MÓN QUÀ MẸ ĐÃ CHO CON
(Câu chuyện có thật mang đậm tính bí tích trong đời sống của một tu sĩ)
Tác giả: Mộc Đan
“Người phụ nữ sẽ không thể nấu ăn ngon nếu không có một tâm trí sáng suốt, một tinh thần minh mẫn và một trái tim giàu tình yêu thương” ( Paul Gauguin )
Gia đình của tôi nằm giữa khu vườn rộng khoảng 3000 m, xung quanh được bao bọc bởi những cây chuối mà tôi đặt tên là “công viên vườn chuối”. Phía trước ngôi nhà có một dãy đất sâu hơn, trải dài khoảng 80m, rộng khoảng 15m, được chia làm hai khoảnh, một khoảnh nhỏ làm ao cá, một khoảnh để cấy lúa, hay trồng rau muống. Bảy chị em chúng tôi có những khoảng thời gian bận rộn với khu vườn về việc cuốc xới hoặc nhổ cỏ dại, để hoa màu thu được kết quả tốt. Trong khoảnh vườn gia đình tôi, tất cả những việc làm đều vui vẻ.
Ruộng trồng lúa phát triển rất mạnh mẽ, theo vòng xoay tự nhiên cây lúa trổ đòng, lấn át cả những loài cỏ dại mọc lên cùng nó. Mùi hương lúa trổ đòng thật nhẹ nhàng. Tới lúc chín vàng, hương vị, màu sắc thật tuyệt. Tuổi thơ của tôi gắn liền với cánh đồng lúa chín vàng, dòng sông êm ạ trôi, cùng với quê hương thanh bình.
Hình ảnh của mẹ khi gặt lúa đáng yêu chẳng kém những sản phẩm tuyệt vời mà mẹ làm ra từ chúng. Lúa gặt về mẹ trải lên sàn của sân rồi đạp lúa, những hạt lúa vàng thơm rơi xuống, phơi nắng rồi đem đi xay thành gạo. Mẹ biến hạt gạo thành những bữa cơm tuyệt ngon cho cả gia đình. Thân lúa được phơi thành rơm để làm chất đốt nấu cơm. Phần rạ thì làm phân bón cho mùa lúa sau.
Gia đình tôi thích cơm mẹ nấu nhất, có lẽ cơm mẹ nấu ngon tuyệt bởi mẹ mất nhiều thời gian từ việc chăm sóc lúa cho tới ngày có được hạt gạo. Cơm mẹ nấu đã trở thành biểu tượng của tình yêu mẹ dành cho gia đình.
Mẹ dạy cho chị em chúng tôi nấu cơm, từ cách vo gạo, căn nước sao cho cơm ngon, căn lửa sao cho cơm không bị cháy. Vào thời đó chất liệu nấu cơm là rơm và củi, mỗi lần vào bếp là mặt mũi tôi lọ nhem nhuốc. Chị em chúng tôi nấu cơm ngày thì sống, ngày thì nhão, ngày thì cháy khét, nhưng chưa bao giờ bị la mắng, mẹ luôn là người xử lý tình huống.
Có lần tôi được nghe mẹ kể lại thời mẹ mới về làm dâu. Ba mẹ cưới nhau năm 1979 lúc mà kinh tế khó khăn. Mẹ vốn sinh ra từ biển chỉ biết đến cá tôm. Vậy mà khi về làm dâu một vùng quê nghèo mẹ đã phải bươn chải để nuôi gia đình chồng, ông bà nội, các cô, các chú là mười miệng ăn. Buổi tối mẹ đan nón để có tiền mua gạo, mua thức ăn, còn ban ngày đi cuốc đất cấy lúa, mọi thứ mẹ đều phải học. Học làm dâu, học chăm sóc gia đình chồng, học làm công việc đồng áng. Thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Khoảng thời gian nghèo túng và khó khăn chưa bao giờ quật ngã mẹ tôi, người chỉ có những mong muốn giản dị và khiêm tốn. Điều mẹ ước ao là một mái ấm gia đình, con cái nên người, có một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Rồi ba mẹ cũng được ở riêng. Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ cuộc sống khó khăn, cơm không đủ ăn, phải độn với khoai lang. Mẹ tôi lúc nào cũng lấy khoai lang, cơm cháy ăn để phần cơm ngon cho chị em tôi. Lúc đó tôi đâu có hiểu biết gì, cứ nghĩ là mẹ thích ăn, đâu có nghĩ là mẹ đã hy sinh vì thương yêu chúng tôi.
