“Anh
em hãy mang lấy ách của tôi” (Mt 11, 29)
BƯỚC THEO THẦY, TÂM HỒN ANH EM SẼ HẠNH PHÚC
Anthony Dương Văn Hạnh
Trong chú giải thánh kinh thì “mang lấy ách của tôi”- theo
cách gọi của người Do Thái xưa là: Hãy nhận tôi làm thầy”, nghĩa là nhận lấy
chính Đức Giê-su là Thầy của mình. Như thế, mang lấy ách của tôi là mang lấy
chính Đức Ki-tô vào lòng, nhận Ngài làm thầy tối thượng. Chủ đề “bước theo thầy,
tâm hồn anh em sẽ hạnh phúc” mà tôi chọn cũng nằm trong tinh thần đó.
Theo Thầy trong tiếng anh thì gọi là “following Jesus”, còn
trong tiếng la tinh là “Schuela Christi”-theo Đức Ki-tô. Mà theo Đức Ki-tô là
trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, nhìn nhận việc đi theo Chúa và gọi Ngài
là Thầy; đó là một ân ban đến từ Thiên Chúa và triển nở dưới sự thúc đẩy của
Chúa Thánh Thần, để ra đi rao giảng Tin mừng (Tông huấn Vita Consecrata). Như vậy
“hãy mang lấy ách của tôi là một cách diễn tả việc bước theo Thầy Giê-su và nhận
Ngài là thầy tối thượng của cuộc đời con.
Chúa Giê-su nói tiếp: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng nhân
hậu và khiêm nhường”. Con không chỉ bước theo Thầy mà còn cần học những gì Thầy
dạy nữa, những lời dạy ấy là- mến Chúa, yêu người (hai giới răn tóm gọn trong
10 Điều răn Ngài đã truyền dạy). Các điều răn ấy không bao giờ là lỗi thời hay
phai nhạt, hay có thể tẩy xóa được, vì nó không chỉ được khắc trên bia đá mà
còn được khắc bằng Máu Thập giá của chính thân thể Thầy Giê-su đó. Vậy thì đồng
nghĩa là học nơi Thầy tình yêu và sự hy sinh, tha thứ, đồng cảm, chia sẻ cho những
anh chị em đồng loại; học mang lấy những đau khổ, học giữ luật nhưng không câu
nệ luật.
Như thế, bước theo Thầy là con đang mang lấy ách của Thầy,
là cùng với đó, con phải học ở Thầy tình yêu Chúa-yêu người qua các giới răn mà
Thầy truyền dạy. Có như thế mới làm cho tâm hồn con cảm thấy hạnh phúc, bình
an. Vì “ách của tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 30). Theo Chúa thì dễ, gọi
Chúa là Thầy cũng rất dễ (nên mới nói là “ách tôi êm ái”) nhưng việc thực hành
và sống theo lời Thầy dạy ra sao, thì đó mới là vấn đề không dễ chút nào. Có
chăng nói suông, nói phét thì nhiều hơn việc làm thực tế!
Lời Chúa trong câu “ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” có
chăng là đúng, nếu con đặt tình yêu vào trong từng sự việc thì con sẽ thấy nhẹ
nhàng và không nặng nhọc hay cảm thấy trì trệ trên đôi vai con. Nhưng nó sẽ
hoàn toàn không đúng, nếu con đặt vào đó sự lười biếng, so đo tính toán thiệt
hơn, và xem việc đi theo Chúa như là phong trào, và việc sống trong nhà Chúa
như là một chốn khách trọ-chỉ biết tìm lợi cho bản thân, dẫm đạp lên người khác
để đi, để được lợi cho bản thân mình với mục đích rất trần tục- TIỀN BÀ GÓA và
DANH VỌNG. Như thế thì gánh của Chúa sẽ không còn nhẹ nhàng nữa, mà hoàn toàn
trái ngược.
Nếu một khi không còn thấy nhẹ nhàng nữa, mà chỉ thấy trĩu
nặng trên vai, ê chề, thất vọng… thì đâu còn có bình an, hạnh phúc nữa đâu! Như
thế thì người môn đệ theo Chúa nói chung, cách riêng là những người mục tử của
Chúa sẽ không còn trái tim yêu, không còn mang lấy mùi chiên, lẩn trốn tiếp xúc
với chiên, và cũng không còn cảm được những nỗi đau của con chiên nữa. Thay vào
đó, người mục tử lại tìm những việc bên ngoài để che đi trách vụ chính của mình
đã nhận trong ngày truyền chức. Vì thế, bước theo Thầy là phải đặt hoàn toàn,
phó thác trong sự quan phòng của Thầy, chịu mang lấy Thập giá và tuân giữ mọi
điều Thầy dạy trong tình yêu và hy sinh. Có như vậy, con sẽ thấy nhẹ nhàng, hạnh
phúc, bình an.
Tóm
lại, “hãy mang lấy ách của tôi” như lời mời gọi con hãy sẵn sàng bước theo Thầy,
chịu để Thầy giảng dạy, uốn nắn, gọt giũa; chịu lắng nghe và thực hành điều Thầy
dạy với một tình yêu ở đó. Như thế con sẽ hạnh phúc trong hành trình bước theo
Thầy. Còn không thì chỉ là nỗi đau và thất vọng; hay chỉ là những “tiếng kêu
phèng phèng, chum chọe” khi gọi Chúa là Thầy hay khi tuyên xưng mình là người
bước theo Thầy mà thôi.
Lạy Chúa, xin Chúa cho con sẵn sàng bước theo Chúa, lắng
nghe và thực hành trong tình yêu về các điều Chúa truyền dạy, để con xứng là
người Ki-tô hữu, là môn đệ của Chúa giữa đời này, để được hạnh phúc với Chúa
mai sau. Xin Chúa đừng để con “hữu danh vô thực”- đừng để con gắn một các mác
theo Chúa mà lòng con khô khan, nguội lạnh, không yêu Chúa thực sự, chỉ tìm hư
danh trong ê chề, trĩu nặng dưới cái mác là Tu sĩ, Giáo sĩ.