CẦU NGUYỆN, LẼ SỐNG ĐỜI TU
Anthony Padua Dương Văn Hạnh, SVD Noviciate
Khi nói đến đời sống thiêng liêng thì không thể không nói đến cầu nguyện. Dường như, cầu nguyện là cụm từ gây nên nhiều cảm hứng cho nhiều tác giả viết nên những cuốn sách đóng góp vào kho tàng đời sống thiêng liêng, tu đức…vô cùng giá trị. Thí dụ như: cuốn Học cầu nguyện của Bernard Bro, OP (Ủy ban đoàn kết công giáo TP HCM, xuất bản 1992); cuốn “Con đường nên Thánh dễ dàng” của Lm Paul O’ Sullivan,OP (Matthias M. Ngọc Đính, CMC-chuyển ngữ,2004); “Cầu nguyện và suy tư” của ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận; “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện” của Cửu Long_Trần, 2004; “Giờ dành cho Chúa-Hướng dẫn sống đời cầu nguyện” của Cha Jacques Philippe, chuyển ngữ-Cha M.Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Ocist; …vv…Vâng, cầu nguyện là chủ đề xuyên suốt cuộc hành trình thiêng liêng để đến gần với Chúa ngày một sâu xa hơn. Thế nhưng, cầu nguyện cần thiết như thế nào? Cầu nguyện ra sao và với tâm tình nào? Liệu trong đời sống cầu nguyện, chúng ta có gặp những khó khăn, trở ngại nào không? Và chúng ta có biện pháp gì để sống đời cầu nguyện tốt hơn? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu để thấy rõ hơn về điều đó.
Thiết nghĩ, cầu nguyện là linh hồn chuyện vãn với Thiên Chúa([1]), là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người trong niềm tin. Tin Chúa đang hiện diện, tâm sự với Ngài và lắng nghe Ngài nói trong ta để ta cảm nhận sự biến đổi của ta. Để đạt được ý thức sống trong sự hiện diện ngày đêm của Thiên Chúa, sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa thì “các ẩn sĩ xưa họ hiểu rằng, họ phải lánh xa sự huyên náo bên ngoài, nhờ sự thinh lặng bên trong”([2]). Còn Thánh John Climacus thì nói: “Trước tiên nó như một sự gỡ bỏ mối liên hệ với những điều cần thiết cũng như không cần thiết, thứ hai nó như một lời chuyên cần và thứ ba nó như một hành vi cầu nguyện liên lỉ trong tâm hồn”. Thông thường, khi chúng ta muốn nói chuyện với ai thì chúng ta tìm gặp người đó, hoặc điện thoại, hoặc email, chat yahoo, facebook... Cầu nguyện cũng vậy đó, là sự nối kết giữa góc trời này với góc trời khác, nối kết giữa Thiên Chúa và con người.
Cầu nguyện còn là nâng cao tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban những ơn cần thiết([3]) cho ta. Khi tâm hồn chúng ta nâng cao lên nghĩa là các tư tưởng, khát vọng của linh hồn tự tách khỏi trái đất, mọi lo lắng, ưu tư, buồn sầu bay bổng, thoát khỏi thể xác lên tận Ngai Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa chính là chúng ta gặp Ngài trong tư tưởng và thưa chuyện với Thiên Chúa; mọi lo âu, buồn phiền, dự tính dâng hết cho Ngài. Trong sách Tiên tri Giê-rê-mi-a có viết: “Các ngươi tìm Ta và các ngươi sẽ gặp, vì các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng” (Gr 29,13).
Cầu nguyện dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong tha nhân. Cầu nguyện cũng có nghĩa là gặp gỡ tha nhân, trong sự hiệp thông và tình yêu mến: “Thiên Chúa và con người” ([4]). Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận cũng từng viết rất hay, “Chúa Giê su dạy con cầu nguyện với lòng đầy tin tưởng, mở rộng lòng đón nhận tình yêu của Chúa Cha, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…Tin tưởng lời của Chúa Cha” ([5]) . Điều này trong Kinh Thánh cũng nói rõ cho ta biết khi cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê su và hai môn đệ diễn ra trên đường Emmau xưa (Lc 24,13-32). Vậy, cầu nguyện với tâm tình như thế sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa ngay giữa dòng đời, trên từng đoạn đường ta đang đi, bên cạnh người anh em đồng hành với chúng ta ([6]).