Năm 1999 trận lũ lịch sử in đậm trong lòng tôi. Nhà bếp của gia đình tôi thấp hơn nhà trên khoảng 1m, nước ngập hết, đâu đâu cũng nước, ngập cả nhà trên gần đến 1m. Làm thế nào để nấu cơm đây? Lũ trẻ chúng tôi hồn nhiên vô tư, thấy nước là chơi, dùng cây chuối làm bè, lấy cửa nhà làm thuyền chơi như một trò tinh nghịch của trẻ thơ. Anh chị lớn thì dùng lưới bắt cá cho mẹ làm thức ăn. Chơi mệt, đói, bơi vào nhà xem mẹ đã nấu cơm chưa. Lũ trẻ chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy mẹ dùng cái thau nhôm làm bếp, đặt lên hai thanh sắt và nấu cơm trên giường, nơi duy nhất còn khô ráo. Chúng tôi chỉ chờ lời nói của mẹ là ngồi xúm lại quanh bếp mà ăn trong hạnh phúc. Cái đói được no thỏa bởi cơm mẹ nấu.
Cơm mẹ nấu là kết quả của niềm vui lẫn nỗi buồn, vất vả, mồ hôi, và nước mắt hạnh phúc của mẹ, bởi chị em chúng tôi lớn khỏe, trưởng thành nên người như mẹ mong ước. Chúng tôi đã tận hưởng trọn vẹn niềm vui khi sống với mẹ. Dù lớn khôn chúng tôi vẫn là con của mẹ.
Ngày nay cơm được nấu trong nồi cơm điện, không còn nấu bằng rơm hay củi như trước nữa. Ngày xưa cơm mẹ nấu bằng rơm phải cận thận để lửa không tắt. Nấu cơm là một việc nặng nhọc và mất giờ. Cơm chín lũ trẻ chúng tôi ăn thật ngon lành. Giờ đây, chị em chúng tôi có bốn anh chị em đã lập gia đình, hai anh em theo ơn gọi, còn em út đang học. Cuộc sống đầy đủ tiện nghi, không còn khó khăn như trước nữa. Có những lần gặp nhau, chị em chúng tôi lại ngồi lại kể những kỷ niệm tuổi thơ.
Riêng tôi vẫn thấy cơm mẹ nấu là tuyệt nhất trên đời này. Cơm mẹ nấu có một phẩm chất đặc biệt chẳng tìm được ở nơi nào khác. Vì đó là nồi cơm có tính bí tích. Nó cũng được tạo nên từ gạo như bất kỳ nồi cơm nào. Tuy thế, nó vẫn khắc hẳn vì nó mang một ý nghĩa thực tại con người khác. Thực tại ấy hiện diện trong và với cơm mẹ nấu. Mẹ bây giờ đã ngoài 60, nhưng mẹ vẫn tiếp tục gắn bó với những công việc thiết thực trong đời sống hằng ngày mẹ. Và như thế, mẹ vẫn làm cho những công việc nội trợ mang một ý nghĩa sâu xa.
Cơm mẹ nấu gợi nhớ quá khứ một thời, khi mà cuộc sống bao vất vả khó khăn. Mẹ nuôi chín miệng ăn. Mẹ phải thức rất sớm như một biểu tượng của sự tần tảo mẹ hiền. Mẹ thổi cơm để lũ trẻ chúng tôi kip ăn sáng rồi tới trường học. Tan trường về chúng tôi đã có sẵn cơm. Cứ thế chị em chúng tôi trưởng thành. Cơm bồi bổ tâm hồn và nuôi dưỡng cuộc sống chúng tôi và nó trở thành biểu tượng căn bản cho sự sống.
