Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Sunday, August 22, 2021

[CHẦU THÁNH THỂ] THỨ 5 TUẦN THÁNH | Tg: Dương Hạnh

 Biên soạn: Anthony Dương Hạnh

giỜ thánh THỨ NĂM TUẦN THÁNH

“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15)

----------------------------------------------------------------------


 

I. KHAI MẠC

1. Hát kính Thánh Thể.

2. Lời nguyện mở đầu:

“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là lời tâm huyết Chúa muốn chia sẻ với các môn đệ trong đêm cuối cùng, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Đó cũng là câu chuyện Chúa kể cho các môn đệ về cuộc đời của Chúa. Câu chuyện về một cuộc đời trong thân phận người tôi tớ. Câu chuyện về một tình yêu của người hy sinh mạng sống vì các bạn hữu của mình (x. Ga 15,13). Câu chuyện tình yêu mà Chúa dành cho những người thuộc về Chúa (x. Ga 13,1) được thánh Gioan kể lại bằng một cử chỉ biểu trưng, cử chỉ rửa chân cho các môn đệ. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, qua cử chỉ này, Chúa muốn dẫn các môn đệ đi vào tình hiệp thông sâu xa với Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn và Phục sinh.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong hình bánh thánh, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để soi lòng mở trí chúng con biết lắng nghe, yêu mến và đón nhận Lời Chúa trong giờ cầu nguyện này cũng như trong đời sống thường ngày.


Đêm nay, tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, chúng con muốn đến với Chúa trong tâm tình ngưỡng mộ, cảm tạ tri ân. Nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt cho các linh mục là những thừa tác viên của Mầu nhiệm Thánh Thể và của Lời Chúa, để trong năm sống yêu thương và phục vụ này, các gia đình, cộng đoàn và mỗi người chúng con biết đem đạo vào đời, biết kể chuyện về Chúa giữa lòng cuộc sống thật hiệu quả và thật đáng tin.

Xin “mở mắt đức tin” cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc đời, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau vào buổi chiều Phục Sinh khi Chúa giải thích Kinh Thánh cho họ. Xin làm cho trái tim chúng con bừng cháy lên như cảm nghiệm bừng cháy của hai môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,32). Nhờ Mầu nhiệm Thánh Thể và sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa, xin Chúa biến đổi chúng con thành những chứng nhân của Lời (x. Cv 1,7-8) biết tiếp tục kể lại câu chuyện của Chúa cho tất cả anh chị em đồng bào chúng con. Amen.

II.     LẮNG NGHE LỜI CHÚA,

    SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

1. Lời dẫn trước khi đọc Lời Chúa:

Trong bầu khí linh thiêng của đêm nay, chúng ta được Chúa quy tụ như các môn đệ tại bàn Tiệc Ly. Đêm nay, Chúa quy tụ chúng ta nơi đây để cùng canh thức với Chúa, để lắng nghe và đáp trả tình yêu của Chúa. Xin cho giờ cầu nguyện và chiêm ngưỡng Thánh Thể trong đêm thánh này được ánh sáng Lời Chúa toả chiếu. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến mở trí soi lòng chúng ta và đưa chúng ta tới sự thật trọn vẹn.

2. Hát: “Lắng nghe Lời Chúa”

3. Bài đọc I: Ga 13,1-9

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Iscariốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? "Đức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa cho con, con sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”.

4. Suy niệm và cầu nguyện (1):

Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.

Nam:

Chúng ta hãy chiêm ngắm cử chỉ Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, để một cách nào đó chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu trong Tam Nhật Vượt Qua thánh này. Qua việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, ta gặp gỡ một Thiên Chúa khiêm nhường, một Thiên Chúa trở nên nghèo khó vì chúng ta, một Thiên Chúa-tôi tớ yêu thương và phục vụ con người.

Thánh Gioan kể lại cho chúng ta câu chuyện về Chúa Giêsu trong thân phận người tôi tớ. Khác với các Tin mừng Nhất Lãm, tin mừng Gioan không thuật lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, nhưng lại là Tin mừng duy nhất kể lại một cử chỉ khác của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly, đó là việc rửa chân cho các môn đệ.

