Chào mừng bạn đến với Blog cá nhân của Anthony Dương Nguyễn vie. Mến chúc bạn có những giây phút ý nghĩa!

SÁNG TÁC MỚI- CA KHÚC "VỀ BÊN MẸ TRÀ KIỆU"

NHẠC PHẨM MỚI YÊU THÍCH

BÀI VIẾT MỚI

Sunday, September 10, 2017

Thinh lặng hay lên tiếng

THINH LẶNG hay LÊN TIẾNG


Anthony Padua Dương Văn Hạnh

Chúng ta đang sống giữa một xã hội của nền văn minh, khoa học kỹ thuật-công nghệ phát triển; cùng với đó thì tục hóa đang đi sâu, len lỏi vào từng người, từng môi trường sống, từng giai cấp khác nhau. Từ thành thị đến nông thôn, từ học đường về gia đình, từ xã hội vào đời tu, từ giàu đến nghèo… Dường như chủ nghĩa cá nhân, tự do và hưởng thụ đang được đề cao; và đồng thời đồng tiền “đi liền khúc ruột”, mở mắt ra là thấy tiền, bất cứ cái gì cũng có thể quy thành tiền. Chính vì thế lời nói không còn trọng lượng nếu không có “dola” đi cùng. Trong một viễn cảnh như vậy, chúng ta nên lên tiếng hay im lặng?
Thiết nghĩ, con người đều có quyền tự do ngôn luận, chúng ta có thể nói lên chính kiến của mình khi thấy hay đối diện với những điều không hay, không phù hợp.
Xét về mặt xã hội, ngày nay mọi tệ nạn đang lan tràn khắp nơi, nó đang đi sâu vào mọi giai cấp, mọi thế hệ. Nào là: cờ bạc, rượu chè, ma túy, buôn bán người (nhất là phụ nữ và trẻ em), mại dâm..vv.. Bạn có thể làm thinh hay lên tiếng? Giữa một chế độ mà sự ngược đãi, bạo hành trẻ em như báo chí từng đưa tin; hay một xã hội mà công lý hòa bình đang bị bóp nghẹt nhiều, thậm chí hàng loạt vụ án dân oan diễn ra mà theo báo cáo hằng năm lên Quốc hội của Bộ Công an thì “không có oan sai, nghiêm minh, đúng luật”… Hay những vụ đất đai tôn giáo bị chiếm đoạt cho những dự án kinh tế, khách sạn…như Tam Tòa (Quảng Bình), Thái Hà (Hà Nội), Con Kuông (Nghệ An)… Trước một xã hội như thế, nếu bạn hay tôi lên tiếng bảo vệ, kêu oan hay làm chứng thì có thể bị bách hại, bị đánh đập, bắt giam và thậm chí có thể mất mạng. Dường như chỉ còn giải pháp nín lặng, làm thinh cho “trong ấm ngoài êm”,cho “an toàn là bạn” thì tốt nhất. Tôi thiết nghĩ, nếu tôi im lặng thì tôi như đang dửng dưng và vô cảm trước não trạng, thực tại ấy của xã hội.
Xét về mặt tôn giáo nói chung, và niềm tin Kitô giáo nói riêng thì ta nói hay làm thinh, điều đó chỉ để làm đẹp lòng Chúa, vì tình yêu Chúa và vì vinh quang của Người. Tất cả mọi sinh hoạt của người Tu sĩ hay Giáo dân đều quy hướng về Thiên Chúa. Nếu không được như thế, thì luôn luôn có nguy cơ lạc lối và quy hướng về tội lỗi nhất là khi có liên quan đến lời nói. Hầu như mọi người không đặt thành vấn đề như thế. Họ nói hay làm thinh tùy thích. Dường như bây giờ họ mở miệng ra là “để chẳng nói gì hết, để khoe khoang, để nịnh hót hoặc quyến rũ, để phê bình, nói xấu và gièm pha… cả ngàn kiểu cách xấu xa mà ta không dám nhìn thẳng”. Người ta thường nói: “Lòng đầy thì miệng mới nói ra”. Tôi tự nhủ rằng: khi tôi nói hoặc tôi làm thinh, có phải thật sự vì Chúa không? Hay đúng hơn là vì khoe khoang, kiêu ngạo hay cả nể? Có lẽ rằng, tôi cần phải tự đối mặt với Chúa trước dung nhan Ngài mỗi ngày; và luôn phải ý thức rằng Chúa Thánh Thần luôn hiện diện nơi bạn và tôi. Chính Người là Đấng sẽ soi sáng, hướng dẫn, chỉ bảo chúng ta cần nói khi nào và nói như thế nào.
Sự thinh lặng mang lại hoa trái gì cho ta? Làm thinh, nín lặng không phải là câm như hến mà là biết làm thinh và biết nói đúng lúc. Đó là điều kiện duy nhất để có được sự bình an đích thực và ta có thể chia sẻ sự an bình đó cho nhiều người khác. Trái lại, những người lắm lời thường gây khó chịu cho người khác, là nguyên nhân của rắc rối và chia rẽ. Con người ít nói thì cho dù ở đâu đi nữa cũng luôn gieo sự an bình chung quanh mình. Dù cho ta sống trong tu viện hay giữa thế gian thị sự thinh lặng thật đáng quý biết bao! Thinh lặng giúp tôi dễ dàng nghe tiếng Chúa thôi thúc trong lòng nhiều hơn, qua đó tôi có thể tạo cho mình được đời sống nội tâm sâu sắc, tránh những xô bồ của thế gian và kết hợp sâu hơn, gần gũi, thân mật với Chúa hơn.