Cầu nguyện không những là một việc cần thiết cho phần rỗi linh hồn mà còn là hơi thở giúp chúng ta sống đời thiêng liêng, là động lực để giúp ta lướt thắng tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống. Thánh Anphongso từng viết: “Tôi sẽ lập lại cuộc đời rằng phần rỗi của tôi tùy thuộc vào sự cầu nguyện. Có cầu nguyện, phần rỗi của bạn sẽ bảo đảm; không cầu nguyện bạn cầm chắc sự bị trầm luân. Tât cả các Thánh trên Thiên đàng sở dĩ được cứu thoát là vì các Ngài đã cầu nguyện; các kẻ trầm luân trong hỏa ngục, mất linh hồn là vì không cầu nguyện….Ai cầu nguyện là tự cứu lấy mình; ai không cầu nguyện là tự trầm luân. Ai biết cầu nguyện, người đó biết sống nên!”. Về điểm này, Mẹ thánh Têrêsa cũng nói rằng: “những người không nguyện ngắm, chẳng cần phải có ma quỷ lôi kéo; tự họ sẽ nhào xuống hỏa ngục”. Cũng như nếu không nguyện ngắm, chúng ta sẽ không thấy mình đang trong tình trạng nguy hiểm khủng khiếp sắp lao xuống hỏa ngục. Vì thế, hàng ngàn con người, nam cũng như nữ; giống như chúng ta, hằng ngày đang phải sa trầm xuống đó ([7]). Kinh Thánh cũng chép: “Anh em hãy tỉnh thức, sẵn sàng vì không biết giờ nào con người sẽ đến” (Mc 13,33-57; Mt 24, 36-44); (Mt 24, 43-51; Lc 12,40). Khi không cầu nguyện nữa, chúng ta bị chìm ngập trong những ưu tư, lo lắng, buồn rầu của cuộc sống. Nghề nghiệp, quá khứ và cả tương lai đè nặng làm chúng ta trở nên đen tối. “Đối với Chúa Giê su, cầu nguyện và sống cũng như hơi thở và nhịp đập của trái tim; tuy hai chuyện riêng biệt, riêng rẽ, nhưng lại liên hệ mật thiết với nhau. Và nếu con người không thể sống khi trái tim ngừng đập hay đã tắt thở, thì người tu sĩ không thể coi là “sống” nếu không cầu nguyện và hành động” ([8]).
Thế nhưng, chỉ cầu nguyện ngoài môi miệng thôi thì chưa đủ, nhưng mà còn phải kết hiệp một cách sâu xa nữa. “Chỉ cầu nguyện ngoài môi miệng, còn lòng chúng ta lại xa cách Chúa” (Mt 15,8). Cho nên, miệng đọc mà lòng suy ngẫm thì mới sâu và ý nghĩa. Nói như Thánh Augustino: “Miệng đọc lời nào, lòng suy lời ấy”. Cho nên cầu nguyện phải được xem là hơi thở thiết yếu của mọi chiều kích của đời sống thiêng liêng…
Ngoài ra, cầu nguyện còn giúp ta vượt mọi khó khăn. Thánh Gandhi của người Ấn độ từng nói thế này: “Chính việc cầu nguyện đã cưu mang tôi…Không cầu nguyện, tôi đã mất trí từ lâu rồi! Nếu tôi không mất bình an trong tâm hồn, dù phải trải qua bao thử thách là nhờ cầu nguyện” ([9]). Cho nên, Kinh Thánh có chép: “Hỡi những ai đang vất vả mang ghánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi êm ái, gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mt 12, 28-30). Cầu nguyện giúp ta rất nhiều, nếu không cầu nguyện ta sẽ nên yếu đuối và dễ sa ngã, vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Một khi chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện như vậy; để đạt được hiệu quả và có ý nghĩa sâu xa trước mặt Chúa, đẹp lòng Ngài thì chúng ta cần khiêm tốn mà cầu nguyện, đừng phô trương trước mặt người đời nhưng phải biết cách li, tách biệt mình nơi kín đáo để cầu nguyện. Qua dụ ngôn người Biệt Phái và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện, chúng ta cũng học được lòng khiêm nhường nơi người thu thuế; ý thức được bản thân là một kẻ thấp hèn, tội lỗi và cầu xin ơn Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Thánh Têrêsa Avila cũng từng nói: “Tất cả tòa nhà cầu nguyện được xây trên nền tảng sự khiêm nhường”, điều đó có nghĩa là xác tín rằng sức riêng của chúng ta thôi, sẽ chẳng làm được tích sự gì, nhưng với Thiên Chúa, Người có thể làm được điều tốt trong cuộc sống của chúng ta ([10]). Hay như Thánh John Climacus cùng từng nói: “Hãy đóng cửa phòng thân thể bạn, cửa của miệng bạn đối với lời nói, cửa nội tâm bạn đối với các tà thần”. Như vậy, không chỉ cầu nguyện một cách khiêm tốn mà còn phải biết cầu nguyện nơi kín đáo ngay từ tâm hồn mình nữa. Điều này chúng ta cũng bắt gặp được Chúa nói trong Thánh Kinh: Hãy “lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện” như Chúa (Lc 5,16); hay là “đóng cửa phòng lại mà cầu nguyện” (Mt 6,6).