Thánh Gioan bắt đầu kể chuyện việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ bằng những lời lẽ hết sức trang trọng với chủ tâm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu hoàn toàn ý thức việc Người trở về với Chúa Cha như nguồn cội của mình và về tình yêu đến cùng mà Người dành cho các môn đệ: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”

Tình yêu “đến cùng” bây giờ sẽ được diễn tả qua cử chỉ rửa chân. Sự việc càng như đập vào mắt chúng ta, khi thánh Gioan kể lại câu chuyện thật tỉ mỉ với từng chi tiết, như cảnh phim quay chậm: Chúa Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.

Dĩ nhiên, cử chỉ này gây kinh ngạc bỡ ngỡ vì hai lý do:

-         Chúa Giêsu rửa chân “trong bữa ăn”, trong khi luật hiếu khách quy định phải làm trước bữa ăn;

-         Cử chỉ đó là do chính Chúa Giêsu làm, mà Người lại là thầy và là Chúa, trong khi theo tục lệ Israel thì việc làm này thường được dành cho nô lệ ngoại giáo.

Chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa của hành vi rửa chân qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Phêrô nhất định không thể để cho Thầy rửa chân cho mình được vì đó là hợp lẽ tự nhiên, hợp với logich của con người. Nhưng Chúa Giêsu lại có một logich khác, và đây là logich của Thiên Chúa: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau này con sẽ hiểu”. Chúa Giêsu muốn dùng cử chỉ này để bộc lộ con tim của Thiên Chúa, một con tim khiêm nhường và khó nghèo, một con tim rạo rực vì tình yêu dành cho con người, một con tim muốn trao ban tất cả cho người mình yêu.

 

Nữ:

Cử chỉ rửa chân không đơn thuần là một cử chỉ khiêm nhường. Đúng hơn đây là một cử chỉ biểu trưng và ngôn sứ diễn tả cái chết tự nguyện của Chúa (x. Ga 10,17), một cử chỉ biểu lộ, mạc khải về Thiên Chúa của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây xin nhận lời chúng con cầu nguyện, để tình yêu Chúa biến đổi chúng con

Đ/ Để tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

X/ Chúa là Tôi Trung của Chúa Cha - xin làm cho chúng con thành tôi tớ mọi người trong một Hội Thánh biết dấn thân phục vụ.

X/ Chúa là Đấng thi ân giáng phúc cho toàn thể nhân loại – xin cho chúng con hằng quan tâm đến lợi ích của mọi người.

X/ Chúa là Đấng nhân ái từ bi - xin cho chúng con hằng biết làm nhiều việc lành phúc đức, để cho mọi anh em gặp thấy tình người nơi chúng con.

Thinh lặng. (Đêm nay, cần nhiều giây phút thinh lặng đễ chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn)

5. Chúc tụng và tung hô:

Người hướng dẫn:

Giờ đây, chúng ta hãy cùng chúc tụng tung hô Chúa

X/ Chúc tụng Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại.

Đ/ Đó là niềm hy vọng cho chúng con

X/ Chúc tụng Chúa, Đấng vô cùng giầu có đã trở nên nghèo khó vì chúng con

Đ/ Đó là sự nâng đỡ và khích lệ chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã ban Mình và Máu Chúa cho chúng con.

Đ/ Đó là sức mạnh và nguồn sống của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã ban giới răn mới cho chúng con

Đ/ Đó là nguồn ánh sáng của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã thanh tẩy chúng con bằng thập giá của Chúa

Đ/ Đó là nguồn ơn cứu độ chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã khai đường mở lối cho chúng con về với Chúa Cha

Đ/ Đó là sự sống đời đời cho chúng con.

6. Hát về Thánh Thể hay về Tình yêu Chúa.

7. Bài đọc 2: Ga 13,12-17

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”

8. Suy niệm và cầu nguyện (2):

Nam:

Câu chuyện rửa chân là cách diễn tả tượng trưng cho cái chết tự nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đồng hóa mình với người tôi tớ của Thiên Chúa được nói tới trong sách Isaia, người tôi tớ khiêm nhường và chịu đau khổ vì phần rỗi muôn người.

Khi diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Israel, ngôn ngữ Cựu ước thường nói cách bóng bảy rằng Thiên Chúa từ trên cao ngó xuống dân Người, đàng này ngôn ngữ kể chuyện của thánh Gioan lại hoàn toàn khác: Chúa Giêsu đã cúi sâu xuống để rửa chân cho các môn đệ, đến nỗi để trả lời cho vấn nạn của Phêrô, Người buộc phải ngẩng đầu lên. Khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chúng ta gặp gỡ một Đấng tạo thành cúi đầu sâu trước tạo vật của mình, đến độ phải ngước mắt nhìn lên họ.

Khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu vừa cúi sâu trước con người vừa ngước mắt nhìn lên con người, chúng ta mới hiểu được điều mà thánh Phaolô suy nghĩ về mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu trong bài thánh thi nổi tiếng trong thư gửi tín hữu Philipphê (x. Pl 2,6-11). Khi rửa chân cho các môn đệ, ta nhận ra lý luận của Thiên Chúa hoàn toàn khác với lý luận của con người, tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của con người, đường lối của Thiên Chúa muôn trùng khác xa với đường lối con người. Con đường cứu thế mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta là con đường của người tôi tớ, cuộc đời mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta là cuộc đời vì tha nhân và cho tha nhân, một đời cho tình yêu và sống chết vì tình yêu.

Nữ:

Chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện:

X/ Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhiệt thành góp công xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn – để Hội Thánh được đễ dàng loan Tin Mừng bình an của Chúa

Đ/ Lạy Chúa, xin dẫn chúng con trên đường lối của Chúa

X/ Xin cho chúng con biết đem niềm vui cho kẻ khó nghèo – và được tìm thấy Chúa khi giúp đỡ họ.

X/ Chúa đã đến, không phải để lên án mà để cứu trần gian, xin cho cây thập giá của Chúa đem lại cho chúng con hoa quả dồi dào

X/ Chúa đã giao cho hàng linh mục sứ mạng rao giảng Tin Mừng và cử hành các bí tích mà phục vụ dân Chúa - xin cho các ngài luôn trung thành, khôn ngoan và nhân hậu

X/ Chúa đã không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ - xin cho chúng con biết quên mình phục vụ anh em

X/ Những ai đi rao giảng Tin Mừng, những ai đang tận tình phục vụ anh em - xin cho họ biết học hỏi tình thương của Chúa.

9. Cầu nguyện bằng một bài hát thích hợp.

10. Bài đọc 3:  Ga 13,33-35

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: "Nơi tôi đi, các người không thể đến được", bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."

11. Suy niệm (3):

Nam:

Hội nghị truyền giáo Á Châu lần thứ nhất tại Chiang Mai, Thái Lan, từ ngày 18-22 tháng 10 năm 2006 đã suy nghĩ về chủ đề Câu chuyện Chúa Giêsu nơi các dân tộc Châu Á: một cử hành đức tin và cuộc sống

Thánh Gioan đã kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu, câu chuyện về một con người, về một cuộc đời đã sống trọn vẹn thân phận người tôi tớ của Thiên Chúa để yêu thương và cứu rỗi muôn người.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Với lời này, Chúa Giêsu đang kể chuyện về cuộc đời Ngài cho các môn đệ. Ngài kể cho họ về chính kinh nghiệm sống của Ngài, kinh nghiệm thật mà Ngài đã sống, kinh nghiệm yêu thương mà Ngài đã dành cho họ. Ngài mời gọi họ hãy tiếp tục kể chuyện về Ngài cho nhân loại qua sự gặp gỡ sống động và thân tình giữa họ với nhau, với những con người, đặc biệt là những người nghèo, nghèo dưới mọi hình thái.

“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Chúng ta kể chuyện về Chúa Giêsu cho anh em chúng ta không phải bằng những lời văn hoa mỹ, nhưng trước hết bằng đời sống chứng tá trong yêu thương và phục vụ. Đây là lối kể chuyện hay nhất và hiệu quả nhất trong bối cảnh Á Châu. Những người đã hiến dâng cuộc đời mình để phục vụ tha nhân như chân phước Têrêsa Calcutta là những câu chuyện sống động về Chúa Giêsu mà người Á Châu thích nghe.