Mẹ luôn là người ngồi bên nồi cơm, mẹ xới từng chén cơm trao cho chúng tôi. Phần chúng tôi nhận từ tay mẹ chén cơm thẫm đẫm tình thương. Ngay cả hôm nay, khi đi xa trở về mẹ vẫn là người xới cơm trao cho tôi, có lẽ để nhớ đến Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “ rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông…” ( Lc. 22, 19 )
Ngẫm lại, trong cuộc sống có rất nhiều giá trị mà tôi xem là đương nhiên vì nó là thứ sẵn có, mỗi khi tôi cần là có, như cơm mẹ nấu vậy. Tôi không cần quan tâm nó đã đến với tôi như thế nào, và từ khi nào. Giá trị tự nhiên cũng đến tự nhiên như khí trời vậy, tràn ngập ở khắp nơi và thừa thãi đủ dành cho tất cả. Chỉ khi nó mất đi thì tôi mới biết được nó quan trọng ra sao.
Khi tôi học cấp III có những khoảng thời gian mẹ vào Đắk Nông nấu ăn cho ba và anh chị làm rẫy trong đó, tôi trở thành chị lớn của ba em nhỏ, lúc này với vai trò của người chị và làm mẹ của ba em nhỏ tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả bấy lâu của mẹ. Tôi vừa phải chu toàn việc học vừa chăm lo cho ba em. Khi có mẹ tôi được ngủ nướng dậy là có cơm ăn, đi học về là có cơm ăn. Giờ không có mẹ tôi phải dậy sớm lo cho các em. Trước khi đi học lo gửi hàng xóm mua thức ăn để đi học về là có thức ăn để nấu, kịp cho buổi học chiều. Rồi còn công việc đồng áng nữa chứ, khi có mẹ tôi đâu phải lo gì. Sắp tới mùa cấy lúa phải chuẩn bị việc gieo mạ để khi mẹ về có lúa mà cấy. Lúc này tôi thấy mình lúng túng không biết phải bắt đầu từ đâu, từ việc mua giống lúa, ngâm giống, làm đất để gieo giống, tất cả thật khó khăn. Nhưng rồi cũng qua đi trong sự vất vả của tôi. Nhờ khoảng thời gian này mà tôi nhận ra không có gì là đương nhiên cả. Tất cả đều có cái giá của nó.
Tôi đã tồn tại và phát triển trong sự bảo bọc và quan tâm được xem như là đương nhiên. Tôi liên tục với sự sống mạnh mẽ và lòng tin của bản thân vì trong tôi là nền tảng vững chắc mà mẹ đã truyền cho tôi. Khó có thể diễn đạt hết tình yêu mà mẹ đã dành cho tôi. Đó là sự nỗ lực miệt mài, sự kiên nhẫn vô cùng, luôn sẵn sàng bằng mọi cách để bao bọc, chở che cho tôi. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ mẹ người luôn dõi theo bước đi của tôi.
Trong thâm tâm của tôi, mẹ luôn giữ một vai trò quan trọng không có gì có thể thay thế. Mẹ mang lại cho tôi một tình yêu ấm áp, hiền hòa. Mẹ luôn chỉ dẫn, động viên tôi vượt gian nan, thử thách, hướng tôi đến những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Mẹ đã dẫn tôi đến với tình yêu Giêsu khi thúc đẩy tôi sống trong ơn gọi.
Mỗi khi nghe nói là tôi chuẩn bị về thăm gia đình mẹ đều hỏi tôi “con muốn ăn gì để mẹ chuẩn bị”. Thật sự trong dòng tôi đâu thiếu thốn gì, nhưng để mẹ không buồn tôi cứ trả lời mẹ nấu gì con ăn nấy, mẹ nấu gì con cũng thấy ngon cả. Bởi không đơn thuần là cơm hay món gì, nhưng là tình thương mẹ dành cho tôi. Tôi mong nhớ cơm mẹ nấu nhưng lại không muốn mẹ biết điều đó. Bởi đơn giản tôi muốn mẹ thấy tôi là người đã trưởng thành, để mẹ không còn lo lắng gì cho tôi nữa.
