nhau. Giữa một khu vực đông người như thế, mà mọi người sẽ xì xào và ồ lên “kìa! Mẹ Thầy kìa, anh em họ hàng của Thầy kìa!..vv.. Đó không phải là sự hiếu kỳ hay lời soi mói, xầm xì đơn thuần, nhưng cho thấy sự quan tâm giữa mọi người với nhau; nơi đám đông vẫn quan sát đủ nhu cầu của mọi người, vẫn nhận ra gia đình Chúa đang hiện diện bên ngoài và chờ Chúa. Đó là một dữ kiện dạy ta nên học hỏi để có con mắt tinh nhạy, quan tâm đến người khác một cách tích cực hơn.
Thứ hai, lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành đủ để ta gần Chúa hơn. Một câu nói của một người trong đám đông dân chúng hôm nay:  "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12, 48) không chỉ là một câu cửa miệng lúc ấy, nhưng là một lời cầu nguyện đơn sơ và thực tế nhất trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đó là lời khẩn cầu cũng là lời nhắc nhớ Chúa Giê-su lưu tâm hơn một chút vì đang có mẹ và anh em đứng bên ngoài, họ không vào được vì đám đông chen chúc, nhưng họ đang muốn nói chuyện với Ngài. Chắc hẳn, không cần nhắc nhở thì Chúa cũng thừa biết có họ ở bên ngoài, nhưng Ngài lại coi việc của Chúa hơn, coi cái đại chúng hơn; vẫn còn đó tình cảm thân thương gia đình, nhưng bản tính Thiên Chúa và sứ vụ đòi buộc Ngài nói như thế trong bối cảnh lúc đó. Như thế, lời cầu nguyện tuy đơn sơ, nhưng lại chân thật và thực lòng hơn là phải suy nghĩ, đắn đo… để thốt ra. Trên hết tất cả vẫn là đời sống cầu nguyện, giữ tương quan mật thiết với Thiên Chúa, dành lưu tâm đến Chúa hơn.
Tóm lại, Chúa Giê-su dạy ta cần phải thiết lập mối tương quan giữa con người với nhau, không chỉ bó buộc trong gia đình mà còn đi ra khắp mọi người trong cộng đồng nhân loại, thuộc mọi tầng lớp, giai cấp khác nhau. Đặc biệt, dù là tương quan nào đi nữa thì tương quan mật thiết dành cho Thiên Chúa vẫn là điều trước nhất. Sau nữa, Ngài dạy ta luôn giữ đời sống cầu nguyện, lời cầu nguyện chân thành, đơn sơ xuất phát từ cõi lòng vẫn hơn là những lời có cánh, nghĩ suy. Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, chỉ cần thật lòng và năng cầu nguyện thì Ngài luôn ban cho ta những điều cần thiết.
Lạy Chúa, xin dạy con biết cầu nguyện và giữ tương quan mật thiết với Chúa. Xin cho con trái tim mở rộng, để con biết sống cho gia đình, cho anh em và cho đồng loại. Vì tất cả mọi người đều là hình ảnh của Chúa. Amen.



XIN HÃY SAI CON