Nữ:        

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói về nội dung của giới răn mới cho các môn đệ. Nội dung đó là tình thương dành cho nhau như Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con ơn hiểu biết thiêng liêng để mỗi ngày chúng con cảm nếm được sự dịu ngọt của tình yêu Chúa, để từng ngày chúng con nhận ra một phần nào “chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chiều sâu” của tình yêu Chúa, một tình yêu luôn vượt quá mọi sự hiểu biết (x. Ep 3,18)    

Xin cho chúng con đừng giam hãm niềm tin của mình trong những bức tường kiên cố, nhưng đem niềm tin đó vào đời sống ở giữa tha nhân, dù họ là ai: người ở bên cạnh chúng con hay người mà tình cờ chúng con gặp gỡ trên đời, bằng sự chia sẻ, yêu thương, dấn thân và phục vụ.

Xin cho chúng con biết lắng nghe Chúa Thánh Thần và người nghèo, lắng nghe những chất vấn về tình yêu từ tận sâu thẳm của con tim, biết nhạy cảm trước những đau khổ muôn hình vạn trạng của anh chị em chúng con, biết tôn trọng công bình, mộ mến tinh thần hợp tác và đối thoại.

Xin cho chúng con biết tiếp tục kể chuyện về Chúa cho đồng bào chúng con, biết kể chuyện một cách đáng tin cho người thời đại. Các câu chuyện hay đều dựa vào kinh nghiệm. Câu chuyện hay là câu chuyện đáng tin, và câu chuyện đáng tin là vì nó thật. Xin cho chúng con biết xác tin rằng muốn kể chuyện về Chúa thật hay cho đồng bào chúng con trong xã hội Việt Nam hôm nay, chúng con phải bắt đầu bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ thật cụ thể, yêu thương và phục vụ những con người bằng xương bằng thịt, những người già, trẻ thơ, người bệnh tật, người nghèo đói, người bị bỏ rơi và sống bên lề xã hội.

12. Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, trong bài ca thứ tư về người tôi tớ Giavê (Is 53,3-5), ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh về người tôi tớ mà cả cuộc đời là sống cho người khác và vì người khác, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu:

“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,

phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.

Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,

bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Sự thật, chính người đã mang lấy

những bệnh tật của chúng ta,

đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,

còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,

bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,

bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;

người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,

đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”

(Is 53,3-5).

Xin dạy chúng con biết yêu thương bằng trái tim của Chúa, biết tha thứ với tấm lòng của Chúa, biết nhận ra những nhu cầu của anh chị em đồng loại với ánh nhìn của Chúa, để đời sống chúng con trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và tỏa lan ra đến hết mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban giới răn mới và ban Thánh Thần để nhắc nhớ và dẫn chúng con vào sự thật toàn vẹn. Xin cho chúng con biết kể chuyện về Chúa bằng tất cả kinh nghiệm thiêng liêng đền từ những lần gặp gỡ, đối thoại, khao khát và cảm nếm sự hiện diện của Chúa.

13. Hát bài “Đâu có tình yêu thương”.

III. KẾT THÚC

Lời nguyện kết:

Lạy Cha, chúng con dâng lên Cha tâm tình cảm tạ tri ân. Cha đã ban cho nhân loại Con Một Cha là Đấng Cứu Độ Trần gian. Người đã sống trọn vẹn thân phận người tôi tớ. Nếu Người. “là Chúa và là Thầy” mà còn đến để phục vụ chứ không để được phục vụ, thì đến lượt chúng con, xin Cha dạy chúng con biết hiến dâng cuộc đời để yêu thương và phục vụ anh chị em chúng con. Amen.

 

 

Friday, August 20, 2021

Album Thánh ca [TÂM TÌNH CON DÂNG]- Sáng tác: Dương Hạnh

 Album Thánh ca [TÂM TÌNH CON DÂNG]

Sáng tác: Dương Hạnh

Trình bày: Nhiều ca sĩ


Danh sách ca khúc:

00:00 Con Xin Dâng - Trình bày: Thanh Hoài

Lời bài hát "Con xin dâng":

Đời con không có gì để mà dâng lên

Đời con không có gì dâng về Thiên Chúa

Ngày tháng con sinh vào đời

Là phút giây con trần trụi

Ngày tháng con xa trần đời

Là ngày đó con về cát bụi [...]