Dường như giữa mẹ và tôi có thần giao cách cảm, bởi tôi thấy mẹ hiểu tôi ngay cả khi tôi không ở gần. Mẹ hiểu tôi bởi tôi là con của mẹ, tôi lớn lên bởi cơm mẹ nấu và bởi tình thương của mẹ. Lần kia tôi về đám tang cậu, tôi nghe mẹ nói là con hãy kiên vững trong ơn gọi, trong lúc đó tôi đang muốn về, lúc đó tôi đang là đệ tử của Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa. Mẹ cảm nhận được trong tôi đang muốn bỏ cuộc dù tôi không nói ra. Tôi quay trở lại nhà dòng tiếp tục có lẽ vì thương mẹ. Nhưng trong cầu nguyện tôi nhận ra đây không phải là ơn gọi của tôi. Tôi nghĩ rằng mẹ thương tôi mong cho tôi hạnh phúc, nhưng mẹ không thể hiểu được hạnh phúc của đời tôi không phải là ơn gọi Dòng Mến Thánh Gía. Và rồi, tôi quyết định xin về không hỏi ý kiến ai, không ai biết, tới ngày tôi về nhà, nhìn thấy, mẹ như hiểu là tôi ra về. Mẹ buồn! Tôi không biết phải giải thích thế nào cho mẹ hiểu, chỉ biết chờ đợi thời gian trôi qua cho tới khi tôi tìm thấy ơn gọi mới, một ơn gọi mà tôi thấy hạnh phúc thật sự. Tôi đã bước vào ơn gọi một dòng truyền giáo (ABC) được 8 năm, có thể nói rằng đây là thời gian tôi rất hạnh phúc. Tôi tin rằng Chúa Quan Phòng đã an bài mọi sự trong cuộc đời của tôi. Chúa an bài cho tôi được làm con của mẹ, được làm con Chúa, được sống trong ơn gọi. Vâng, tất cả là hồng ân Chúa.
Khi ngồi xuống viết bài này bỗng hình ảnh lời bài hát “ HÁT VỀ TÌNH MẸ CHA” của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Sang hiện lên trong tôi, dường như đó là tâm tình, lòng biết ơn và ước mong của tôi đối với đấng sinh thành. “Chúa tác sinh con vào đời, cho con một mái ấm. Có bóng cha yêu hiền hòa, có tình mẹ rất bao la. Tình cha dang cánh bay, tình mẹ cao vút mây. Con ngụp lặn trong hạnh phúc biết mấy. Ngọt ngào khúc hát tri ân nguyện cầu Chúa xuống muôn ân. Giúp cha mẹ con tháng ngày an hòa. Tựa ngọn nến cháy tiêu hao, một đời vất vả gian lao. Nhắc trong lòng con nghĩa nặng tình mẹ cha. Tiếng hát ru con vào đời, đêm đêm mẹ thao thức. Uốn nắn cho con thành người, mối tình phụ tử khôn vơi. Rồi khi con lớn khôn, trùng dương vỗ cánh bay. Tấm lòng mẹ cha luôn mãi dõi bước.”
Cơm mẹ nấu gợi nhớ đến những năm tháng ấu thơ, gợi lên kỷ niệm ngọt ngào ngày xưa. Tôi luôn cho rằng cơm mẹ nấu ngon nhất trên đời: không phải là mẹ có bí quyết gì đặc biệt nhưng chỉ cơm đó mang tính bí tích. Như một bí tích, cơm là một phần đời sống của tôi. Cơm làm bồi bổ tâm hồn và nuôi dưỡng tâm linh hơn là thể xác vì nó là một bí tích. Cơm mẹ nấu thấm đẫm một ý nghĩa thấy được ngay trong hình dáng vật chất của nó.
------------------------------------------------------------
* Tên của Hội Dòng đã được admin thay đổi.
* Bản quyền bài đăng thuộc trang Blog:
anthonyduonguyenvie.blogspot.com
* Tác giả giữ tác quyền