Mặt khác, chúng ta đừng bao giờ nản chí nhưng hãy vững tin mà cầu nguyện không ngừng, kiên trì và liên lỉ; cầu nguyện mọi nơi mọi lúc. Bởi lẽ “ai bền chí đền cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13) và “những gì anh em tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,22)”. Cũng như dụ ngôn quan tòa và bà góa mà Thánh Luca tường thuật trong Thánh Kinh (Lc 11,5,13) cho thấy một viên Thẩm phán keo kiệt, ích kỉ và ngang ngược, nhưng cuối cùng ông ta cũng đành phải ngồi tòa giải quyết tiếng kêu oan của bà góa với lí do để khỏi bị bà quấy rầy. Hay như dụ ngôn người bạn đến vay bánh vào giữa khuya; mặc dù không muốn trỗi dậy để lấy bánh, nhưng trước sự nài nỉ của người đang ở ngoài cửa, chủ nhà đành thức dậy lấy bánh cho bạn mượn (Lc 18,1-7). Thánh Augustino cũng nói một câu rất hay: “Bạn đừng bao giờ buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban cho bạn điều bạn xin; vì Người muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn, nhờ bạn kiên trì kết hợp với Người trong cầu nguyện. Người muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Người đã sẵn lòng ban”. Nói như Thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-a cũng viết: “Hãy hân hoan trong mọi lúc; hãy cầu nguyện không ngừng; và hãy tạ ơn Chúa trong mọi sự, vì đây là điều Thiên Chúa mong chờ anh em thi hành trong Chúa Giê-su Ki-tô” (1Tx 5,17-18).
Cho nên, bạn cũng như tôi đừng bao giờ ngừng nghỉ cầu nguyện, nhưng hãy kiên trì và cầu nguyện không ngừng; trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh vì “Chúa ở khắp mọi nơi thông biết mọi sự, hằng xem thấy ta, hằng nghe lời ta cầu nguyện”([11]); và như Thánh Phao-lô từng quả quyết: “anh em hãy sống trong kinh nguyện và lời khấn nài, hãy cầu nguyện trong Thần Khí và trong mọi thời buổi”(Ep 6,18). Hãy cầu nguyện trong sự khiêm nhường, đừng phô trương như những Biệt Phái giả hình xưa.
Đức Giêsu đã nói: “Không phải cứ lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời đâu”. Cầu nguyện cũng vậy, không nhất thiết phải nhiều lời, quan trọng chính là phẩm chất của ánh mắt, cường độ của lòng tin, hương vị của khao khát tìm kiếm và cảm nhận được. “Khi cầu nguyện, chúng ta đừng lải nhải nhiều lời như dân ngoại, họ cứ tưởng phải nói nhiều là được nhận” (Mt 6,7). Hơn nữa, chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng vì chỉ trong sự tĩnh lặng, chúng ta được biến đổi; có thể nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn.