04:11 Thân Con Là - Trình bày: Đỗ Thành Danh

Lời bài hát "Thân Con Là":

Thân con đây là hạt cát

Nhỏ bé giữa đời mà thôi

Con đây là cát bụi

Mà Ngài chẳng hề khinh chê

Con đây chẳng có công trạng gì

Mà Ngài hằng đoái nhìn con

Con đây phận hèn lỗi tội

Mà Ngài mãi hoài yêu con […]

09:53 Niềm vui đời dâng hiến - Trình bày: Thanh Hoài

Lời bài hát "Niềm vui đời dâng hiến":

Từ lúc con đáp lời xin vâng

Lời gọi mời sâu thẳm cõi lòng

Từ lúc con nói lời xin vâng

Lời gọi mời của Ngài đó Chúa ơi…

Đời tận hiến có Chúa kề bền

Khi mỗi ngày ca câu kinh nguyện cầu

Đời tận hiến niềm vui cao dâng

Vui buồn cùng nhau san sẻ

Đời tận hiến phục vụ hi sinh

Nguyện cầu Chúa cứu mọi linh hồn […]

14:31 Về bên Mẹ Trà Kiệu - Trình bày: Hải Yến

Lời bài hát "Về bên Mẹ Trà Kiệu":

Hân hoan hân hoan một niềm vui

Hân hoan con về đây

Về nơi đây bên Mẹ Trà Kiệu

Ngắm nhìn, ngắm nhìn Mẹ yêu trên ngọn đồi

Năm xưa Mẹ hiện ra bảo vệ đoàn con

Mẹ hiện ra cùng đoàn Thiên Thần áo trắng [...]

19:26 Mừng Mẹ Lên Trời - Trình bày: Xuân Đăng

Lời bài hát "Mừng Mẹ Lên Trời":

Hôm nay trần thế vui mừng

Vui mừng hỉ hoan

Muôn người về bên Linh đài với Mẹ

Hợp hoan câu chúc khen

Khắp thế nhân, cùng tấu khúc nhạc rền vang

Tôn vinh! Tôn vinh! Tôn vinh Mẹ toàn thể địa cầu

Vì hôm nay, chính Mẹ được rước lên trời [...]

"TÂM TÌNH CON DÂNG" là chủ đề Album mà tác giả chọn để gửi gắm vào các ca khúc mỗi cảm xúc, nỗi niềm khác nhau. Hy vọng khi nghe những ca khúc này, ACE có thể lắng đọng lòng mình suy ngẫm về hành trình cuộc đời.

Tuesday, August 17, 2021

TÌNH THƯƠNG BÓP MÉO GIỮA THỜI COVID | Dương Hạnh

 TÌNH THƯƠNG BÓP MÉO GIỮA THỜI COVID

Dương Hạnh

Tình thương giữa con người với nhau, giữa con vật với nhau, hay giữa con người và động vật, thậm chí giữa thực vật với nhau cũng có tình thương. Đó là một phạm trù của tình cảm không thể diễn tả được.

Con người thương nhau vì họ có trái tim, có lương tâm; các loài động vật cũng thế, chúng yêu thương nhau và che chở, bảo vệ nhau trước kẻ thù, giúp nhau tồn tại; những thực vật cũng có tình thương, chúng dựa vào nhau, bám víu nhau để tồn tại trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường sống.

Đại dịch Corona Virus đã hoành hành trên toàn thế giới, không loại trừ một ai. Nó xuất hiện từ Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019, cho đến nay thì tốc độ lây lan của loại visus này vô cùng kinh khủng.

Trong hai năm gần đây, Virus Corona đã vào Việt Nam và đã phá huỷ toàn bộ nền kinh tế, tính mạng của người dân Việt. Đặc biệt những tháng gần đây, nó đã làm cho thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội và hầu như toàn quốc phải lao đao. Ở đây tôi không nói về nguyên nhân hay nguồn gốc làm gì, việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ dành cho những chuyên gia đầu ngành. Tôi chỉ nói về tình thương yêu giữa con người với nhau trong thời Covid này.


Những bình luận từ Facebook

Tình cảm ấy diễn tả nơi mỗi con người qua từng cá nhân, tổ chức để cùng san sẻ, cùng giúp nhau vượt qua. Những đoàn thiện nguyện của các tổ chức giàu có, các cơ quan tôn giáo, thậm chí còn cả những người buôn ve chai….Họ cũng sẵn lòng sẻ chia những gì họ có cho những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid. Nào là: những gói mì tôm, những kg gạo, những bịch trứng gà, những bó rau-củ-quả, những kg thịt, những cái bánh chưng; hay những bịch sữa, chai nước, nắm xôi, chai xăng để hỗ trợ đoàn người từ miền nam về quê chống dịch bằng xe máy (vượt ngàn kilômét). Nhìn những mảnh đời đang chọn cây xanh & lề đường là nơi gối đầu, nghỉ mệt trên hành trình về quê thì lòng tôi mới thấy được tình thương giữa con người dành cho nhau thật đáng quý biết bao, thật cảm động biết nhường nào!