Thiết tưởng “thinh lặng đích thực” là thinh lặng từ trong nội tâm của lòng mình. Còn sự thinh lặng nơi miệng lưỡi thì chẳng có ích lợi gì; nó chỉ mang tính giả tạo, phi lý nếu trong lòng cứ lải nhải và không ngừng nói xấu tha nhân.
“Lên tiếng” thì sao? Một khi ta nói thì phải nói những lời hay, đẹp, lời bác ái, vị tha, yêu mến, mang lại hữu ích cho người khác…Lời nói khi thốt lên mà tránh được những ích kỉ, nói xấu, gièm pha, lộng ngôn…thì đích thực đó là một sự thinh lặng đích thực, là lúc ta “lên tiếng” chứ không còn “thinh lặng” nữa. Còn một khi ta lên tiếng để mỉa mai, chỉ trích, đổi trắng thay đen, mưu cầu lợi ích cá nhân hay là để gièm pha thì quả thật, sự thinh lặng bên ngoài bây giờ thật cần thiết. Vì như thế thì thà đừng nói thì hơn, để cho sự thinh lặng đích thực như đã nói ở trên được thăng hoa.
Như vậy, thinh lặng hay lên tiếng dường như trở thành một phạm trù triết học. Nó mang tính tương đối chứ không tuyệt đối nữa. Nên nói lúc nào và khi nào cũng chỉ là tương đối. Lúc thinh lặng là lúc ta lên tiếng; có lúc lên tiếng là lúc ta đang thinh lặng thật sự. Vì nói lời hay, tốt đẹp là lúc ta đang thinh lặng tuyệt vời; không nói gì mà câm như hến chưa chắc đã thinh lặng thật sự mà chỉ mang tính giả tạo nếu trong lòng luôn nói xấu tha nhân. Thinh lặng tuyệt đối thì không hẳn là không nói. Lúc nói xấu, gièm pha thì sự thinh lặng bên ngoài lại cần thiết biết bao. Nói tóm lại, thinh lặng hay lên tiếng dường như cần phải được phân biệt rõ ràng và cần được đi sâu vào tiềm thức của bạn và tôi; đặt mình trước hoàn cảnh, nâng cao đời sống nội tâm, đồng thời để Chúa Thánh Thần hoạt động giúp ta biết nói lúc nào và như thế nào. Cần phải hiểu  “thinh lặng” chứ không phải là “nín lặng”.
Mặt khác, lên tiếng không đồng nghĩa là chỉ bằng lời nói nhưng có lúc ta làm thinh lại là lúc ta lên tiếng bằng những hành động cụ thể. Hành động đó sẽ diễn tả ra bên ngoài là một sự đồng tình, hưởng ứng hay là phản bác. Thí dụ: Người cha sai con đi ra đồng làm việc, người con chẳng nói gì mà tự đi tìm cuốc, xẻng để đi làm; hành động đó cho thấy sự đồng ý, vâng lời của người con. Còn ngược lại, nếu người con ấy bỏ đi chơi với bạn bè, chơi game, đá banh…thì hành động đó nói lên sự bất mãn, không đồng tình theo ý của người cha đã truyền. Như vậy, nhiều lúc chúng ta “lên tiếng” cũng không nhiết thiết dùng “lời” nhưng là dùng “hành động” diễn tả.
Tóm lại, thinh lặng hay lên tiếng nằm ở ý thức và quyết định của mỗi người. Chúng ta cần phân biệt và xét xem nên lên tiếng lúc nào và như thế nào hoặc lúc nào nên làm thinh. Lúc ta “lên tiếng” cũng chính là lúc ta “thinh lặng” tuyệt đối nếu lời ta đưa đến việc hữu ích và mưu cầu hạnh phúc, hòa bình cho người khác cũng như cho chính mình. Lúc thinh lặng cũng chính là lúc ta lên tiếng. Và không chỉ có lên tiếng bằng lời nói nhưng còn dùng chính hành động không cần “lời”  để lên tiếng thể hiện ý kiến của mình.
Trong đời tu, sự thinh lặng bên ngoài cũng như sự thinh lặng nội tâm là điều thiết yếu và quan trọng. Qua đó người Tu sĩ dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa, sẵn sàng đón nhận mọi nghịch cảnh và thử thách xảy đến cho người đó trong cuộc đời. Bạn hãy để Chúa Thánh Thần hoạt động, hướng dẫn bạn trong mọi hoàn cảnh và hãy học thinh lặng-lên tiếng đúng lúc, đúng nơi trong đời sống chúng ta dưới sự tác động của Thần Khí Chúa.
( DaLat, May 2015)


0 comments:

XIN HÃY SAI CON