Khi cầu nguyện, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con đang thờ lạy Chúa, chúc tụng ngợi khen Người, đền tạ những lỗi lầm của ta và ý thức mình là thụ tạo thấp hèn, từ đó xin ơn Ngài giúp sức, đỡ nâng ta. Vâng, thờ lạy Chúa là thái độ của chính con người khi nhận mình là thụ tạo đang đối diện với Đấng sáng tạo; tán dương Đấng đã dựng nên ta, Đấng quyền năng giải thoát ta khỏi mọi sự dữ. “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13) đó cũng là tâm tình của con người cầu khẩn, van xin ơn tha tội, vì khi nhận biết mình đã phản nghịch lại Thiên Chúa là Cha; như thế chúng ta đang sống trong tâm tình đền tạ Chúa. Hơn nữa, trong cuộc đời chúng ta không thể không gặp những đau thương, vui buồn. Tất cả là hồng ân Thiên Chúa ban, cho nên chúng ta không ngừng cảm ơn Chúa; và “hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Thiên Chúa muốn anh em làm như vậy, vì anh em đã được kết hợp với Đức Ki-tô (Tx 5,18)”. Khi ý thức được mình là thụ tạo bất xứng, mọi sự không thể tự mình mà có, cũng không thể tự làm chủ mọi nghịch cảnh diễn ra trong đời nên chúng ta cần kêu la, cầu xin Ngài ban ơn giúp sức cho ta.
Trong đời sống cầu nguyện, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không phải lúc nào mình cũng bước trên con đường thẳng băng. Chúng ta thường gặp phải những trở ngại nhất định như: Lo ra, chia trí; không có thời gian để cầu nguyện, hay thân xác chúng ta quá nặng nề; khô khan, nguội lạnh…Sống giữa một xã hội phát triển như ngày nay, công việc bộn bề, có quá nhiều cuộc hẹn hò, hội họp, giải trí…đó là cả một dòng chảy không ngừng nghỉ. Vì thế, đời sống cầu nguyện cũng đang bấp bênh trên dòng chảy đó. Cũng vậy, sự khô khan do thiếu niềm tin hay sự nguội lạnh do suy nhược tinh thần; tất cả dường như đang làm chúng ta xa rời đời sống cầu nguyện. Do đó, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ “không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được” (Ga 15,5) và luôn luôn tỉnh thức, hãm mình vì “tâm tính thì mau lẹ, mà xác thịt thì yếu đuối”(Mt 26,41).
Để suốt cuộc hành trình tu đức của mình không bị đứt đoạn hay trở nên nhàm chán, để đời sống nội tâm thêm sâu sắc mỗi ngày một hơn thì chúng ta cũng cần có phương cách cầu nguyện cho riêng mình, làm sao cho sinh động, hấp dẫn hơn? Vâng, có nhiều phương pháp đáng để bạn cũng như tôi học hỏi: Có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, bằng cách xét mình hằng ngày, hay cầu nguyện bằng chuỗi kinh Mân Côi, suy gẫm một câu-đoạn Kinh Thánh hoặc dùng tất cả giác quan của mình cũng có thể cầu nguyện được…
Như chúng ta biết, kinh Lạy Cha là kinh mà Chúa Giê su đã dạy, đó là tâm tình của người con dành cho Cha mình. Tiếng Abba-Cha ơi! Gói trọn một tình yêu sống động và sâu sắc của người con đối với Cha; ngoài tiếng này ra, không còn tiếng gọi nào tha thiết hơn, nồng nàn hơn, ân tình hơn mà đứa con có thể dùng để gọi Cha mình. Cho nên khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha là một phương thế đơn giản nhưng sâu sắc nhất. Ngoài ra, việc cầu nguyện bằng cách xét mình hằng ngày cũng vô cùng hữu ích; xét mình để kiểm điểm lại bản thân, không những biết xem xét lại những yếu kém lỗi lầm của mình mà còn ý thức được Chúa đang tác động trên cuộc đời chúng ta. Hay chúng ta cũng có thể dùng kinh Mân Côi để cầu nguyện, bởi kinh Mân Côi được rút ra từ kho tàng Lời Chúa, do Chúa