Cảnh người đi chợ trong dịch (hình Facebook cắt từ Video)

Ấy thế mà, đâu đó vẫn còn những tình thương lạ lùng lắm! giàu phần “con” giữa cái tính “người” ấy lắm!

Những ngày giãn cách xã hội diễn ra trên toàn thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng…, trước đó thì người dân đổ xô nhau để đi mua lương thực, thực phẩm về trữ, dành cho những chuỗi ngày “nhà nào ở yên tại nhà đó” theo chỉ thị 16 của Chính Phủ Việt Nam. Qua cái cảnh ấy, tôi thấy tình thương con người thể hiện rất giàu phần “con” làm sao.Tôi đi ra quán tạp hoá đổi 1 bình nước lọc để uống phải mất 15 ngàn VND (tăng hơn 3 ngàn so với giá thường); 1 quả bí đỏ nhỏ xíu cũng phải 20 ngàn mới có thể mua được, chưa kể các mặt hàng khác như thịt, cá, trứng… Nhan nhản trên các trang của mạng xã hội Facebook đăng lên, tôi đọc thấy những bình luận rất nhẹ nhàng nhưng đầy căm phẫn của người dân: “Quả dưa leo 14 nghìn”, “bó rau đồng giá 25k mua thì mua không mua thì thôi”, rồi còn những câu như: “tưởng sao Tui mua trái thơm 6 lạng 35k, cái đưa cái rổ ra hỏi nó có con dao không, cái cha bán thơm nói ko bán nữa kkk”… Hay những câu như có vẻ bằng lòng với số phận: “Còn rẻ chán đó bạn”. Ôi, thật là đang cắt cổ người ta quá mà! Tôi đọc những phản hồi ấy, mà lòng cứ như cắt ra từng khúc ruột. Tôi tự hỏi: Ở chốn kia bao người nghèo khổ, bao tổ chức mà họ còn dành giụm, biếu không cho những người túng thiếu, chia sẻ chút tình thương đồng loại giữa thời dịch bệnh; mà sao chốn này lại gặp thấy những thứ tình thương “lạ lùng” giữa con người với nhau đến như vậy? Tôi phải dùng từ gì cho đúng với tình thương này? Một “tình thương khốn nạn” chăng!

Từ lúc Corona Virus này lây lan về Việt Nam, tôi cũng từng nghe thông tin từ Chính phủ rằng sẽ hỗ trợ người dân Việt Nam gặp khó khăn do dịch bệnh với gói hỗ trợ 62.000 tỷ VND (năm 2020) và gói hỗ trợ 26.000 tỷ VND (năm 2021). Theo đó, “người có công với cách mạng, người cao tuổi neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật được thành phố hỗ trợ thêm mỗi người 1 triệu đồng. Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ thêm mỗi hộ 500 ngàn đồng; nhóm lao động tự do gồm giáo viên mầm non, bảo mẫu, lái xe taxi… với mức 1,5 triệu đồng/người với tổng số tiền là 92 tỷ đồng ([1])”. Thế nhưng đến nay mấy ai nhận được số hỗ trợ đó, ngay cả bản thân tôi là lao động tự do, dù cho thất nghiệp hàng tháng cũng không được 1 đồng xu từ những “chính sách hoành tráng” như thế này. Đó là kiểu tình thương thật “hào phóng kinh điển nhất” có phải không?...

Giữa thời bình này mà tôi cứ tưởng như thời chiến tranh, chống dịch còn hơn cả chống giặc ngoại xâm; người dân đi vào khốn đốn, đói khổ; các tổ chức thiện nguyện, hay thậm chí kẻ nhặt ve chai, họ còn thể hiện tình yêu thương một cách thiết thực, sao lại có những kiểu tình thương như “tiếng kèn la kêu pheng phẻng” như thế được? Thật là vị ngọt kinh tởm giữa mùa dịch.

Sống một kiếp người có nhân, quả; có đời này, đời sau. Làm sao để phúc đức cho hậu thế mới là điều đáng trọng. Tôi không dám nói gì lớn lao, mà chỉ đáng buồn và tiếc thay cho một số thành phần đang dùng tình thương con người một cách “dã man” giữa mùa dịch bệnh. Thử hỏi làm giàu, sinh lợi nhuận cao trên bao cảnh đời khó khăn, mà để rồi Virus cuốn đi sinh mệnh, thì tiền của tích trữ có được gì, rồi chỉ mang thân tro bụi về với bụi tro mà thôi.

Thật là một viễn cảnh đáng buồn! …

 



[1] https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-trien-khai-goi-ho-tro-26000-ty-giup-nguoi-lao-dong-875504.vov

Tuesday, August 10, 2021

[CHẦU THÁNH THỂ] Chủ đề: TIN TƯỞNG PHÓ THÁC | (Mt 6, 25-34) | Dương Hạnh

 

GIỜ CHẦU THÁNH THỂ

Dương Hạnh

CHỦ ĐỀ

TIN TƯỞNG PHÓ THÁC

1.        Mở đầu: Hát “Thánh Thần, khấn xin ngự xuống….”

2.        Đặt Mình Thánh xong hát L Thờ lạy…



3.        Lời dẫn:

Kính thưa cộng đoàn, lại một ngày nữa trôi đi trong bình an của Chúa.

Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con sống đến giờ phút này, giờ đây lại được quây quần với nhau nơi nhà nguyện thân thuộc để chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, và tìm gặp Chúa trong tình yêu thương với anh chị em. Chúng con tin tưởng Chúa đang hiện diện trong hình bánh trên bàn thờ này; cũng tin rằng Chúa ở trong từng chị em con đây và luôn trang điểm cho mỗi chúng con vẻ đẹp tuyệt mỹ của Chúa.  (thinh lặng….rồi hát: “Lời Ngài sáng ngời chiếu soi trần gian…”

4.        Lời Chúa (Mt 6, 25-34)

5.        Suy niệm (Mời ngồi)

Trước hết, lo lắng luôn là một trạng thái tâm lí mà ai ai cũng có trong cuộc sống thường nhật. Người thì lo học hành, thi cử; kẻ thì lo hôm nay phải ăn gì, mặc bộ nào cho lộng lẫy; người thì lo bán hàng sao để khỏi thua lỗ; kẻ thì lo bị trễ giờ làm vv.  Hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết rằng: anh  em“ đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc (Mt 6, 25)”.  Ngài lấy ví dụ chứng minh “hãy nhìn xem chim trời: chúng không gieo không gặt, không tích trữ vào kho; thế mà cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6, 26). Nếu cứ theo nghĩa đen mà ngẫm thì phải chăng Chúa Giêsu đang thách đố ta với một bài toán hóc búa? Nếu không gieo, không gặt về; không đem phơi khô, sàng sấy và để dành trong kho thì liệu ai sẽ cho ta một miếng lúc đói, lúc rét? Điều đó thật phi lí! Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại nói một câu xanh rờn rằng: “Hỏi có ai trong anh em lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ được một gang tay”? Quả đúng vậy! Dù ai lo lắng đủ điều thì mạng sống mình, mình cũng không tự quyết được. Biết đâu nay bạn, mai tôi (vì một lí do đơn giản nào đó) Chúa gọi đi lúc nào không hay. Chẳng ai nói trước được điều gì. Đây là câu nói hay của Chúa Giêsu! Như vậy, lo lắng mọi sự ở đời này đều không sinh ích gì, và cũng chẳng tài gì giữ được mạng sống nếu bị lấy đi.

Hát (Lạy Chúa, con chỉ là tạo vật, Chúa thật i..a.. sang giàu, có gì mà dâng Chúa đâu…)

Kế đến, làm đẹp là một nhu cầu rất thiết thực của con người, nhất là trong xã hội hiện đại, thì  nhu cầu ấy lại trở nên trung tâm điểm không chỉ là ở phái yếu mà còn rộng ra với đấng mày râu. Mọi tiệm làm tóc, trang điểm, tẩy trắng, thẩm mỹ viện vv…thay nhau mọc lên để phục vụ nhu cầu làm đẹp của quý ông, quý bà. Còn chị em ta? Vẻ đẹp ấy từ đâu ra dù ta không đến những nơi như thế để làm đẹp, trang điểm? Vâng, cũng có chị em dùng kem này ngừa mụn, kem kia liền sẹo; ăn uống tiết độ để giữ dáng vv… Lời của Chúa Giêsu hôm nay lại giúp ta thêm tự tin để không còn phải lo lắng làm đẹp những cái bên ngoài nữa: “hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà ngay cả vua Salomon vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp cho bằng một bông hoa ấy”(Mt 6, 28-29). Quả thế, một sự ví von đến lạ lùng của Chúa! Một bông hoa huệ đem đi so sánh với một vị vua với ngàn vạn người đứng dưới hầu hạ. Có lẽ thông điệp mà Ngài muốn gửi đến rộng và cao siêu hơn ta nghĩ. Điều đó có nghĩa là, mọi sự cứ đặt trong tay Chúa, cứ là của Chúa, mọi sự trao hết cho Ngài thì Ngài sẽ tô điểm cho ta thêm đẹp. “Hữu xạ tự nhiên hương” đó không chỉ là câu truyền miệng thông thường nhưng ẩn chứa hàm ý sâu. Vẻ đẹp thật sự hiện lên không phải ở dáng vẻ bên ngoài (tô son, đánh phấn, áo quần bảnh bao) mà đó là vẻ đẹp tỏa hương ở tâm hồn; ở suy nghĩ; ở cách đối nhân xử thế; ở sự thật thà; lòng bao dung tha thứ; và ở một tình yêu sắt son chung thủy với Ngài  vv… Như vậy, bạn hay tôi, chị em chúng ta cũng không cần lo lắng bận tâm phải mặc gì, phải làm sao cho xinh đẹp. Nhưng chính Phu Quân chúng ta sẽ điểm tô cho ta đẹp hơn gấp 10, gấp trăm nếu ta biết tin tưởng, phó thác đời mình trong tay Ngài.

Lời Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng đó: “anh em đừng lo lắng ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì… Trước hết, hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn mọi thứ khác Người sẽ ban cho” (Mt 6, 30; 33) như một lời mời gọi, một lời nhắc nhớ cho bạn, cho tôi, cho tất cả chị em chúng ta rằng: Tất cả mọi thứ xung quanh chỉ là phù du, còn mạng sống đích thực là phần rỗi đời đời mới là trên hết.  Ước gì tình yêu với Phu Quân Giê su đốt nóng trong trái tim mỗi người , để mọi thứ xung quanh không còn xâm chiếm. Cái ăn, cái mặc,  sức khỏe vv.. đều  sẽ được Ngài ban cho đủ tiêu dùng. Quan trọng là một niềm phó thác, một sự tin tưởng tuyệt đối đời mình cho Chúa.

Hát (một niềm phó thác, đời con trong tay Ngài, dù là đêm dài, dù là tương lai….)

Kết thúc (Này con là đá…)

Hát (Maria, đưa dìu đời con bước đi, gian trần đầy bao gian nguy….)

 

Saturday, August 7, 2021

MỪNG MẸ LÊN TRỜI [KARAOKE]  | Sáng tác: Dương Hạnh | Trình bày: Xuân Đăng

 MỪNG MẸ LÊN TRỜI 

KARAOKE BEAT GỐC CHUẨN
Ca khúc: Mừng Mẹ Lên Trời
(Lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/8)
Sáng tác: Dương Hạnh
Trình bày: Xuân Đăng




Mừng Mẹ lên trời là đại lễ Mừng kính Đức Maria được cất lên trời cả hồn lẫn xác. Chúng con xin chúc mừng Mẹ vì sau bao kỳ công, Mẹ đã cộng tác với Chúa để hoàn thành công trình cứu chuộc nhân loại bằng lời đáp "Xin vâng".
Chúc mừng Mẹ vì nay Chúa đã thưởng công, đưa Mẹ về trời. Nguyện xin Mẹ luôn gìn giữ và hướng dẫn chúng con sống đời dương thế xứng con cái Mẹ, đợi ngày cùng Mẹ hưởng phúc trên trời.

Xin gửi Anh Chị Em bản gốc Karaoke để ACE có thể tự mình thể hiện ca khúc này.
Chúc Anh Chị Em đón mừng đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời nhiều thánh ân!

XIN HÃY SAI CON