và Giáo hội dạy. Lần chuỗi kinh Mân Côi là phương cách làm đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ. Tại sao tôi nói vậy? Bởi lẽ kinh Mân Côi bao gồm kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng; mà kinh Lạy Cha do Chúa Giê su dạy-là tâm tình người con dâng lên Chúa Cha; kinh Kính Mừng là lời kinh làm đẹp lòng Mẹ nhất, vì là lời chào của sứ thần Gapriel và thánh Isave-Mẹ được ca tụng đầy ơn phúc, hơn mọi người và cũng là lời Hội thánh dạy để xin Mẹ cầu bầu hằng ngày cũng như giờ lâm tử; còn kinh Sáng Danh được rút ra từ Kinh Thánh, cũng là lời đọc lên khi chịu phép rửa tội, là lời tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, cầu nguyện bằng kinh Mân Côi cũng là phương pháp hữu hiệu nhất mà không bao giờ nhàm chán cho cuộc đời tu sĩ, nhờ đó lòng mến yêu đời sống cầu nguyện ngày một cũng tăng lên. Ngoài ra, việc sử dụng chính những giác quan của mình, qua hơi thở, bằng trí khôn, tình cảm, óc tưởng tượng cũng giúp ta loại bỏ được những gì tổn hại đến linh hồn; bởi linh hồn và thân xác gắn bó với nhau và tinh thần cũng được biểu lộ nơi thân xác. Như vậy đời sống cầu nguyện chúng ta luôn phong phú, không bị bó buộc trong một cách nào hay trong phạm vi nào cả. Việc vận dụng được mọi phương thế vào cầu nguyện sẽ làm cho đời sống nội tâm triển nở hơn, đặc biệt những người đang bước trên hành trình theo đuổi ơn gọi.
Tóm lại, đời sống cầu nguyện luôn là chủ đề xuyên suốt hành trình thiêng liêng của mỗi người chúng ta. Cầu nguyện không chỉ là kim chỉ nam hướng dẫn người Kitô hữu sống đạo mà còn giúp cho những người sống bậc thánh hiến thật sự “sống” và đi vào,kết hợp sâu xa hơn với Thiên Chúa. Nếu không cầu nguyện thì mọi lo âu, buồn phiền, dự tính và mọi ồn ào của cuộc sống sẽ bóp nghẹp tâm hồn ta như hơi thở của thân thể bị ngạt vậy. Khi sống đời cầu nguyện, có thể chúng ta sẽ gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn nhất định như nhàm chán, chia trí…nhưng trên hết tất cả, chúng ta hãy cầu nguyện luôn, cầu nguyện trong khiêm nhường, tin tưởng, phó thác và liên lỉ, kiên trì không bao giờ ngừng; hãy mặc lấy tâm tình của người con đang tâm sự, thưa chuyện với Chúa; luôn ý thức mình là một thụ tạo thấp hèn, yếu đuối. Nhờ đó, chúng ta không ngừng cảm tạ, ngợi khen Chúa; cầu xin Ngài tha thứ mọi lỗi lầm cũng như ban ơn, nâng đỡ ta trong cuộc đời. Và đích điểm cuối cùng chúng ta có thể dừng chân là hạnh phúc nước trời mai sau.
[1] Augustino
[2] Xc. “Cầu nguyện từ tâm hồn”, George A. Maloney, tr 35
[3] Gioan Damas (Giáo Lý HTCG. 2559)
[4] Xc.“Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, tr 54&53
[5] Xc. “Cầu nguyện”, ĐHY Fx Thuận, tr 127-128
[6] Xc. “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, 52&53
[7] Xc. “Con đường nên Thánh đẽ dàng”, Lm Paul O’ Sullivan, OP (Matthias M. Ngọc Đính, CMC-chuyển ngữ 2004), tr 132-133
[8] Xc. “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, tr 50
[9] Xc. “Lạy Ngài, xin dạy con cầu nguyện”, Cửu Long_Trần, 2004, tr 40-42
[10] Xc. “Giờ dành cho Chúa-Hướng dẫn sống cầu nguyện”, Cha Jacques Philippe, Fr . M Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Ocist (chuyển ngữ), tr 9
[11] Giáo lý sơ cấp 1, Gp. Vinh.
--------------
#DongNgoiLơi, #TuDoanNhaChua, #Rogate, #SVD, #SVD, #RCJ, #CauNguyen,
--------------
#DongNgoiLơi, #TuDoanNhaChua, #Rogate, #SVD, #SVD, #RCJ, #CauNguyen,
0 comments: